Hiện nay số người mắc bệnh ung thư ở nước ta tăng lên vùn vụt. Mỗi năm phát hiện thêm 150 ngàn người mắc bệnh. Những người mắc bệnh ung thư ở giai đoạn cuối là vô phương cứu chữa.
Giai đoạn cuối được xem là những cái chết đã được báo trước. Bạn hãy yên tâm. Trừ các nguyên nhân dẫn đến ung thư như yếu tố di truyền, chủng tộc thì các yếu tố khác ta có thể phòng, chống được nếu như con người biết bảo vệ từ đầu.
Tập yoga là một trong những cách thức phòng chống bệnh. Ảnh: LAN HƯƠNG |
Điều đầu tiên là cần phải chú ý đến chế độ ăn uống. Người ta nói “Ung thư từ cái miệng” quả không sai. Các thức ăn thiu, mốc, các món xào, rán quá lửa nhiều dầu mỡ, các món nướng cháy khét là các tác nhân gây ra căn bệnh quái ác này.
Người nội trợ cần phải chú ý đổi món thường xuyên và bữa ăn hằng ngày phải có nhiều vitamin. Thiếu nhiều loại vitamin rất dễ dẫn đến ung thư kết tràng, tuyến tiền liệt. Vitamin có nhiều trong các loại rau, củ, quả. Không nên ăn dưa cải chua đã mốc trắng, vì chất mốc trắng này sinh ra chất độc gây ung thư và có tác dụng thúc nhanh bệnh ung thư. Các thực phẩm khác như nấm hương, gan động vật là thực phẩm chứa nhiều vitamin. Các thực vật chứa nhiều vitamin A như táo đỏ, khoai tây, rau chân vịt, v.v... có tác dụng ngăn ngừa bệnh ung thư. Giá là thực phẩm chứa nhiều vitamin có khả năng giảm bớt nồng độ và ngăn trở quá trình hợp thành chất nitranie, là chất gây ung thư trong cơ thể. Tỏi cũng kích thích mạnh công năng tiêu diệt vi khuẩn của bạch cầu, tăng cường năng lực miễn dịch.
Việc ăn uống cẩu thả, như ăn nhanh, ăn không đúng giờ, ăn quá nóng, quá lạnh hoặc quá cay là tác nhân đẩy nhanh con người đến với căn bệnh ung thư. Nếu thường xuyên ăn thực phẩm tẩm muối như: thịt muối, cá muối, cải muối, thích ăn muối sống, dễ bị ung thư dạ dày. Ăn cải ngâm muối lâu dễ mắc ung thư thực quản. Ăn thức ăn mốc có độc tố dễ bị ung thư gan. Thịt hun khói là một món ăn ngon nhưng rất dễ mắc bệnh ung thư. Hội nghiên cứu bệnh ung thư của Nhật Bản đã phát hiện trong thực phẩm hun khói có chứa một chất gây ra sự đột biến. Thí nghiệm trên động vật cho thấy độc tính của chất này gấp 100 lần chất benz [a] anthracene gây ung thư. Hun khói các loại thức ăn bột như nướng khoai lang, bánh mì v.v..., hàm lượng này rất ít, nhưng 1kg thịt dê hun khói có chứa 250 mg chất benz [a] anthracene. Hiện nay thanh niên ta thường uống bia rượu quá tải. Ở Nhật Bản người ta cho rằng bệnh ung thư thực quản là do uống rượu mạnh. Thực tế có rất nhiều người bị ung thư vì nghiện rượu.
Các loại trà cũng giúp ích cho việc phòng chống bệnh. Trong trà chứa một hàm lượng polyphenol ngăn trở ung thư. Tuy nhiên, uống trà sau bữa ăn tốt hơn trước bữa ăn. Nhưng sau khi pha trà không nên để quá lâu rồi mới uống. Có người cho rằng uống trà cách đêm sẽ gây ra bệnh ung thư nhưng điều này không có cơ sở khoa học.
Thói quen hút thuốc lá cũng dễ mắc căn bệnh ung thư. Tôi đã từng khuyên rất nhiều người không nên hút thuốc lá nhưng họ nghiện nặng nên chống chế rằng “nhiều người không hút thuốc cũng bị bệnh ung thư đó thì sao?”. Thực ra đó là ngụy biện. Những người hút thuốc lâu dài hoặc thường xuyên tiếp xúc với các chất như chì, thạch tín, thủy ngân v.v... hoặc người từng bị bệnh đường hô hấp dễ bị ung thư. Nhiều người hút thuốc tại nơi đông người không những gây bệnh cho mình mà còn gây bệnh cho nhiều người khác.
Tắm nắng thường xuyên có lợi cho sức khỏe. Nhưng nắng đó phải là nắng ban mai khi mặt trời vừa mới mọc. Những ngày nóng bức, bị mặt trời chiếu vào sẽ làm tổn thương làn da. Tia tử ngoại của mặt trời sẽ làm xung huyết cục bộ, bị sưng phù, có vết bầm đen, nghiêm trọng hơn có mụn nước rất nóng. Tia tử ngoại chiếu vào da thì các tổ chức và tế bào da sẽ biến đổi gây ung thư da.
