.

Thấy gì từ một hội thảo

.

“Hội thảo Kiến trúc Thái Lan và Kiến trúc của các nước láng giềng ở Đông Nam Á” do Trường Đại học danh tiếng Silpakorn - Bangkok, Thái Lan tổ chức ngày 21-12 vừa qua tập hợp ba vị tiến sĩ và một chuyên gia nội địa, một vị trợ giảng giáo sư trong nước của Đại học Silpakorn, một tiến sĩ Tin Maung Kyi người Myanmar, một tiến sĩ Soumya James từ Ấn Độ và tôi là người Việt Nam duy nhất được mời để nói về kiến trúc Champa.

Các đại biểu tham gia hội thảo (tác giả bài viết - thứ 4, từ trái qua). (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Các đại biểu tham gia hội thảo (tác giả bài viết - thứ 4, từ trái qua). (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Nhưng lạ, ngoài tám vị trong nhóm thuyết trình, chỉ có hơn chục chuyên gia Âu - Mỹ tham dự, cùng hai mươi sinh viên và nghiên cứu sinh trong trường và từ vài trường lân cận đến. Đó là điều chưa hề thấy ở Việt Nam, nơi luôn “thu hút” thật đông người tham gia. (Thu hút, để sau giờ nghỉ giải lao là mất hút!) .

Khác nữa, ở đó chỉ có một vị trưởng khoa đến phát biểu ngắn khai mạc hội thảo, còn lại toàn thời gian là dành cho vấn đề chuyên môn. Các màn kính thưa - không; giờ nghỉ trưa - không; sau giờ ăn trưa, hội trường trống vắng như lệ thường ở Việt Nam càng không. Ở đó có hội có thảo, có chất vấn có trả lời. Và nhất là, ở đó không có chuyện cắm cúi đọc tham luận.

Đại học Silpakorn do một giáo sư nghệ thuật người Ý - tên Thái là Silpa Bhirasri - thành lập tại Bangkok vào năm 1943, khi ông đã là công dân Thái. Đây là trường đại học hàng đầu của Thái Lan về mỹ thuật và khảo cổ học. Hiện nay nhiều phân khoa khác được mở ra, với khoảng 28.000 sinh viên theo học.

Hội thảo tập hợp 8 báo cáo chọn lọc. Tôi, với tư cách người nghiên cứu văn hóa Chăm, trình bày về “Tổng quan người Chăm ngày nay và Kiến trúc Chăm tại Việt Nam”. Sau phần trình bày của tôi, Opatham Ratanasupa, một nghiên cứu sinh khoa Kiến trúc của trường, có tham luận về kiến trúc Hà Nội. Tôi hỏi ban tổ chức, sao không mời một nhà nghiên cứu Việt? Họ nói: để hội thảo có cái nhìn mới và khác hơn, cạnh đó cho nghiên cứu sinh của họ làm quen với công việc nặng nề trước mắt đồng thời thử thách khả năng trình bày tham luận trước các nhà chuyên môn.

Đó gần như là mục “thử việc” duy nhất của hội thảo. Khác xa ở Việt Nam, nơi luôn dành phần “dài và xa” cho quan chức và chuyên gia trưởng lão.

Hội thảo khoa học nào bất kỳ được coi là thành công, khi nó giới thiệu được cái mới lạ gây thú vị. Ở đây, hai người thu hút được sự chú ý đặc biệt của tôi, qua tham luận với nhiều dẫn liệu hình ảnh phong phú của họ.

Chatri Prakitnonthakan, Giáo sư trợ giảng Trường Đại học Silpakorn, thuyết trình về các loại hình nhà sàn Đông Nam Á. Bao nhiêu là nhà sàn, đủ dạng đủ cỡ với những cách bố trí với mái vòm lạ lẫm, độc đáo. Từ Philippines cho đến các dân tộc thiểu số ở phía bắc Việt Nam, từ bộ lạc nơi hòn đảo nhỏ ở Thái Bình Dương cho đến dân tộc Tây Nguyên.

