.

Cách nhìn của người trẻ

.

Giữa lúc có sự bất cân xứng trong việc đầu tư cho văn hóa so với kinh tế, những ý tưởng xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm sự kiện văn hóa du lịch của miền Trung và cả nước được xem là một gợi mở hay cho những người làm văn hóa.

Lễ hội Quán Thế Âm ở Ngũ Hành Sơn.
Lễ hội Quán Thế Âm ở Ngũ Hành Sơn.

Từ ý tưởng đến hiện thực

Với lập luận muốn có du khách thì phải tạo ra sự kiện văn hóa du lịch, học viên Đề án 922 Phan Vĩnh Hằng, tốt nghiệp cử nhân quản trị khách sạn và du lịch quốc tế, chuyên ngành quản trị và sự kiện tại Đại học Queensland (Australia), gây sự chú ý đối với những người tham dự buổi báo cáo kết quả học tập hôm 17-2, khi đề xuất rằng, “thành phố có thể chú trọng vào vấn đề đầu tư phát triển tổ chức các sự kiện để tạo dựng hình ảnh điểm đến của thành phố như phát triển thành phố trở thành trung tâm của các sự kiện văn hóa du lịch của cả nước, sử dụng các sự kiện lễ hội để thu hút du khách ngoài những tài nguyên vốn có”.

Ý tưởng này được quan tâm bởi hiện nay Đà Nẵng mới chỉ đứng thứ 39/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về văn hóa. Vấn đề này cũng đã được nhiều đại biểu và cử tri thành phố quan tâm trong kỳ họp thứ 8 của HĐND thành phố khóa VIII. Sự bất cân xứng không chỉ trong việc đầu tư cho văn hóa quá thấp so với kinh tế mà còn trên bình diện không gian bố trí các thiết chế văn hóa, đó là việc bố trí các công trình văn hóa chủ yếu ở phía nam - đông nam trong khi thành phố phát triển mạnh đô thị về phía tây - tây bắc. Thêm vào đó, một số thiết chế quan trọng như Bảo tàng mỹ thuật, Thư viện Khoa học tổng hợp… có vai trò tạo sự lan tỏa về văn hóa trong đời sống lại nằm trên giấy một thời gian dài. Là “tư lệnh” của ngành, Giám đốc Sở VH-TT&DL Ngô Quang Vinh cũng thừa nhận việc đầu tư kinh phí phát triển văn hóa trong thời gian qua còn hạn chế, chưa tương xứng với tầm vóc của thành phố đô thị cấp quốc gia. Trong khi đó, một số công trình thiết chế văn hóa theo thời gian đã xuống cấp, hư hỏng.

Theo học viên Phan Vĩnh Hằng, ngoài các sự kiện văn hóa, thành phố cũng có thể tập trung làm điểm đến là chủ nhà tiếp đón các sự kiện kinh tế, chính trị trong khu vực Đông Nam Á cũng như thế giới thông qua việc sử dụng các cơ sở vật chất hạ tầng vốn có của thành phố như chuỗi khách sạn resort và trung tâm hội nghị ven biển. Việc phát triển thành phố trở thành thành phố của lễ hội đã giành được nhiều thành công từ nhiều thành phố ở Australia như Brisbane, Melbourne, Sydney. Hơn nữa, việc sử dụng sự kiện để thu hút khách du lịch cũng có thể khiến cho thành phố trở thành điểm đến xuyên suốt cả năm chứ không chỉ có một số mùa nhất định trong năm.

Lễ hội hoa đăng trên sông Hàn.Ảnh: Đ.L
Lễ hội hoa đăng trên sông Hàn. Ảnh: Đ.L

Tạo một bước chuyển mới

Tuy nhiên, không ít người cũng bày tỏ băn khoăn, liệu việc hướng tới một thành phố tổ chức sự kiện có khả quan không trong khi hiện nay các địa điểm văn hóa lớn của thành phố như Nhà hát Trưng Vương, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh… thường xuyên đóng cửa. Vào các ngày nghỉ lễ, Tết, người dân thành phố thường tìm đến các quán nhậu, đi chùa hay tụ tập ở các quán cà-phê… Dẫu biết rằng, nếu không có sự kiện văn hóa thì đừng nói gì đến du lịch.

Nói như vậy, không có nghĩa là chúng ta quá bi quan mà ở một góc nhìn khác cho thấy, văn hóa ứng xử của người dân thành phố đã tương xứng với tư cách là cư dân của một đô thị văn minh và đã được bạn bè, du khách ghi nhận trong những năm qua. Đây là nền tảng xã hội vững chắc để phát triển văn hóa. Dẫn chứng cho điều này, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử thành phố Đà Nẵng có lần kể: “Có một đoàn khách du lịch đến Đà Nẵng gồm 7 người vào một quán uống cà-phê với giá 7.000 đồng/ly. Khi tính tiền, khách đưa tờ 50.000 đồng thì chủ quán đã trả lại 1.000 đồng tiền thừa làm đoàn khách cứ suýt xoa khen mãi”.

Có thể nhận thấy rằng, sau 15 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, bên cạnh phát triển kinh tế, việc xây dựng con người thân thiện với nếp sống văn minh đô thị và môi trường văn hóa lành mạnh được lãnh đạo thành phố xác định là một trong những yếu tố then chốt tạo nên diện mạo văn hóa Đà Nẵng. Tư tưởng, đạo đức và lối sống có văn hóa đã có những chuyển biến tích cực, góp phần tạo sự đồng thuận cao trong công cuộc xây dựng và phát triển Đà Nẵng, trong đó phải kể đến chương trình thành phố “5 không” và “3 có”, lễ hội Quán Thế Âm, cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng… Do đó, vấn đề chính là sự quan tâm, đầu tư sao cho thỏa đáng để các nhân tố văn hóa tỏa sáng, phát huy, đáp ứng nhu cầu tinh thần chính đáng của người dân thành phố.

Trở lại với những đề xuất của học viên Phan Vĩnh Hằng, thành phố có thể mở các công viên vui chơi giải trí cho người dân, tổ chức sự kiện truyền thống với việc mời các tỉnh, thành phố lân cận cùng làm sự kiện tại Đà Nẵng như lễ hội biển vào mùa hè, lễ hội xuân; đồng thời tìm tòi từ quỹ doanh nghiệp và đưa ra lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp và bản thân người dân địa phương chứ không riêng gì đối với du khách.

Ông Bùi Văn Tiếng cũng cho rằng, lâu nay chúng ta nổi tiếng với việc tổ chức sự kiện, điển hình là cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế. Tuy nhiên, không để bội thực với các sự kiện, đồng thời tuyệt đối nói không với những sự kiện để xảy ra những sự cố đáng tiếc tại các lễ hội văn hóa… Ngoài sự đóng góp của người quản lý và tổ chức, thì sự góp phần của từng người dân bình thường là một phần quan trọng để làm nên sự thành công của tổ chức sự kiện.

ĐOÀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.