.

Chạm vào giấc mơ bay

.

Mỗi chiều đi làm về, cơm nước xong anh lại đắm chìm trong giai điệu quen thuộc của sân bay, nhìn ngắm những chuyến bay chở giấc mơ của mình lên bầu trời.

Từ tháng 8-2005, Phan Ngọc Thiết đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam cấp bằng Xác lập kỷ lục “Người có bộ sưu tập mẫu máy bay dân dụng nhiều nhất Việt Nam”. Ảnh: N.H
Từ tháng 8-2005, Phan Ngọc Thiết đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam cấp bằng Xác lập kỷ lục “Người có bộ sưu tập mẫu máy bay dân dụng nhiều nhất Việt Nam”. Ảnh: N.H

Giấc mơ thời thơ dại

Một ly vang nhé? Câu mở đầu của một cuộc chuyện trò vô cùng thú vị với một “người điên”, như lời tự giới thiệu của Phan Ngọc Thiết, người hiện đang sở hữu một bộ sưu tập mô hình máy bay dân dụng nhiều nhất Việt Nam. Anh đem ra hai loại vang. Vang trắng trong veo như giấc mơ bay thời thơ dại của cậu bé Thiết mỗi khi những cánh chim sắt khổng lồ bay qua mảnh trời con con trước sân nhà mình. Vang đỏ thổi bùng những đam mê thời trai trẻ được bay lên bầu trời cao rộng để nhìn ngắm thế giới bao la…

Gần 7 giờ tối, chúng tôi đến nhà anh Phan Ngọc Thiết trong con hẻm 21/20 Lê Hồng Phong, Đà Nẵng, như một chuyến tìm về một địa chỉ văn hóa của thành phố. Trong cái se lạnh của mùa xuân vừa chạm ngõ giêng hai, căn phòng khách ấm hẳn lên sau nụ cười phúc hậu thoảng chút an nhiên của chủ nhân. Sau những câu xã giao quen thuộc, câu chuyện bắt đầu sóng sánh những chuyến bay. Anh bảo, tình yêu với những cánh chim sắt trong anh khởi đầu từ những năm lên bảy. Tình yêu ấy lớn dần theo năm tháng, khiến đôi lần anh mong ước trở thành phi công, bay qua bầu trời năm châu bốn bể.

12 tuổi, anh thoáng rùng mình khi lần đầu tiên được chạm tay vào một chiếc máy bay… mô hình trong một cửa hàng đồ chơi. Trong một sát-na ngẫu nhiên đó, giấc mơ thời thơ dại ngày nào đã ngủ quên bỗng dưng choàng tỉnh trong anh. Người ta thường bảo, tình yêu chắp cánh cho giấc mơ thành hiện thực. Điều ấy đã đến với anh vào năm 1995, khi anh tận mắt nhìn ngắm hàng nghìn mô hình máy bay tại Viện Bảo tàng Hàng không và Không gian Hoa Kỳ.

Theo đuổi giấc mơ giống như theo đuổi một người con gái, ngoài tình yêu, sự đam mê ra thì còn phải có những điều kiện nhất định như tài chính, môi trường thực hiện và cả một chút… liều.

Nghìn chuyến bay và nghìn máy bay

Với cương vị Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thể chất - Đại học Đà Nẵng, anh có điều kiện đi công tác nhiều nước trên thế giới. Mỗi chuyến đi đối với anh luôn gắn liền với việc tìm hiểu, mua sắm những mô hình máy bay cho thỏa ước mơ. Ngày đầu tiên anh sở hữu hai chiếc mô hình máy bay là chuyến đi Hồng Kông vào cuối năm 1995. Ngày ấy, giá tiền cho mỗi chiếc mô hình có thể tính bằng vàng. Khởi đầu giấc mơ bằng con số hai bé nhỏ, tính đến lúc chúng tôi gặp anh, sau gần hai mươi năm anh đã sở hữu 1.032 máy bay của 271 hãng hàng không trên thế giới.

Bên ngoài cửa sổ, Đà Nẵng đã vào đêm. Trong âm thanh náo nhiệt của thông báo về những chuyến bay quốc tế được anh Thiết thu âm làm nền, những dãy đèn tín hiệu nhấp nháy trên đường băng, những chiếc máy bay mô hình xếp hàng trật tự chờ lệnh cất cánh… Trước sa bàn mô hình Sân bay Quốc tế Phan Ngọc Thiết (PNT International Airport - PNTIA) trên tầng ba nhà anh, chúng tôi cứ ngỡ mình là hành khách trong một chuyến bay đêm đến một đất nước xa xôi nào đó.

