.

Văn hóa tâm linh thăng hoa di sản

.

Tôi chỉ mới đi du lịch một số nước ASEAN và Trung Quốc nhưng đã thấy người ta khai thác rất tốt các giá trị văn hóa tâm linh. Người ta biết cách biến các giá trị văn hóa tâm linh thành sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Đến Angkor Wat, Angkor Thom, tôi ngỡ ngàng khi thấy cả một thế giới tôn giáo, thần linh được gắn kết với quá khứ huy hoàng ngàn năm để đưa vào khai thác kinh doanh du lịch. Các công trình kiến trúc như cung điện, đền thờ, tiên nữ Apsara... được gắn liền với các điển tích, phật thoại, truyền thuyết làm cho di sản thêm phần linh thiêng, huyền bí, giàu ý nghĩa nhân văn. Sang Lào vài lần tôi chợt nghĩ: Nếu Phật giáo không phải là quốc giáo, nếu không có kiến trúc chùa tháp và đời sống tu hành của hệ phái Nam tông ở khắp đất nước này thì có được mấy ai đến du lịch xứ sở Triệu Voi?

Lễ hội Ka tê - Mỹ Sơn. Ảnh: T.T
Lễ hội Ka tê - Mỹ Sơn. Ảnh: T.T

Dẫn chuyện này để khẳng định rằng từ rất lâu rồi trên thế giới đã có loại hình du lịch tâm linh, dưới nhiều dạng như: du lịch chiêm bái - lễ hội, du lịch hồi tưởng, hành hương về nguồn. Ở Việt Nam từ lâu đời cũng đã có nhiều khu du lịch tâm linh nổi tiếng như: Đền Hùng và lễ hội Đền Hùng, non thiêng Yên Tử và lễ hội Yên Tử, chùa Hương và lễ hội chùa Hương v.v... Gần đây có khu du lịch Bái Đính, được xây dựng ở cạnh cố đô Hoa Lư - Ninh Bình.

Các tỉnh, thành phố miền Trung chưa khai thác tốt du lịch tâm linh, mặc dù tiềm năng rất lớn. Lý do thứ nhất là “Con đường di sản” đang chiếm thế thượng phong. Hầu như mọi du khách đến Huế lần thứ nhất, lần thứ hai, thậm chí lần ba, lần bốn đều chọn điểm tham quan là Hoàng thành, lăng tẩm, xen ghép trong hành trình có ghé thăm một, hai ngôi chùa cổ, hoặc điện Huệ Nam (điện Hòn Chén). Khách đến Đà Nẵng dù đã nhiều lần (trừ đối tượng chỉ đi nghỉ dưỡng) vẫn không thể không đi Hội An, Mỹ Sơn, Ngũ Hành Sơn.

Lý do thứ hai là cả Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam - ba địa phương một điểm đến - chưa xây dựng được các sản phẩm du lịch tâm linh ngang tầm, có sức hấp dẫn, thu hút du khách. Kể cả trong truyền thông, quảng bá loại hình du lịch tâm linh cũng chưa được quan tâm.

Để khai thác tốt loại hình du lịch tâm linh, chúng ta cần phải làm gì là câu hỏi đã được đặt ra từ lâu, ở nhiều nơi, nhiều diễn đàn.

Khai thác tốt loại hình du lịch lễ hội

Các lễ hội truyền thống đều có những mục đích cao cả là cầu cho quốc thái dân an; mùa màng tươi tốt, bội thu; nhà nhà no đủ, hạnh phúc v.v… Lễ hội được diễn ra trong một không gian linh thiêng và trong một thời điểm cố định. Trong các lễ hội truyền thống của người Việt đều có các hoạt động văn hóa tâm linh. Khai thác tốt các giá trị văn hóa tâm linh lễ hội sẽ mỹ mãn hơn, thu hút du khách đến với lễ hội nhiều hơn. Đó chính là những sản phẩm du lịch có tính bền vững.

Điều đáng tiếc, trong các kỳ Festival Huế, hay Hành trình di sản Quảng Nam, ban tổ chức đã dành một khoản kinh phí khá lớn để tổ chức một số lễ hội. Nhưng các lễ hội này thường được sân khấu hóa, và diễn ra không đúng thời điểm, nên không có yếu tố thiêng, “mua vui chỉ được một vài trống canh”, nhiều khi còn bị phản cảm, nên đầu tư lớn mà giống như nữ sĩ Hồ Xuân Hương chơi đu: “cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không”.

Vì thế hãy trả lễ hội về đúng ngày của lễ hội. Chính quyền cần tạo ra cơ chế tích cực để cho các lễ hội dân gian, lễ hội tôn giáo lành mạnh được duy trì thường xuyên, sống động, góp phần tác động tích cực đến đời sống văn hóa, đời sống tâm linh của người dân cũng như du khách. Không phải liên hoan nào cũng phải do chính quyền, do ngành Văn hóa - Du lịch tổ chức.

