.

Mải mê tìm cái mới

.

Anh “vẽ” tranh trên đá, trên lá, nhưng không biết cầm cọ, ngay cả chữ viết cũng phải nhờ đến các nhà thư pháp.

Tự tôn dân tộc

“Thạch ảnh gia” Lê Nguyên Vỹ với tác phẩm đầu tay (ảnh trái)  và gian trưng bày thạch ảnh Nguyên Vỹ tại Bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Chăm Đà Nẵng lúc nào cũng hút khách.
“Thạch ảnh gia” Lê Nguyên Vỹ với tác phẩm đầu tay (ảnh trái) và gian trưng bày thạch ảnh Nguyên Vỹ tại Bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Chăm Đà Nẵng lúc nào cũng hút khách.

Vừa uống xong chén rượu đầu xuân, chưa kịp “nhập đề” thì điện thoại di động của Nguyên Vỹ đổ chuông. Chào nhà báo - anh mở đầu cuộc điện đàm với nụ cười chân tình như đang đối diện với người gọi tới. Bên kia nói gì đó, anh lại cười: Cả nhà à? Đưa cả nghìn ông chồng đủ mọi quốc tịch lên đá cũng được, lo gì!... Tôi đoán, đây hẳn là một nhà báo nữ, muốn nhờ anh đưa chân dung mình và cả chồng con lên đá nhưng không biết như thế có được không. Khi anh gọi điện xong, tôi nói cái ý “thầy bói” của mình thì anh bảo đúng thế, rồi thêm: Trên 1.300 chữ quốc ngữ còn đưa được lên diện tích chưa tới 5cm2 thì chân dung một gia đình lên đá chẳng là cái đinh gì cả…

Nói rồi, anh leo lên gác lấy xuống một mẩu nhỏ tưởng bằng đá nhưng anh bảo là vỏ ốc mài ra, có dạng gần như hình bầu dục với bán trục lớn 3cm, bán trục nhỏ 2cm. Cả hai mặt in chi chít những dòng chữ nhỏ xí, phải dùng kính lúp mới biết đó là toàn văn bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi với hơn 1.300 chữ quốc ngữ rõ ràng, sắc nét trên nền trắng của vỏ ốc, có khoét một lỗ nhỏ để xuyên dây đeo cổ.

Không dừng lại ở tiếng mẹ đẻ, anh còn đưa bản tiếng Anh bài hùng văn của vị danh nhân văn hóa thế giới này lên vỏ ốc. Để có được bản dịch tiếng Anh chuẩn, anh liên lạc với nhà nghiên cứu Vũ Đình Đỉnh, quê Bắc Giang, hiện sống ở Texas (Mỹ), người có tấm lòng nhiệt thành với văn hóa, văn chương dân tộc. Ông này bảo Bình Ngô đại cáo quá linh thiêng, có nên đưa vào kinh doanh không? Anh thẳng thừng: “Nếu nói kiếm tiền thì Lê Nguyên Vỹ có hàng nghìn cách, nhưng tôi muốn thông qua bằng tiếng Anh bản hùng văn này để giới thiệu cho các thế hệ người Việt ở nước ngoài hiểu về quá khứ oai hùng của cha ông. Một đất nước dám đưa ra bố cáo, gọi Minh Tuyên Tông (tức Tuyên Đức hoàng đế, vị vua thứ năm của triều đại nhà Minh trong lịch sử Trung Quốc - NV) là “Thằng nhãi con Tuyên Đức” thì đó là một đất nước không hề tầm thường, hèn hạ”.  

Nhà nghiên cứu Vũ Đình Đỉnh đã đồng cảm với anh, và thế là “tấm thẻ ngà” tí hon mang hồn thiêng sông núi với khẩu khí ngút trời của vị danh nhân văn hóa thế giới này đã đi khắp địa cầu. Trong hàng nghìn chủ đề thể hiện trong tác phẩm nghệ thuật của mình, chừ ngồi nghiệm lại, anh vẫn thích nhất cái mẩu vỏ ốc nhỏ chứa trên nghìn chữ mà tôi gọi đùa là cái-bùa-của-lòng-yêu-nước này. Nó thể hiện lòng tự tôn dân tộc với một phong cách mới, mặt trước in hình chìm Nguyễn Trãi, mặt sau hình bản đồ Việt Nam, dù chỉ là một hình thức kinh doanh, nhưng anh cười mà rằng: Vẫn có cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tìm sâu trong muôn thuở…

Giới đam mê nghệ thuật thư họa có lẽ chẳng còn xa lạ gì loại hình thạch ảnh, và mới đây là diệp ảnh, của Lê Nguyên Vỹ (Lê Đức Vỹ). Nếu mất 3 tháng mày mò, nghiên cứu mới tìm ra kỹ thuật đưa chữ cực nhỏ lên vỏ ốc thì trước đó, anh phải mất hàng chục năm trời để phát kiến kỹ thuật in ảnh trên đá.

