.

Làng Sình

.

Đứng trên cái bến nước của làng Sình nhìn khói mây bảng lảng giăng mờ trên sông rộng, không dưng tôi lại có cái cảm giác thân quen với đất đai xứ sở này như đã tự bao giờ.

Hạo hạo yên ba cổ độ thu ! Hóa ra cái bến thu xưa triền miên khói sóng như thơ người xưa từng viết, đã sinh thành trong tôi một thứ bến bờ thường hằng cho bao nỗi ưu du hòa tan vào vô thức. Để bây giờ từ cái bến nước này, cho tới những con đường làng chạy ven sông kia, nhìn vào đâu tôi cũng thấy loáng thoáng thân quen. Nhưng cũng có thể, cái cảm giác quen thuộc ấy xuất hiện là bởi làng Sình - cái làng tranh dân gian này đã gieo vào đầy trong ký ức tuổi thơ tôi những nhân vật cổ tích bước ra từ những bức tranh như: chú Điệu, cô Tiên, bà Chúa Ngọc…, mà ngày xưa, hễ vào mỗi dịp Tết đến xuân về là mẹ tôi sắm sửa cơ man là tranh để thờ cúng, và đốt đi như gởi một niềm tín cẩn huyền nhiệm vào vô tận.

Bộ Trưng y - khuôn mộc bản 300 năm.
Bộ Trưng y - khuôn mộc bản 300 năm.

Vâng, cái làng Sình thời tuổi thơ của tôi cứ tưởng như ở đâu tận chốn chân trời, như là miền đất của thần linh trú ngụ. Còn bây giờ, cái làng Sình nó cụ thể như thế này đây, leo pheo gió cuối đông thổi gầy bãi bờ bến vắng, con đường làng nhỏ loanh quanh thưa thớt dấu chân người. Ấy vậy mà chất chứa bên trong đó là cả cái làng tranh dân gian có bề dày đã những bốn trăm tuổi.

Những ngày cuối năm vừa qua, tôi và những người bạn của mình thực hiện một chuyến du xuân sớm làng Sình, cũng là để tận mắt quan sát cái bầu không khí của một làng tranh dân gian hoạt động sôi nổi đến nhường nào vào dịp Tết. Cùng là dòng tranh mộc bản, nhưng tranh làng Sình khác với tranh Đông Hồ và tranh Hàng Trống ở phía Bắc bởi tranh làng Sình ít dùng để trang trí, trưng bày, mà chủ yếu chỉ dùng vào việc thờ cúng, và sau khi cúng xong là đốt.

Tượng bà.
Tượng bà.

Là một làng quê nằm giữa lòng Huế, một vùng đất sâu dày các tầng vỉa văn hóa và tín ngưỡng dân gian. Dòng tranh mộc làng Sình không mang nặng tính nghệ thuật, dường như mỗi một bức tranh được thể hiện như là một phương tiện lưu chuyển đức tin của con người về một cõi thần giới siêu hình nào đó, với lòng kính ngưỡng nguyện cầu cho một đời sống cơm no áo ấm và an lành. Theo địa chí các làng nghề ở Thừa Thiên-Huế, thì tranh làng Sình ra đời cách nay đã bốn trăm năm. Gọi là làng nghề nhưng thực ra làng Sình là một làng thuần nông, nghề làm tranh mộc bản từ xưa đến nay chỉ là công việc đan xen vào những lúc nông nhàn, và chủ yếu cũng chỉ mua đi bán lại trong vùng. Dần hồi nghề làm tranh phát triển, có thời tranh mộc làng Sình đã đứng vững ở khắp thị trường khu vực miền Trung, như Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Quảng Trị… Trải qua bao thăng trầm do các cuộc chiến tranh, do những lý do lịch sử nghiêm cấm, vậy mà cho đến giờ đây, tranh làng Sình vẫn tồn tại. Và, cho dù sự tồn tại ấy với quy mô hoạt động ở cấp độ nào chăng nữa, thì đấy cũng là bằng chứng thuyết phục xác lập một giá trị có khả năng vượt lên thời gian minh định một sự sống, một sức sống văn hóa tâm linh giữa lòng quần chúng nhân dân.

