Được xem là trung tâm văn hóa tâm linh của làng, đình tồn tại trong tâm khảm người dân Việt như một “thiết chế văn hóa” lâu đời nhất và gắn bó bền vững nhất. Dù bị cuốn vào nhịp sống đương đại, mỗi khi quay về thăm đình, mọi người vẫn cảm nhận được hơi thở của làng bàng bạc đâu đó…
Rước sắc về đình làng Túy Loan (xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1999) - một trong những hoạt động in đậm dấu ấn văn hóa cổ truyền ở Hòa Vang hiện nay. Ảnh: V.T.L |
Hát bộ sân đình
Nghe tin có hát bộ ngoài đình nhân lễ Hội kỵ làng Hòa Mỹ, bà Nguyễn Thị Điền đứng ngồi không yên, đòi đi xem cho bằng được. Bà 92 tuổi, bị bệnh tiểu đường, thỉnh thoảng lại lên cơn khó thở, con cháu lựa lời bóng gió can ngăn chi cũng bỏ ngoài tai, làm mình làm mẩy cả buổi. Tối 12 tháng Giêng, mọi người đành bấm bụng đưa bà ra đình, chia ra 4 người ngồi bên bà, 4 người “trực chiến” phía ngoài, có chi thì đưa bà đi cấp cứu. Bà mê mẩn ngồi xem tuồng Thoại Khanh – Châu Tuấn, mỗi khi thấy diễn viên hát hay, người cầm chầu vung chầu lia lịa, lại lọ mọ lên gần sân khấu để ném thẻ tre khen thưởng.
Con bà, ông Hồ Lý, tổ trưởng tổ dân phố 253 (tổ 49 cũ), kể lại: Về nhà, tưởng đâu hôm sau bà sẽ nằm li bì la mệt, nhưng không, cứ luôn miệng bảo: “Răng tau nhớ cái thằng Hiển đánh chầu miết. Muốn cầm chầu như hắn mà mô có được”. Đúng là món ăn tinh thần hiệu quả có khác!
Hiển là ông Nguyễn Văn Hiển, Phó Chủ tịch Mặt trận quận Liên Chiểu, nguyên Chủ tịch phường Hòa Minh, người có công đầu trong buổi hát bộ đêm đó. Mê hát bộ từ nhỏ, mỗi lần làng mời gánh hát về, không tiền mua vé, ông phải năn nỉ xin người gác cổng cho vào “chui”. Lớn lên, cũng vì mê cầm chầu mà ông bị người yêu cho ra rìa. Cuối năm rồi, khi đưa ý tưởng mời Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh về hát, ai cũng lo không có kinh phí. Ông cất công đi từng nhà nhỏ to vận động, không ngờ được giới trung niên hưởng ứng rất mạnh.
Tối đó, cả khuôn viên đình chật cứng khán giả, trong nhà Văn hóa làng chơi bài chòi, ngoài sân đình hát bộ. Ông Nguyễn Đức, Hội đồng Gia tộc tộc Nguyễn Văn làng Hòa Mỹ, không ngờ thành công đến vậy: “Cũng hơn mười năm rồi các cụ mới xem lại hát bộ ngay sân đình làng mình. Thấy các cụ trầm trồ hoài, con cháu mới tiếc nuối sao lâu nay mình không làm sớm hơn. Đây cũng là một cách báo hiếu rất ý nghĩa”.
Các cụ quen gọi theo lối xưa là hát bộ, bây giờ gọi là hát tuồng. Trước đó, tối mồng 8 tháng Giêng, ban tổ chức Hội làng Túy Loan đã mời một đoàn tuồng ở Duy Xuyên về hát, mở đầu cho “phong trào” hát bộ sân đình ở Đà Nẵng năm nay. Sau Hòa Mỹ, một số làng khác cũng đang cùng dự định.
10-3 âm lịch tới, bà con Đà Sơn (phường Hòa Khánh Nam) và Trung Nghĩa (phường Hòa Minh) sẽ tổ chức lễ hội đình làng và mời Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh về diễn một đêm. Làng Đa Phước (phường Hòa Khánh Bắc), theo ông Nguyễn Đức Toàn, Trưởng ban xây dựng đình làng, cho hay bà con đang xây mới đình theo kiến trúc ban đầu với kinh phí dự toán 2,5 tỷ đồng do các họ tộc đóng góp cùng sự hỗ trợ của các đơn vị bộ đội, doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn. Tháng 6 này, khi khánh thành đình, làng cũng sẽ mời Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh về diễn để cầu mọi điều tốt lành.
