LHQ cảnh báo hàng triệu điện thoại di động, máy tính xách tay, máy tính bảng, máy ảnh kỹ thuật số, đồ chơi điện tử khác đang được xuất khẩu một cách bất hợp pháp sang các nước nghèo dẫn tới nguy cơ bệnh tật và ô nhiễm môi trường.
Vòng đời sử dụng của sản phẩm điện tử ngày càng ngắn. |
Rác thải điện tử (RTĐT) được cho là “dòng” rác phát triển nhanh nhất thế giới bởi nó được xác nhận là rác từ cái tủ lạnh cũ cho tới đồ chơi, bàn chải đánh răng (loại bỏ pin). Năm ngoái, có gần 50 triệu tấn rác thải điện tử trên toàn thế giới, tương đương mỗi người có 7kg. Trung Quốc tạo ra 11,1 triệu tấn. Mỹ đứng thứ nhì với 10 triệu tấn. Tuy nhiên, tỷ lệ rác trên đầu người là cách biệt rất lớn. Trung Quốc chưa tới 5kg/người thì Mỹ lên tới 29,5kg/người. Những mặt hàng này được sản xuất từ các chất độc hại như chì, thủy ngân, catmi, chất làm chậm cháy. Ví dụ, một màn hình máy tính CRT (thường gọi là màn hình lồi) có thể chứa tới 3kg chì. Khi đổ trên bãi đất, các vật liệu độc hại dưới tác động của con người và thời tiết sẽ thấm ra môi trường gây ô nhiễm đất, nước và không khí. RTĐT trên toàn cầu dự kiến tăng 33% trong vòng 4 năm tới.
Tuần trước, Interpol tiết lộ có dấu hiệu cho thấy RTĐT đang được vận chuyển sang các nước nghèo. 1 trong 3 container từ các nước thuộc khối EU bị kiểm tra cho thấy RTĐT đang được chuyển sang các nước nghèo. Cảnh sát hướng điều tra tội phạm vào 40 công ty. RTĐT được xuất khẩu một cách hợp pháp nếu có thể tái sử dụng hoặc tái tân trang. Tuy nhiên, RTĐT được xuất sang châu Phi và châu Á dưới dạng mạo danh. Thay vì ghi là loại hàng hóa đã qua sử dụng thì lại ghi “không còn khả năng sử dụng”. Tuy nhiên, lượng hàng này được chuyển tới thị trường chợ đen để tân trang trước khi bán ra thị trường. Các mặt hàng này được xử lý trong điều kiện không bảo đảm nên rất nguy hại cho sức khỏe và môi trường. Mỗi năm có ít nhất 250 nghìn tấn và nhiều nhất là 1,3 triệu tấn RTĐT chuyển từ châu Âu sang châu Phi và châu Á.
Ruediger làm việc cho LHQ bảo rằng mùa Giáng sinh là thời điểm đột biến trong kinh doanh điện tử. Mặt hàng sản phẩm đa dạng kích thích người tiêu dùng mua mới bỏ cũ, càng làm cho vòng đời sử dụng của một thiết bị điện tử ngày càng ngắn đi. Kueher, một chuyên gia của LHQ nhận định tới năm 2017, lượng RTĐT được đổ đầy trên những xe tải 40 tấn sẽ đậu kín đoạn đường dài lên tới 15 nghìn dặm. Một nghiên cứu của Viện khoa học Massachusetts cho thấy chỉ có 66% RTĐT ở Mỹ được tái chế. Vòng đời sử dụng của một thiết bị điện tử chỉ còn chưa tới 2 năm càng khiến cho lượng RTĐT ngày càng nhiều hơn đổ sang châu Phi và châu Á.
ANH THƯ (Theo Guardian)