.

Tản mạn đầu năm

1. Mười năm trước, người Đà Nẵng từng háo hức hào hứng đón nhận tin vui: thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương vừa được Chính phủ công nhận là đô thị loại 1. Háo hức hào hứng đến mức ai cũng bảo: Đà Nẵng mình là đô thị loại 1 cấp quốc gia đấy nhé. Tức là tự đính kèm ba chữ cấp quốc gia cho thêm phần sáng giá - cứ làm như còn có một loại đô thị loại 1 dưới cấp quốc gia nào nữa vậy. Tất nhiên háo hức hào hứng đến mấy rồi cũng có lúc trầm tĩnh trở lại, và khi đã trầm tĩnh trở lại thì thấy lo nhiều hơn vui - lo sao cho danh đi đôi với thực, lo sao vẫn nhiệt tình hưng phấn mà không vồ vập bốc đồng để có thể tự mình đánh giá chính xác những gì đã làm được và nhất là những gì chưa làm được sau một thập niên ròng rã đi lên đi tới.

Nhìn lại Đà Nẵng sau 10 năm được công nhận đô thị loại 1, có thể thấy diện mạo đô thị ở Đà Nẵng thay đổi nhanh chóng và rõ rệt - đến mức có thể xem là kỳ tích. Đà Nẵng cũng đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ lãnh đạo và công chức thừa hành đồng tâm nhất trí vì đại cuộc, trên dưới một lòng nhất hô bá ứng; và từ nhân hòa trong đảng bộ và chính quyền thành phố mà gầy dựng được nhân hòa trong đông đảo người dân Đà Nẵng. Có thể nói ở Đà Nẵng, Đảng nói Dân tin - Mặt trận và Đoàn thể vận động Dân theo - Chính quyền làm Dân ủng hộ không chỉ là một khẩu hiệu thể hiện quyết tâm chính trị mà đã trở thành một nguồn lực thực tế, và đấy là điều cốt lõi nhất để tạo nên sức mạnh đồng thuận của người Đà Nẵng. Sức mạnh đồng thuận này không phải là đặc sản của mười năm đô thị loại 1, nhưng tầm vóc một đô thị loại 1 đã làm cho sức mạnh đồng thuận ấy phải bộc lộ hết khả năng, phải vận hành hết công suất để làm nên cái Được lớn nhất của Đà Nẵng ngày nay.

2. Nhưng cũng không phải vì Được như thế mà người Đà Nẵng cảm thấy bớt lo hơn. Lại lo sao cho thành phố mình vừa có sức thu hút vừa có sức lan tỏa. Rồi bắt đầu tự trách mình sao lại sắp xếp dàn dựng công phu chương trình biểu diễn văn nghệ rất hoành tráng chào mừng sự kiện thành phố được công nhận là đô thị loại 1 mà chỉ toàn những ca khúc viết về Đà Nẵng. Phải chi hôm đó có thêm một vài bài hát về hai tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên-Huế láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau, hay có thêm một vài bài hát về thành phố Hải Phòng kết nghĩa… Đây không chỉ là chuyện hát hò cũng không chỉ là chuyện đối ngoại nhịn miệng đãi khách, mà đây chính là chuyện triết lý nhân sinh: không bao giờ được đơn độc trong quá trình phát triển.

Vậy sau mười năm đô thị loại 1, Đà Nẵng đã tạo được sức thu hút lẫn sức lan tỏa cần thiết chưa? Đơn cử như việc hoa hồng, hoa ly, tranh thêu X.Q, trà Ô Long… của Đà Lạt đang được người tiêu dùng Đà Nẵng ưa chuộng - tức đã có sức thu hút - nhưng dường như hải sản tươi sống của Đà Nẵng vẫn chưa có chỗ đứng trong thị hiếu tiêu dùng của người Đà Lạt/người ở Đà Lạt nói riêng và người Tây Nguyên/người ở Tây Nguyên nói chung - tức vẫn chưa có sức lan tỏa. Ăn tôm tươi hay mực tươi trong các nhà hàng ven biển kể cũng thú vị và điệu nghệ, nhưng không chừng ăn tôm vẫn tươi và mực vẫn tươi trong không khí se lạnh của cao nguyên có thể càng thú vị và điệu nghệ hơn - muốn vậy đương nhiên Đà Nẵng phải có nhiều sức lan tỏa hơn nữa (1).

3. Đà Nẵng sau 10 năm được công nhận đô thị loại 1 đã có nhiều thành tựu đáng ngưỡng mộ, được bạn bè gần xa quý mến vinh danh bằng một số mỹ từ như thành phố những cây cầu, như bãi biển quyến rũ nhất hành tinh… Cho nên người Đà Nẵng còn lo làm sao để có được cách nhìn, cách nghĩ thực sự nghiêm túc, cầu thị, biết người biết ta và không tự mãn, lo làm sao để không nhầm lẫn ngộ nhận giữa đề bài và đáp số, để thấy rằng những mục tiêu như thành phố đáng sống, thành phố sinh thái, thành phố môi trường, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững… tất, tất cả mới chỉ là đề bài, thậm chí là đề bài khó còn đang loay hoay tìm cách giải hoặc tìm cách giải tối ưu, chứ chưa phải là những đáp số có sẵn.