Có thể nói hội làng và hát tuồng đã song hành từ bao đời nay. Ông Nguyễn Đức rất tâm đắc: Hội làng có hát tuồng thì hội làng đông vui, sôi nổi. Tuồng càng gắn bó với hội làng thì tuồng càng thêm sức sống…
Đình “sống” trong lòng người
Quận Ngũ Hành Sơn hiện có 4 đình làng: Khuê Bắc (phường Hòa Hải), Khuê Đông, Mân Quang và Khái Tây (đều thuộc phường Hòa Quý). Trong đó, đình Khuê Bắc (xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố năm 2010) đứng thứ hai sau đình Hưởng Phước (xã Hòa Liên) về mức độ xuống cấp nghiêm trọng. Cụ Nguyễn Văn Kháng, 82 tuổi, trưởng ban quản lý đình Khuê Bắc, than thở: “Phải ráng chờ cho đình Hưởng Phước trùng tu xong mới đến lượt đình mình. Tôi không biết có “chờ” được tới lúc đó không, chứ nhìn cái đình thành phế tích, xót lắm”.
Trong lúc các đình đã được xếp hạng “xếp hàng” chờ đến lượt trùng tu thì những đình không nằm trong “bảng phong thần” này đã được các họ tộc trong làng đứng ra tự thân quyên góp và trùng tu, tôn tạo để tránh tình trạng xuống cấp. Ví như đình Yến Nê (xã Hòa Tiến) xây mới với kinh phí 538 triệu đồng, đình Hòa Mỹ (phường Hòa Minh) với kinh phí trên 500 triệu đồng… Xây đình bằng tiền của dân, kinh phí tuy không nhiều, nhưng bà con các họ tộc biết trân trọng và phát huy di sản của cha ông mà Hòa Mỹ là một minh chứng rõ nét nhất. 20 năm trước, người dân Hòa Mỹ đã tổ chức hội làng và được ghi nhận là hội làng đầu tiên được khôi phục trên đất Đà Nẵng.
Khi được hỏi, có phải việc trùng tu đình làng hiện theo xu hướng “tiền nào của đó”, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL thành phố Đà Nẵng Trần Quang Thanh đã thẳng thắn chia sẻ: “Cần phải khẳng định rằng: Chất lượng của công trình trùng tu không quyết định bởi kinh phí nhiều hay ít. Nếu kinh phí được bố trí trùng tu đều khắp tất cả hạng mục công trình đã xuống cấp thì sẽ cải tạo môi trường cảnh quan xung quanh cho hài hòa với di tích và bảo đảm được tính thẩm mỹ cao nhất. Ngược lại, nếu kinh phí không bảo đảm đồng bộ, chắc chắn sẽ phải lựa chọn những hạng mục công trình đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng nhất để tiến hành các công tác trùng tu, gia cố cấp thiết”.
Các dự án đều chủ yếu bố trí kinh phí cho việc bảo tồn di tích (tuy nhiên cũng không đủ và chủ yếu tận dụng vật liệu còn sử dụng được); các hạng mục tôn tạo cảnh quan, sân vườn, hệ thống kỹ thuật... đều bị cắt giảm hoặc phải chờ đến năm sau, hoặc nhiều năm sau mới bố trí được. Hệ quả của việc bố trí nguồn vốn không đồng bộ này, theo ông Thanh, đã dẫn đến việc thiếu hiệu quả trong phát huy giá trị di tích.
Thực tế, có nhiều đình được trùng tu, tôn tạo với kinh phí lên đến 10 chữ số nhưng xem ra vẫn trong tình trạng “đắp chiếu”, không phát huy hết vốn quý của di sản văn hóa. Nếu mỗi năm đến hẹn lại thu kỳ xuân tế thì chỉ tập hợp được một số các vị lão làng đến đình, các lứa tuổi khác gần như “quay lưng” với sinh hoạt tâm linh của làng. Giá trị của đình không phải ở chỗ lầu cao gác tía mà ở chỗ làm thế nào để tất thảy con dân đều mong ước được quay về trong tâm thức của người hành hương và cảm nhận được ở đó hơi thở của làng.
Xem ra, trùng tu đình có thể là “tiền nào của đó”, nhưng hậu trùng tu đình thì dứt khoát phải là “người nào của đó”. Bởi lẽ, chỉ khi mọi người trong làng quây quần bên nhau qua các lễ và hội thì đình mới thực sự “sống” và những đêm hát bộ sân đình là một trong những hoạt động thể hiện được điều đó.
VĂN THÀNH LÊ