Riêng tiến sĩ Chotima Chaturawong, nhà tổ chức hội thảo, ngược lại, bà đi sâu phân tích các hình thái Mandapa trong kiến trúc từ Ấn Độ sang Thái Lan, Campuchia cho đến kiến trúc tháp Champa với một hiểu biết thâm sâu kỳ lạ.

Ở đây, tôi nói gì? Sau mươi phút lướt qua nội dung đề mục “Người Chăm - xưa và nay”, tôi chuyển sang kiến trúc tôn giáo Chăm. Chủ yếu là loại kiến trúc thánh đường Sang mưgik của Chăm Bà-ni và Masjid hay Surao của Cham Islam. Và sau khi nêu bật sự khác biệt giữa hai loại kiến trúc này, tham luận tập trung vào kiến trúc cổ Champa. Bài nói chuyện của tôi không đi sâu vào chuyên môn kiến trúc cổ Champa, như kĩ thuật xây tháp, chất liệu… - điều có thể tìm thấy trong các sách chuyên khảo, mà nhấn vào sự độc đáo về tương quan giữa triết lý sống của người Chăm và kiến trúc Champa.

Như cách bố trí khuôn viên nhà Chăm, tháp Champa dù có nhiều phong cách khác nhau, vẫn sắp đặt theo sơ đồ nhất định: tháp chính (kalan), tiền đường, tháp cổng, tháp lửa và tháp bia. Cạnh đó, tiếp nhận ảnh hưởng từ nền nghệ thuật láng giềng, người Champa còn có 5 nhóm tháp gồm ba kalan dựng sát bên nhau. Bimong được người Chăm định danh cho cả cụm tháp, riêng Kalan là để chỉ ngôi tháp chính, là điều mọi người hay nhầm lẫn nhất.

Khác với Sang mưgik hay Masjid, tháp Champa được xây dựng ở rất nhiều địa hình khác nhau, từ trong thung lũng kín đáo, hay cạnh sông lớn, đến giữa đồng bằng; từ  trên ngọn đồi gần cửa biển, hay trên ngọn đồi ven sông cho đến trên ngọn đồi biệt lập… nhưng bao giờ cũng tách biệt với khu dân cư. Tất cả tháp Cham đều có 13 vòm trụ, tương ứng với cơ số 13 mà người Cham dùng trong ngày thường. Đó là con số biểu trưng cho sự vượt quá, nó từ chối sự trung bình, do đó hoặc sẽ rất tốt hoặc sẽ rất xấu.

Cửa chính của kalan luôn hướng mặt trời mọc, là nơi trú ngụ của thần linh, hướng khởi động vũ trụ vận hành. Riêng Kalan Po Dam cửa chính hướng về Nam là để tưởng niệm người đã khuất. Một kalan  có hai cửa lớn trổ về hai hướng đông-tây là Mỹ Sơn A1.

Trên bước thăng trầm của lịch sử, Bimong bị bỏ rơi, không được thờ phụng, người Cham gọi là Bimong bhaw hay Bimong jwa tức tháp hoang; còn các tháp đang được thờ phụng gọi là Bimong diip. Trong các dịp lễ Kate hay Cabbur, người Cham lên tháp làm lễ mở cửa, cúng tế trời đất và những vị vua có công với non sông đất nước. Người Cham không bao giờ mở cửa tháp cho khách tham quan, nếu không nhằm vào ngày lễ. Họ vừa sợ hãi vừa tôn kính Tháp. Đi gần khu vực tháp, không ai dám nói lời xằng bậy hay chửi thề.

Tham luận thu hút nhiều câu hỏi của hội trường hơn cả. Không phải bài thuyết trình độc đáo, mới lạ mà điều đó chứng tỏ Việt Nam vẫn còn khá xa lạ với các nước trong khu vực. Xa lạ từ văn học cho đến nghiên cứu.  Xa lạ từ lịch đại cho đến đồng đại. Mở cửa - chúng ta vẫn còn chưa hiểu nhau nhiều. Là vấn đề của hôm nay!

INRASARA

;
.
.
.
.
.