Trong cuộc sống hiện đại, ra đời nhiều loại vật dụng như bát đũa, bao bì, rổ rá, chậu thau bằng nhựa. Việc dùng các vật dụng bằng nhựa đựng thức ăn quá nóng, nước uống đang sôi cũng ảnh hưởng đến sức khỏe. Nạn thải rác công nghiệp trong các thành phố và nông thôn đang làm đau đầu các nhà môi trường học. Khói đốt cháy nhựa Polietylen có khả năng gây bệnh ung thư. Các khí độc thải ra khi các bao bì ni-lông bị đốt cháy là chất đi-ô-xin có thể gây ngộ độc, gây ngất, khó thở, nôn ra máu, ảnh hưởng đến các tuyến nội tiết giảm khả năng miễn dịch, gây rối loạn chức năng, gây ung thư và các dị vật bẩm sinh cho trẻ sơ sinh. Thế mà có người vẫn dùng túi ni-lông để nhóm bếp. Có một cô giáo, khi con bị ung thư, tử vong mới biết nhóm bếp bằng túi ni-lông là rất nguy hiểm.
Chất diệt cỏ là đi-ô-xin. Nhiều vùng quê ở miền Nam Việt Nam bị nhiễm chất độc da cam của Mỹ thả xuống, sau chiến tranh hàng chục năm trời vẫn chưa bị phân hủy. Dân cư sống trong vùng sử dụng nguồn nước nhiễm chất độc sinh con bị dị dạng. Thế mà một số người xem thuốc diệt cỏ là vô hại đối với đời sống, sức khỏe của con người. Họ phun thuốc cỏ một cách tùy tiện, và xem đó là một phương pháp hữu hiệu để tiêu diệt cỏ tận gốc. Đã có trường hợp người phun thuốc diệt cỏ trên đường đi hay bờ ruộng làm trâu bò ăn phải lăn ra chết. Tôi có một người cô họ ra vơ cỏ lúa sau khi phun thuốc diệt cỏ xong vài ngày bị sẩy thai. Bản thân tôi đã chứng kiến một số nông dân phun thuốc trừ sâu, thuốc kích thích lên ruộng rau sau vài ngày là mang ra chợ bán. Tôi biết gia đình họ ăn rau ở những thửa ruộng khác. Có người dùng thuốc kích thích giá đỗ cho đẹp để bán. Khi bán ế họ lại chẳng dám ăn. Lại có người dùng chất diệt cỏ để làm chín trái cây. Có người ướp cá bằng đạm urê để được tươi lâu hơn. Có người dùng lưu huỳnh, thuốc tẩy để làm trắng dạ dày, lòng lợn.
Đặc biệt nạn ô nhiễm môi trường ở nông thôn tăng lên một cách báo động. Dọc đường liên thôn xuất hiện nhiều đống rác thải dài hàng trăm mét. Chó mèo chết, vỏ ốc thối bị vứt xuống bàu, rộc, mương nước làm ô nhiễm cả bầu không khí.
Nhiều địa phương có dấu hiệu nguồn nước bị nhiễm chất Asen gây ra bệnh ung thư hàng loạt. Nguồn nước và đất thiếu nguyên tố vi lượng molybdanium cũng ảnh hưởng đến chất lượng nông phẩm, là tác nhân gián tiếp gây ra bệnh ung thư. Bởi vì molybdanium có khả năng làm giảm bớt hàm lượng muối acid nitric trong các nông phẩm, ngăn trở sự tổ hợp chất nitrosamine gây ung thư. Các nhà máy chế biến nông sản nếu không xử lý tốt nguồn nước thải có thể gây ung thư cho cộng đồng xung quanh địa bàn.
Tóm lại, mỗi người dân phải biết tự bảo vệ mình và có trách nhiệm với cuộc sống cộng đồng, tích cực ngăn ngừa bệnh ung thư. Tích cực tập thể dục cũng là một phương pháp phòng bệnh. Khi cơ thể mệt mỏi hoặc có dấu hiệu bất thường cần đến phòng khám hoặc bệnh viện ngay. Phát hiện không ra bệnh là nghĩ ngay đến căn bệnh ung thư. Một số bệnh ung thư như cổ tử cung, vú, dạ dày... có thể chữa khỏi nếu như phát hiện sớm. Một điều đáng mừng là nước ta đã sản xuất được hàng loạt vắc-xin ung thư cổ tử cung. Phải thường xuyên đi tầm soát ung thư để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời. Phải điều trị các bệnh viêm mãn tính vì nó dễ biến thành ung thư. Ung thư là bệnh nan y nhưng có thể phòng chống được. Hãy lạc quan. Thoát khỏi bệnh ung thư còn tùy thuộc vào ý thức của bạn.
HOÀNG THANH HÀ
(Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng)