.

Nghĩ về sự phát triển tranh nghệ thuật ở Đà Nẵng

.

1. Người họa sĩ vẽ tranh cũng giống như nhà văn viết văn hay nhà thơ làm thơ, trước hết là để bộc lộ giãi bày những ý tưởng sáng tạo nghệ thuật của mình. Người họa sĩ vẽ được một bức tranh không phải vì họ có thể vẽ mà là vì họ không thể không vẽ. Nói thế để thấy tranh nghệ thuật ra đời trước hết là vì sự thôi thúc bên trong của bản thân người họa sĩ, là nhằm giải quyết nhu cầu được sáng tạo nghệ thuật của chính những tài năng cầm cọ chọn màu. Tất nhiên vẽ tranh không chỉ là cầm cọ chọn màu mà còn là và chủ yếu là chọn khoảnh khắc nghệ thuật cho bức tranh.

Hội họa cũng như điêu khắc là nghệ thuật của khoảnh khắc - tất cả hiện thực trên bức tranh hay bức tượng đều ngưng đọng trong cùng một khoảnh khắc và chỉ trong khoảnh khắc bất biến ấy thôi. Trong chuyên luận Lao động nhà văn, A. Xâytlin nhấn mạnh: “Trong một bài bình luận, Gôntsarốp đã nhận xét rất đúng rằng hội họa bị giới hạn trong thời gian: nó chỉ có thể thể hiện được một khoảnh khắc... trong một bức tranh không có cả quá khứ lẫn tương lai...”(1). Chộp được toàn bộ cuộc sống sinh động vào đúng một khoảnh khắc nhất định/cố định, tác phẩm tạo hình thường có sức hấp dẫn công chúng nghệ thuật, thường mang lại cho họ những ấn tượng thẩm mỹ sâu sắc. Nhưng cái khó của người nghệ sĩ tạo hình là phải chộp đúng khoảnh khắc ấy - chứ không phải những khoảnh khắc trước và sau đó.

Đây là một lựa chọn cực kỳ tinh tế và hết sức nhạy cảm trong sáng tạo nghệ thuật, bởi khoảnh khắc được tái tạo trong tác phẩm tạo hình phải thực sự là ngô đồng nhất diệp lạc - một lá ngô đồng rụng để chỉ cần thấy vậy là đủ cho thiên hạ cộng tri thu - người người biết thu sang (2). Bức chân dung La Joconde của Leonardo Da Vinci sở dĩ trở thành bức tranh nổi tiếng nhất và được nhắc tới nhiều nhất trong lịch sử mỹ thuật chính là nhờ Leonardo Da Vinci đã biết chộp đúng khoảnh khắc nàng thiếu phụ Mona Lisa Gherardini nở nụ cười mím chi đầy bí ẩn kia - và tất nhiên đã biết dùng cây cọ tài hoa để bất tử hóa cái khoảnh khắc xuất thần ấy của nhân vật làm mẫu cho kiệt tác hội họa của mình.  

2. Người họa sĩ vẽ tranh nghệ thuật là chọn cái khoảnh khắc sẽ được bất tử hóa dưới cây cọ và các mảng màu độc đáo của mình.  Cho nên muốn phát triển tranh nghệ thuật ở Đà Nẵng, trước hết thành phố bên bờ sông Hàn cần có những tài năng cầm cọ chọn màu và chọn khoảnh khắc nghệ thuật luôn khát khao sáng tạo và đủ cô đơn để sáng tạo - nói theo cách của nhà thơ Inrasara khi bàn về lao động nhà văn. Nhưng người họa sĩ vẽ tranh không chỉ chọn màu và chọn khoảnh khắc nghệ thuật cho bức tranh mà còn chọn một mảng hiện thực nào đó để thâm-canh-nghệ-thuật. Nhìn vào nền hội họa Trung Quốc, dễ thấy Tề Bạch Thạch đã thâm-canh-nghệ-thuật với những con tôm, hoặc Từ Bi Hồng thâm-canh-nghệ-thuật với những con ngựa…

Rồi nhìn vào nền hội họa Việt Nam, cũng dễ thấy Bùi Xuân Phái từng thâm-canh-nghệ-thuật với các phố cổ Hà Nội và đã tạo nên dòng tranh Phố Phái, hoặc Tô Ngọc Vân thâm-canh-nghệ-thuật với các chân dung thiếu nữ và hoa để sáng tác những bức tranh nổi tiếng như Thiếu nữ bên hoa huệ, Thiếu nữ với hoa sen…, hoặc Lê Trí Dũng thâm-canh-nghệ-thuật với những con ngựa để vẽ hàng ngàn bức tranh ngựa sinh động chẳng kém tranh ngựa Từ Bi Hồng lừng danh thế giới… Từ đó muốn phát triển tranh nghệ thuật ở Đà Nẵng, không chỉ cần có ngày càng nhiều hơn những họa sĩ tài năng luôn khát khao sáng tạo và đủ cô đơn để sáng tạo mà cần có ngày càng nhiều hơn những họa sĩ như Phan Ngọc Minh thâm-canh-nghệ-thuật với các di sản văn hóa như cố đô Huế, như phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn - đến mức từng có một cuộc triển lãm ở Huế mang tên Minh và Những di sản.   