Với tay xếp lại mấy chiếc máy bay trên kệ, anh bảo rằng, anh yêu vô cùng những chuyến bay, anh nhớ rõ từng số hiệu, từng màu sắc, từng biểu tượng của các hãng hàng không trên thân máy bay. Trong bộ sưu tập của mình, anh thích những mẫu chuyên cơ của các nguyên thủ quốc gia trên thế giới. Không cần “tài liệu”, anh say sưa giới thiệu về đặc điểm, hãng sản xuất, số hiệu cụ thể chuyên cơ phục vụ các tổng thống Mỹ từ năm 1972 đến 1989 và chuyên cơ hiện thời của Tổng thống Obama; chuyên cơ của Chính phủ Nhật Bản, Tổng thống Đức, Tổng thống Pháp, vua Brunei, Toàn quyền và Thủ tướng Australia… Đặc biệt, mô hình chiếc Boeing 777-200ER của Vietnam Airlines với số hiệu VNA-141, chuyên cơ từng đưa những vị lãnh đạo cao cấp của Việt Nam trong các chuyến công du nước ngoài.

Anh tỉ mẩn liệt kê hơn nghìn chuyến bay của mình; chuyến đầu tiên vào năm 1981 từ Đà Nẵng vô Sài Gòn; chuyến bay mới nhất cách hôm chúng tôi gặp anh 2 ngày, anh bay đi đảo quốc Sư tử để dự Triển lãm Hàng không Singapore Airshow 2014 (SGAS) - triển lãm máy bay lớn nhất và hoành tráng nhất khu vực châu Á được tổ chức 2 năm một lần. Và cũng như mọi chuyến bay khác, anh không quên mang về 2 mẫu mô hình máy bay và ghi chúng vào bảng kê ở thứ tự 1031 và 1032.

Mỗi chiều đi làm về, cơm nước xong anh lại lên tầng ba và đắm chìm trong giai điệu quen thuộc của sân bay, nhìn ngắm những chuyến bay chở giấc mơ của mình lên bầu trời.

Bảo tàng của “người điên”

Rượu được rót thêm vào ly, câu chuyện giữa chủ và khách cứ dậy men như được ủ lâu ngày. Khi được hỏi trong 27 nước anh đã đi qua, thì sân bay nào, loại máy bay nào anh thích nhất, anh cười: “Thế giới có nhiều hãng hàng không với nhiều máy bay hiện đại không thể kể hết. Tuy nhiên, mỗi lần nhìn máy bay của Hàng không Việt Nam đậu giữa các máy bay nước khác tại sân bay quốc tế thì thấy lòng ấm lại”. Để chứng minh cho lời mình vừa nói, anh kéo chúng tôi lại gần mô hình sân bay nhìn cho rõ: Đấy, các bạn nhìn xem, màu xanh thẫm của máy bay Vietnam Airlines luôn nổi bật giữa muôn ngàn máy bay khác. Phù hiệu hình sen vàng trên thân máy bay xứ Việt vừa thanh lịch vừa cổ kính…

Nhiều khách trong và ngoài nước rất thích thú với PNT International Airport và nêu ý tưởng sao không làm một bảo tàng tư nhân, một địa chỉ văn hóa? Nhưng cũng có không ít người bảo anh điên khi bỏ hàng tỷ đồng để mua về đống máy bay tưởng như là đồ chơi chỉ đáng dành cho con trẻ, nhưng thật ra chúng được sản xuất chỉ để dành cho những người sưu tầm mô hình máy bay. Ừ thì điên đấy, điên để được yêu, được sống với những ước mơ, những đam mê cháy bỏng trong đời người thì còn gì bằng! Nói rồi, anh bước đến bên chiếc đàn dương cầm trong phòng khách và lại làm chúng tôi ngạc nhiên khi lả lướt dạo một tình khúc bất hủ của Đoàn Chuẩn - Từ Linh. Chừng như đâu đó có giấc mơ xưa vừa chạm vào câu hát: Gửi gió cho mây ngàn bay…

NHƯ HẠNH

;
.
.
.
.
.