Đầu năm 2002, khi thi công cầu Tiên Sơn công nhân đã phát hiện một số vỏ hàu hóa thạch nghìn năm trước. Điều này chứng minh giả thuyết của các nhà nghiên cứu cho rằng ngày trước biển từng ăn sâu ít nhất vô tới chân cầu Tiên Sơn ngày nay. Với Nguyên Vỹ, anh nhìn các vỏ hàu bằng một ánh mắt… thực dụng hơn, đó là tìm ra một vật liệu thích hợp để thể hiện các bức tranh, ảnh đầu tiên của mình lên đó. Trong số những tác phẩm đầu tay trên vỏ hàu hóa thạch anh còn giữ lại được, có mấy tấm chân dung vợ mình kèm theo những câu hát trích ra từ những ca khúc nổi tiếng. “Áo xưa dù nhàu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau” (Hạ trắng - Trịnh Công Sơn). “Tìm sâu trong muôn thuở, tìm sau lưng bốn mùa. Tìm nhau như thiên cổ tìm ngàn thu” (Tìm nhau - Phạm Duy)...

Với Nguyên Vỹ, anh ghét những gì không sống, dậm chân tại chỗ cũng đồng nghĩa với cuộc sống đã dừng lại. Không bằng lòng với chính mình, anh cất công “tìm sâu trong muôn thuở” cái mới. “Ngày xưa khi làm nhà tôi cho đắp cái nền thật cao, anh nhớ lại, ai cũng bảo có khùng mới làm thế. Nay thì đất trời thay đổi, cái nền xưa giờ đã thấp chịt. Cuộc sống khắc nghiệt là vậy. Bạn không hình dung ra thế giới chung quanh thay đổi như thế nào thì thế giới sẽ thay đổi bạn”.

Thế giới nào có thể thay đổi được anh, anh thay đổi thế giới thì có - thế giới của nghệ thuật, của nhạc, thơ, đá và lá. Một khi câu chữ và âm thanh đã “dậm chân tại chỗ”, anh lân la tìm đến mỹ thuật và trở thành người đầu tiên đưa tranh ảnh lên đá với “danh hiệu” thạch ảnh gia. Anh đã lưu vào mặt đá những tác phẩm hội họa của các họa sĩ hàng đầu của thế giới như Bouguereau, Picasso, Van Gogh… Khác với trên toan, trên lụa, tranh trên đá có sắc thái riêng. Mình cắt cúp, phóng tác ít nhiều để thể hiện được cái riêng mình mà không đánh mất đi cái tinh túy của họ, làm cho tác phẩm của họ đẹp hơn lên chứ không xấu đi - anh chia sẻ.

Thế rồi, cũng vì mải mê đi tìm cái mới, anh lại bỏ bê “nàng” thạch ảnh hàng nửa năm trời để đi tìm người yêu mới. Thế giới nghệ thuật chưa hết “chao đảo” vì phát kiến tài hoa của anh thì anh lại khiến cho mọi người phải nể phục vì những chiếc lá in tranh ảnh của mình. Lá bồ đề có thể hình đẹp, nhiều gân, giống như một giọt nước. Qua xử lý, nó trông như tấm kính trong, hai mặt đều xem được. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh từng đặt anh làm chân dung Đại sứ Argentina trên lá để tặng cho ông này.

7 năm trước, sách Kỷ lục Guinness Việt Nam vinh danh anh là người đầu tiên và duy nhất đưa tranh ảnh màu lên đá thành công. Chuyện đó đã cũ rồi, với anh cũng không có gì “ghê gớm”, “mình đi kiếm cơm mà mang trong lòng tình yêu cái Đẹp nên nó ra thế thôi”. Anh “vẽ” tranh trên đá, trên lá, nhưng không biết cầm cọ (ngay cả chữ viết anh cũng phải nhờ đến các nhà thư pháp), trên đường nghệ thuật của mình, anh chỉ là người cắm cúi tìm sâu trong muôn thuở…

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.