3. Nói người họa sĩ vẽ tranh nghệ thuật trước hết là vẽ cho chính mình không chỉ vì lao động hội họa có thể thỏa mãn được nỗi khát khao sáng tạo mà còn bởi tác giả bức tranh là người đầu tiên thưởng thức thẩm mỹ tác phẩm tự tay mình vẽ. Mà đã có người đầu tiên thì sẽ có người thứ hai và do vậy người họa sĩ vẽ tranh nghệ thuật còn là vẽ cho cả một công chúng yêu tranh, xem tranh và mua tranh. Cho nên muốn phát triển tranh nghệ thuật ở Đà Nẵng, cần có những không gian thẩm mỹ vừa để tôn vinh các họa sĩ tài năng với những trường phái hội họa và phong cách nghệ thuật khác nhau, vừa để lưu giữ bảo tồn các họa phẩm đẹp, vừa để đưa tranh nghệ thuật đến với đông đảo công chúng yêu tranh, vừa để tiếp thị để có thể bán được nhiều tranh nhằm tạo điều kiện cho các họa sĩ tài năng có thể sống bằng cây cọ và ý tưởng sáng tạo của mình. Những không gian thẩm mỹ đó có thể là các gallery (phòng trưng bày tranh) mà cũng có thể là các bảo tàng mỹ thuật.

Hiện nay Đà Nẵng chưa có nhiều  gallery, cũng chưa có bảo tàng mỹ thuật; đồng thời Đà Nẵng và chắc không riêng Đà Nẵng cũng đang thiếu những nhà tổ chức triển lãm - những curator - chuyên nghiệp. Sở dĩ phải cần đến những curator chuyên nghiệp là bởi việc triển lãm tranh nghệ thuật ở các gallery hay trong các bảo tàng mỹ thuật không chỉ đơn thuần là treo những bức tranh lên tường mà còn nhằm tạo nên một không gian thưởng thức thẩm mỹ chung quanh những bức tranh ấy. Và Đà Nẵng không phải thiếu mà là rất thiếu curator, bởi mỗi gallery hay mỗi bảo tàng mỹ thuật không chỉ cần một curator mà là cần vài curator nhằm tạo nên sự đa dạng trong thị hiếu nghệ thuật và thị hiếu thẩm mỹ.    

4. Tất nhiên nói đến sự đa dạng trong thị hiếu nghệ thuật và thị hiếu thẩm mỹ chính là đặt ra câu hỏi làm sao để nhận biết cái đẹp, làm thế nào phân biệt được đẹp/ xấu - những câu hỏi không dễ trả lời trong quá trình thưởng thức thẩm mỹ, tiếp nhận nghệ thuật của công chúng. Việc nhận biết cái đẹp, phân biệt được đẹp - xấu trước hết tùy thuộc vào thị hiếu thẩm mỹ và thị hiếu nghệ thuật của mỗi người với tư cách là chủ thể thẩm mỹ. Muốn có thị hiếu thẩm mỹ sắc sảo và thị hiếu nghệ thuật tinh tế để dễ dàng nhận biết cái đẹp, để phân biệt cái nào đẹp cái nào xấu, mọi chủ thể thẩm mỹ - trừ phi có năng lực thẩm mỹ thiên phú - đều phải được giáo dục thẩm mỹ và giáo dục nghệ thuật chu đáo.

Tôi còn nhớ gần nửa thế kỷ trước, thế hệ chúng tôi được giáo dục thẩm mỹ và giáo dục nghệ thuật hết sức công phu. Hồi học ở trường Trung học Phan Châu Trinh Đà Nẵng, chúng tôi được học vẽ với thầy Đỗ Toàn và với cô Võ Thị Hồng Diệp. Ngoài việc được thầy cô dạy cho những hiểu biết thường thức về màu sắc và về cách pha màu, về đặc điểm của luật viễn cận… thỉnh thoảng chúng tôi còn được tự tay vẽ những bức tranh phong cảnh tự chọn bằng màu nước và trên giấy croki trắng.

Trong khi nhiều bạn bè tôi rất mực tài hoa tỏ rõ năng khiếu cầm cọ chọn màu thì tôi nhớ tôi chỉ có khả năng tô màu xanh dương lên trên nền giấy trắng gọi là để vẽ bầu trời và dòng sông; sau đó dùng màu nâu để vẽ một rặng núi và một dải đất liền ngăn cách bầu trời với dòng sông ấy; cuối cùng tôi vẽ trên dòng sông một vài con thuyền và vẽ trên bầu trời vài đám mây trắng - dường như để chứng tỏ đó thực sự là dòng sông và thực sự là bầu trời. Với một đứa trẻ thuận tay trái và không có một chút hoa tay nào như tôi thì vẽ được bức tranh ngô nghê như vậy đã là quá sức rồi, và cũng có lẽ vì thế mà hầu như suốt mấy năm trung học, tôi chỉ có một “tác phẩm hội họa” duy nhất được vẽ đi vẽ lại những mấy lần. Sau này thế hệ chúng tôi không ai trở thành họa sĩ chuyên nghiệp nhưng không ít bạn bè tôi có thể vẽ được tranh sơn dầu, riêng tôi trở thành người nghiên cứu và giảng dạy mỹ học ở trường đại học - chứng tỏ việc giáo dục thẩm mỹ và giáo dục nghệ thuật từ thời chúng tôi còn ngồi trên ghế trường phổ thông là đáng kể. Chính vì thế muốn phát triển tranh nghệ thuật ở Đà Nẵng, điểm xuất phát không chỉ và chủ yếu cũng không phải là từ các gallery hay các bảo tàng mỹ thuật mà là từ các giờ dạy-học mỹ thuật ở trường phổ thông.

BÙI VĂN TIẾNG


(1) Xâytlin: Lao động nhà văn - tập I (Hoài Lam và Hoài Ly dịch), Nxb. Văn Học, Hà Nội, 1967, trang 12.

 (2) Thơ cổ Trung Quốc: Ngô đồng nhất diệp lạc - Thiên hạ cộng tri thu.
 

;
.
.
.
.
.