Mà ở đời làm gì có cái có sẵn, đáp số chưa có sẵn - điều đó đã đành, ngay cả đề bài cũng đâu có sẵn. Cái đề bài Đà-Nẵng-thành-phố-khác-biệt cho tới nay vẫn chưa được định dạng định hình. Công bằng mà nói thì Đà Nẵng cũng tạo được sự khác biệt về cơ cấu kinh tế: đã chuyển từ cơ cấu công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp sang cơ cấu dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp ngay giữa năm 2008, và chính sự khác biệt này sẽ cho phép Đà Nẵng góp phần vào diện mạo Việt Nam - nước công nghiệp với vị thế một thành phố dịch vụ/thành phố công nghiệp có công nghệ cao vào đúng/trước năm 2020. Nhưng chừng ấy cũng chưa thể tạo nên một Đà-Nẵng-thành-phố-khác-biệt. Vẫn chưa có đầy đủ dữ liệu cho đề bài này, chẳng hạn làm thế nào để có sự khác biệt về cơ chế quản lý đô thị - như mô hình chính quyền đô thị không còn trung gian cấp quận, làm thế nào để có sự khác biệt về cơ chế quản lý cảng biển - như kiểu quận cảng ở Busan Hàn Quốc, và làm thế nào để có sự khác biệt về một số “cơ chế mới đối với những vấn đề mà thực tiễn thành phố đặt ra nhưng chưa có quy định hoặc đã quy định nhưng không còn phù hợp” như Bộ Chính trị đã “bật đèn xanh” cho Đà Nẵng cách đây mười năm trước (2).

4. Còn một đề bài nữa cũng từng đặt ra cho Đà Nẵng không chỉ khi  được công nhận đô thị loại 1 mà ngay cả khi mới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương: Đà-Nẵng-lối-sống-thị-dân. Có được kết cấu hạ tầng hiện đại ngang tầm một đô thị loại 1, một thành phố trực thuộc Trung ương không dễ nhưng vẫn có thể có sớm, có đủ nếu tranh thủ được các nguồn lực đầu tư tài chính - nói nôm na là nếu có tiền. Còn đối với việc gầy dựng lối sống thị dân, tình hình không giống như vậy. Trong lĩnh vực này có những chuyện không cần tiền hoặc không cần nhiều tiền cũng có thể có - đối xử với nhau cho tử tế thì cần gì tiền, ngược lại có những chuyện bao nhiêu tiền cũng không thể sở hữu nổi - bao nhiêu tiền thu hút cho được một tài năng nghệ thuật đang sung sức sáng tạo hoặc một bàn tay vàng trong phẫu thuật cứu người, rồi bao nhiêu tiền mới có thể phục dựng một di sản văn hóa đã một đi không trở lại trong quá trình  đô thị hóa…

Để giải quyết rốt ráo đề bài Đà-Nẵng-lối-sống-thị-dân, người Đà Nẵng còn phải xử lý thật hài hòa mối quan hệ giữa quê và tỉnh. Hẳn ai cũng nhớ hai dòng lục bát quen thuộc của nhà thơ Nguyễn Bính: “Hôm qua em đi tỉnh về - Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều” (bài Chân quê). Dễ nhận thấy ở đây hàm ý đối lập giữa thành thị với nông thôn, cho rằng cái phồn hoa đô hội kia đang làm phương hại tới cái mộc mạc chân quê trong người thôn nữ. Thật ra cả hai yếu tố phồn hoa đô hội và mộc mạc chân quê vẫn có thể bổ sung cho nhau chứ không hẳn đã loại trừ nhau. Cần thấy giữa lối sống thị dân - phồn hoa đô hội với lối sống nông dân - mộc mạc chân quê có mối quan hệ rất đặc thù. Tất nhiên giữ cho được mối quan hệ đặc thù này rất khó, bởi nếu không bảo lưu được những yếu tố tích cực vốn là mặt mạnh trong lối  sống nông dân thì rất dễ đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc, mà không vượt lên được sức ì cố hữu của lối sống nông dân thì coi như tự mình nông thôn hóa thành thị. Cho nên không phải ngẫu nhiên mà người Đà Nẵng cùng có một cảm nhận chung rằng trong Chương trình Thành phố 3 Có ( Có nhà ở, Có việc làm, Có nếp sống văn hóa văn minh đô thị) thì khó nhất vẫn là làm sao đạt cho được cái Có thứ ba…

BÙI VĂN TIẾNG


(1) Xem thêm Bùi Văn Tiếng: Rừng núi dang tay nối lại biển xa…, Báo Đà Nẵng số ra tháng 12 năm 2009

(2) Trích Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16-10-2003 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

;
.
.
.
.
.