Thường thì người ta xuất hành đón sự tốt đẹp trong năm mới vào ngày đầu năm. Do tự biết mình là người ít may mắn tôi chọn cách khác: đi vào dịp cuối năm. Ba năm trước, thì về hướng đông bắc Đà Nẵng. Năm nay, thì ngược lại: tây nam.
Ở phía cũ, là lên Sơn Trà tịnh viên để ngắm khu vườn của “thầy tu tre”, là một collection hơn 100 loại tre trúc trong thiện ý bảo tồn các giống tre Việt đang mất dần đi trong cái sự “hóa” hiện đại, “hóa” công nghiệp. Năm nay, ở phía mới, là một nơi nuôi dưỡng miễn phí những người bệnh nghèo tiền của…
Kê đơn bốc thuốc. Ảnh: N.Đ.N |
Xin nói nhanh: ấy là Nhà điều dưỡng tình thương Suối Hoa, (viết tắt là NĐD) nằm trong khu du lịch sinh thái có cùng tên gọi thuộc thôn Phú Túc, Hòa Phú, huyện Hòa Vang. Cái ý tưởng hình thành một cơ sở chữa bệnh từ thiện ở Đà Nẵng bắt đầu từ hơn ba năm trước giữa bác sĩ Phạm Thị Xuân Quế và một vài bằng hữu hay đi làm những việc… bao đồng. Hơn ba năm, khá là vất vả, với bao nhiêu chạy ngược chạy xuôi mà chẳng có gì, đúng như lời nhà báo Lê Anh Dũng “kể lể”, từ cái “buổi ban đầu” mượn quán chay Hương Trang ở đường Ông Ích Khiêm, quán chay Bà Lành, ở kiệt Lý Thái Tổ làm nơi sinh hoạt; từ việc “chạy” tìm cơ sở ở Liên Chiểu, Sơn Trà, Hòa Vang… đến chuyện ủng hộ đầu tiên của các ông Lê Gia Thích (60 triệu đồng), anh Cư 30 triệu đồng... Ngày 24-4-2011, tại Trường Đại học dân lập Duy Tân, Ban vận động xây dựng Nhà tình thương ra đời, gồm 60 người, trong đó có những vị cốt cán như bác sĩ Phạm Thị Xuân Quế, thầy Thích Thế Tường, ông Huỳnh Văn Hoa, ông Huỳnh Hữu Trân, bà Lê Thị Nguyện, Huỳnh Thị Hải Vân, nghệ sĩ Nguyễn Bình Minh và nhiều thiện nguyện viên khác…
Ơn trời, anh Nguyễn Phước Hùng xuất hiện, như một phép lạ… Và qua gần hai năm xây dựng (8-2011 – 3-2013), với “tổng chi” 3,7 tỷ đồng của anh tự nguyện bỏ ra, NĐD đã hoàn thành tại thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng với 50 phòng, gồm 10 phòng dành cho lương y, bác sĩ, y tá, điều dưỡng viên, 40 phòng chữa bệnh gồm 80 giường bệnh, chưa kể vườn hoa. Khí hậu mát mẻ nơi đây là môi trường nghỉ dưỡng trong lành phù hợp việc chăm sóc người bệnh. Hoàn thành tâm nguyện, anh Hùng rất vui và mong đây sẽ là một trong những điểm sáng thiện tâm ở Đà Nẵng.
Khánh thành và hoạt động vào tháng 5-2013, đến nay, cơ sở từ thiện này đã khám và chữa trị cho hơn 4.000 lượt bệnh nhân, tất cả đều là những bà con sinh sống tại địa phương và đồng bào dân tộc Cơtu. Tiếng lành đồn nhanh: một số người ở Quy Nhơn, Sài Gòn cũng đã tìm đến. Ban điều hành và những người có tấm lòng đã đến đây làm việc không hưởng lương. Đó là các lương y Phan Hồng Long, Huỳnh Sự, Nguyễn Minh Thái và nhiều anh chị khác…
Phương pháp chữa bệnh là ăn uống rau củ quả sạch theo liệu pháp riêng, sống trong không khí không bị ô nhiễm kết hợp với điều trị bằng thuốc Nam và châm cứu.
Có công việc từ thiện nào mà không mang tính xã hội, luôn “kêu gọi” sự chung tay của tất cả mọi người, nhất là trong bước “khởi đầu nan”? Mong sao có thêm những tấm lòng nhân ái đến nơi này và sẻ chia sự khổ đau của những số phận không may. Làm sao không tin vào truyền thống của dòng tộc Việt, vốn bền chặt với tình cảm “người trong một nước”?
Cuối năm. Là để bắt đầu một năm khác. Của việc làm và hy vọng. Cuối năm, nhìn ra bốn chung quanh, chỉ có màu xanh của núi rừng.
Cuối năm, thời tiết lạnh. Những cơn bão hung tàn vừa qua, may thay, đã không đổ xuống miền Trung còn lắm gieo neo. Nhìn về phía đồng bằng, tự dưng lại hiện ra… câu kinh Thánh: “Phước cho những kẻ nghèo khó, vì sẽ được no đủ”. Vì sao? Bởi vì, bên cạnh những mảnh đời bất hạnh còn có những tấm lòng đồng bào, những người hiểu nhân-quả là một định luật của vũ trụ như lời của một trong những người giàu nhất thế giới Henry Ford (1863 - 1947) người sáng lập Công ty Ford Motor: “Trên thế giới có nhiều người tin vào sự Luân hồi. Một số chỉ tin một cách hời hợt mơ hồ, nhưng cũng không ít người hiểu Luân hồi là một quy luật của sự sống, và quy luật ấy có ý nghĩa rất sâu xa”.
Cuối năm. Từ phía tây rất xa, thành phố biển hiện ra. Như nụ cười xuân. Thầm lan trong sắc tối…
NGUYỄN ĐÔNG NHẬT