Xây dựng các tour du lịch có tính hồi tưởng sâu sắc

Những lễ hội đã đi vào lòng ng­ười và có ý nghĩa về mặt tâm linh như lễ hội Nam Giao, lễ tế Xã Tắc, lễ hội điện Hòn Chén (ở Huế) lễ hội Quán Thế Âm (ở Đà Nẵng và ở Huế), lễ hội Bà Thu Bồn, lễ hội Ka tê (ở Duy Xuyên - Quảng Nam), lễ hội cầu ngư, lễ hội làng nghề ở các địa phương v.v... có tính hồi tư­ởng sâu sắc, giúp dân ta hiểu phong tục, tập quán tín ngưỡng, đạo lý ở đời... Ở cấp độ cao hơn, một số lễ hội như lễ hội đền Huyền Trân (ở Huế), lễ hội Tây Sơn (ở Bình Định), giúp dân ta hiểu sử ta, hiểu sâu sắc hơn về tiến trình mở mang bờ cõi về phương Nam của dân tộc Việt, cảm nhận sâu sắc hơn về sức mạnh của quá khứ.

Sức mạnh của hồi tư­ởng sẽ sinh ra du lịch hồi t­ưởng, du lịch tâm linh; mở ra những triển vọng khai thác du lịch mạnh mẽ hơn nữa ở các di tích tôn giáo, di tích lịch sử, chứng tích chiến tranh. Thực tế cho thấy, những nơi diễn ra chiến tranh ác liệt nhất là nơi con người có khát vọng hòa bình mạnh mẽ nhất. Hành hư­ơng về các chiến trường x­ưa là loại hình du lịch hồi tư­ởng, du lịch tâm linh với một khát vọng hòa bình, hướng thiện. Thành công lớn nhất của loại hình du lịch hồi tưởng ở miền Trung là các tour DMZ, đỉnh cao là lễ hội “Huyền thoại Trường Sơn”, được tổ chức trong các liên hoan “Nhịp cầu xuyên Á” tại Quảng Trị.

Thiêng hóa điểm đến

Du lịch khám phá Angkor sẽ thấy, ngoài các tài liệu chính sử, dã sử, và các kết quả khảo cổ học, du khách còn bị chi phối bởi màu sắc huyễn hoặc, thần bí. Đó là những giai thoại, những truyền thuyết như mê cung làm cho Angkor thêm phần thi vị, du khách có cảm giác mạnh hơn khi tiếp cận di sản giữa ranh giới của hiện thực và huyền thoại.  

Ngày xưa, vào các đêm trăng sáng, kinh thành Angkor nhộn nhịp người đi hành lễ. Ánh trăng rọi chiếu lung linh các đỉnh tháp, các pho tượng Bayon bốn mặt. Theo ghi chép của sứ thần Chu Đạt Quan (một sứ thần Trung Hoa đã lưu lại kinh đô Angkor trong vòng nửa năm), những ngọn tháp tạc chân dung đức Phật bốn mặt ở đền Bayon từng được mạ vàng. Đêm Angkor sẽ huy hoàng lộng lẫy chứ không u tối lạnh lẽo như bây giờ. Mỗi đêm đức vua ngự trong tòa tháp vàng để giao hoan với rắn thần hiện hình phụ nữ...

Trước khi “nhập thần” các vị Hoàng đế Angkor đã được thần thánh hóa, tạo ra những huyền thoại làm linh thiêng cho các ngôi đền ngày xưa, và tiếp tục làm thiêng hóa di sản Angkor ngày nay. Người ta đã biết cách huyền thoại hóa để tăng thêm sức hấp dẫn của điểm đến bằng sử thi, bằng văn hóa tâm linh.
Thăm kỳ quan Angkor, điểm đến cuối cùng trong ngày của các tour là lên đỉnh Phnom Barkheng. Du khách háo hức leo núi Barkheng để được ngắm hoàng hôn trên khu đền thiêng. Người Campuchia cho rằng ai nhìn thấy mặt trời lặn trong ngày thì sẽ gặp điều may mắn. Thực ra đây là thời khắc đẹp nhất để chiêm ngưỡng ánh mặt trời chuyển đổi sắc màu và những ngọn tháp hiện lên rực rỡ trong ánh chiều tà. Tương tự, điểm đến cuối cùng trong ngày của du khách sau một ngày tham quan Huế là đồi Vọng Cảnh, đồi Hà Khê. Góc nhìn sông Hương đẹp nhất khi chiều tà lúc vàng lúc tím lấp lánh, huyền ảo như bảy sắc cầu vồng. Từ đồi Vọng Cảnh nhìn qua bên kia sông là điện Hòn Chén linh thiêng, gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu. Lên đồi Hà Khê du khách hồi tưởng về truyền thuyết lựa chọn vùng đất này để xây dựng kinh đô của các chúa Nguyễn và vua Nguyễn v.v... Thế núi, dáng sông, kiến trúc Huế gắn với truyền thuyết, huyền thoại làm cho không gian Huế, cuộc sống Huế thấm đẫm văn hóa tâm linh.

Cứ như thế văn hóa tâm linh sẽ thổi hồn cho di sản, làm thăng hoa di sản văn hóa. Nếu biết khai thác tốt các giá trị văn hóa tâm linh du lịch sẽ có thêm thương hiệu mới, tạo ra sự khác biệt, làm tăng thêm tính hấp dẫn cho điểm đến. Du lịch di sản là thế mạnh của miền Trung nhưng đã có dấu hiệu cũ kỹ, du khách tham quan vài lần sẽ bị nhàm chán. Sản phẩm du lịch di sản phải được làm mới, phải được biến tấu trên nền cái lõi của di sản. Phát triển du lịch tâm linh gắn với du lịch di sản cũng là một hướng đi thích hợp, đáp ứng tâm lý, nhu cầu của số đông du khách.

THANH TÙNG

;
.
.
.
.
.