Ngôi nhà của nghệ nhân Kỳ Hữu Phước, người mà chúng tôi gọi là “Người giữ lửa cho làng tranh Sình”  ở trong một con đường nhỏ dẫn ra bến đò. Có lẽ bầu không khí sinh hoạt của làng tranh, nhất là chuẩn bị cho Tết đến, được thể hiện rõ nhất ở nơi đây. Trong cái vuông sân không lấy gì làm rộng cho lắm, một gian trại lợp tranh độ vài chục mét vuông, treo tấm biển gỗ “Tranh làng Sình” sơ sài phía trước trông khá khiêm tốn. Theo ông Kỳ Hữu Phước, đến đời ông là đời thứ 9 trong dòng họ kế thừa nghề làm tranh mộc bản ở làng Sình. Quý trọng cái nghề của tổ tiên ông bà để lại, ông đã truyền dạy cho nhiều lớp thanh niên trong làng. Trước đây, đã có nhiều lúc ông tưởng đến đời ông, làng nghề không thể tồn tại nổi, vì thời đó nghề làm tranh thờ cúng được xem như mê tín dị đoan bị cấm tuyệt đối. Ông đã lặng lẽ đem tất cả khuôn in mộc bản chôn giấu sau vườn nhà. Hiện nay, di sản quý báu của tổ tiên để lại ông còn lưu giữ một bộ khuôn “Trưng y” làm bằng gỗ sừng đã ba trăm năm. Từ khi Nhà nước cho phép hoạt động lại, tự tay ông Phước đã khắc nhiều bộ mộc bản khác cho các gia đình trong làng để khích lệ họ duy trì nghề nghiệp. Mặc dù vậy, sự thu nhập của một nghề thủ công vốn đã không nhiều nhặn gì, đời sống công nghiệp hiện đại lại can dự vào tất cả, kể cả việc thờ cúng, nên người làng nghề ngày mỗi thưa thớt dần để  tìm phương sinh sống. Riêng ông vẫn cố gắng vận động con cháu giữ nghề, nhất là giờ đây nhờ ngành du lịch quảng bá tiếp sức nên sinh hoạt làng nghề có chiều hướng khởi sắc trở lại.

Bộ Bát âm.
Bộ Bát âm.

Tranh làng Sình từ xưa cho đến bây giờ chủ yếu gồm ba loại: Tranh nhân vật là loại tranh tượng ông, tượng bà, ông Điệu, ông Đốc, tờ bếp ( ông Táo). Tranh đồ vật vẽ các thứ áo, tiền và dụng cụ đồ dùng để cúng đốt cho người cõi âm. Loại tranh sau cùng là tranh súc vật, gồm các loại gia súc, ngoài ra còn có voi, cọp và tranh 12 con giáp. Tùy theo hình thức thể hiện, tranh được phân bổ xếp thành các loại: tranh cúng bổn mệnh, tranh cúng gia tiên, tranh cúng thế mạng… Tuy vậy, vẫn có một số tranh có khuynh hướng thiên về nghệ thuật. Loại tranh này dùng để trang hoàng treo quanh năm trong nhà. Và khi ngày hết năm tận, để tống cựu nghinh tân, người ta thay tranh cũ đi để đổi tranh mới. Ông Phước cho chúng tôi xem bộ tranh “Bát âm”, gồm 8 cô (tiên) biểu diễn các loại đàn địch, nhạc cụ khác nhau. Hoặc bộ tranh “Tứ bình” (mai, lan, cúc, trúc). Màu sắc dùng tô tranh, có lẽ không còn khó nhọc như ngày xưa phải lặn lội lên miền rừng núi tìm các loại cây lá về để pha chế các màu vàng, đỏ, đơn, đen, xanh (dương, lục), mà màu sắc trong sản xuất công nghiệp đã giúp các nghệ nhân làng Sình đỡ nhọc nhằn vất vả hơn. Cũng có người cho rằng, chính vì sự hiện đại can dự vào nên tranh làng Sình mất đi cái hồn cốt, cái thần thái của làng tranh. Tôi không tin như thế, bởi linh hồn ở tranh làng Sình nằm ở chỗ bố cục đường nét hồn nhiên, mộc mạc và dung dị. Sự pha chế màu sắc tô lên từng loại tranh biểu hiện rất rõ sự hồn nhiên đến thực lòng.

Người ta đến làng Sình thưởng ngoạn làng nghề không phải để tìm kiếm sự giỏi giang của tay nghề, sự tinh xảo của kỹ thuật, mà vì yêu vì quý sự hồn nhiên trong trẻo thơ ngây cho đến cả sự vụng về. Và, có lẽ đây là nét văn hóa tâm linh cổ sơ nguyên vẹn nhất chưa bị thời thượng hóa bởi những thứ “đồng bóng” mang tên lễ hội chăng?

Chia tay vợ chồng người giữ lửa làng Sình, chúng tôi không quên mua một số tập lịch mộc bản in trên giấy dó để làm lưu niệm. Không biết dòng sông Hương chảy bên nhà nghệ nhân Kỳ Hữu Phước mách bảo điều gì mà cô bạn đồng hành với tôi cao hứng véo von câu hò Huế: Đò từ Đông Ba đò qua đập đá/ Đò từ Vĩ Dạ thẳng ngã ba Sình/ Lờ đờ bóng ngã trăng chênh/ Tiếng hò xa vọng nặng tình nước non. Đã bao lần lênh đênh trên dòng sông Hương, đã bao lần xao xuyến cùng hò Huế, bỗng dưng tôi phát hiện ra, cái đẹp của dòng sông không chỉ bát ngát thanh âm kiểu như Chu Thần “Trường giang như kiếm lập thanh thiên”, mà còn là quãng lặng, nơi những “Tiếng hò xa vọng nặng tình nước non”. Tiếng hò lưu luyến ấy chiều nay khởi đi từ làng Sình.

Bút ký NGUYỄN NHÃ TIÊN

;
.
.
.
.
.