Qua rất nhiều thế kỷ, một bức tượng đồng “Thần Apollo” quý hiếm của Hy Lạp bất ngờ xuất hiện một cách huyền bí ở dải Gaza. Vào ngày 10-2, tông tích bức tượng đồng đang cất giữ tại nhà của một ngư dân bị lộ và được cảnh sát tịch thu, cất giữ để tránh sự dòm ngó của những kẻ hiếu kỳ.
Tượng Thần Apollo-Hy Lạp. |
Ngư dân người Palestine Jouda Ghurab 26 tuổi, có vợ và hai con trai. Anh bỏ học năm 13 tuổi và thực thụ vào nghề đánh bắt cá ở tuổi 17. Anh thường đánh bắt cá gần bờ, hoặc đôi khi dùng chiếc xuồng con bơi ra các cụm đá ngập nước để tìm cá. Vùng biển Deir al- Balah, nơi ngư dân Ghurab sống cùng các loài cá biển ở phía tây nam thành phố Gaza, chỉ cách 10 dặm từ bờ biển Ai Cập.
Theo lời tường thuật của Jouda Ghurab, ngày 16-8-2013, sau lễ Ramadan, tay ôm tay lưới rộng, anh tìm đến một địa điểm dốc đá lởm chởm, dấu ấn nghìn năm sóng vỗ ở Địa Trung Hải. Đột nhiên, các dòng nước khi vỗ vào các ghềnh đá và trên mặt đá có điều gì khác lạ, hình như có vật gì dưới đáy nước đã bị dòng nước đẩy dần và lộ ra. Anh phóng chúi xuống đáy biển cạn khoảng 4 đến 5 mét và bắt gặp bóng đen, loang lổ, trông như một cơ thể bị cháy sém nhiều nơi.
Ghurab lại lặn xuống đáy nước nhiều lần nữa để nhận dạng dị vật kỹ hơn, rồi nhận ra đó là một bức tượng một người đàn ông, thân mình phủ đầy cát đáy biển. Anh muốn đào cát để lôi bức tượng ra và làm công việc này phải thật nhanh bởi vì bấy giờ là buổi trưa, “Ngày thứ Sáu”, người ngư dân này không muốn bỏ lỡ những lời cầu nguyện tại nhà thờ Hồi Giáo trong vùng. Ám ảnh bức tượng dưới bóng nước, Ghurab nói: “Từ lúc ấy trở đi, tôi hoàn toàn không nghĩ gì đến việc đánh cá”.
Những ngày sau, Ghurab trở lại vị trí đó để tiếp tục tìm bức tượng. Nhưng biển lại quá rộng lớn. Sau nhiều giờ lặn tìm đến mệt lả, cuối cùng anh cũng tìm thấy bức tượng. Ghurab dùng xẻng hất đi lớp cát bao phủ nửa phần dưới và cố gắng sử dụng sức nổi của cơ thể của mình để nâng bức tượng lên nhưng nó quá nặng. Lần sau, có thêm 6 người đi cùng. Trong số này có em trai, người đã giúp ông dây thừng, chiếc thuyền rộng và họ đã chèo thuyền trở lại nơi có tượng. Ghurab mang theo dây thừng lặn xuống nước rồi buộc dây vào cổ bức tượng. Sau đó họ quấn dây thừng quanh thân tượng rồi nương theo dòng nước để kéo tượng vào bờ. Công việc quả là nặng nhọc đối với họ khi phải trở đi trở lại thân tượng trong khi di chuyển. Sau hơn 5 tiếng đồng hồ, bức tượng đã được đưa lên bãi biển vào chiều hôm đó. Những người đàn ông đặt bức tượng trên sân trong khuôn viên một ngôi nhà người dân và không biết rằng họ đã phát hiện ra một di sản có thể là có giá trị nhất cho ngành khảo cổ học của thế kỷ. Và cũng có thể, công việc này sẽ mang về cho họ những rắc rối, phức tạp khác.
Tượng “Thần Apollo” làm bằng đồng, cao 6 feet (khoảng 1,83 mét), nặng 1.000 lbs (khoảng 500kg), mái tóc xoăn, mất một con mắt và một số ngón tay bị gãy mất. Một cánh tay duỗi ra, và trên khắp cơ thể có một lớp gỉ màu xanh lá cây trên hầu hết các cơ thể .
Trên thị trường quốc tế, các vật thể hay tác phẩm nghệ thuật hơn 2.000 năm qua thường vẫn tồn tại ở tư thế bị vùi sâu dưới đáy biển bởi các vụ đắm tàu hoặc bị chôn phủ dưới các nham thạch, đất đá, tro bụi núi lửa.
Theo các nhà khảo cổ, bức tượng có vẻ như đã được thực hiện giữa thế kỷ thứ 5 và 1 trước Công nguyên, như vậy, bức tượng đã hơn 2.000 năm tuổi.
Ông Jean- Michel de Tarragon, một nhà sử học Kinh Thánh Pháp và khảo cổ học Trường Jerusalem, nói với phóng viên hãng Reuters: “Bức tượng là di sản vô giá đối với chúng tôi”. Muhammad Ismael Khillah, trợ lý thứ trưởng tại Bộ Gaza Du lịch và cổ vật nói với phóng viên tạp chí Bloomberg Businessweek: “Cuộc điều tra của chúng tôi về xuất xứ bức tượng vẫn đang tiếp diễn”.
HOÀNG ĐẶNG