Trong cuộc làm việc ngày 11-2-2014 với Sở VHTT&DL, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Trần Thọ “đồng ý chủ trương đánh giá hiện trạng, cải tạo, nâng cấp công trình Bảo tàng Điêu khắc Chăm”. Đà Nẵng Cuối tuần có cuộc trao đổi với ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc (ĐK) Chăm, xung quanh nội dung này.
Tổng thống Singapore S.R.Nathan ghi sổ lưu niệm tại Bảo tàng ĐK Chăm Đà Nẵng. |
* Ý tưởng nâng cấp cải tạo Bảo tàng ĐK Chăm được nghe nhắc đến trong những năm gần đây, nhưng thực tế triển khai có vẻ chậm, ngoài vấn đề khó khăn về nguồn vốn, theo ông còn có những vướng mắc nào nữa?
- Đôi khi cũng có quan niệm cho rằng Bảo tàng ĐK Chăm như hiện trạng là được rồi, không cần phải đầu tư cải tạo gì nữa hoặc là phải tập trung đầu tư vào những bảo tàng khác để phản ánh bức tranh đa dạng của di sản văn hóa chứ Đà Nẵng không chỉ có Bảo tàng ĐK Chăm. Nhưng có lẽ đó không phải là những vướng mắc, mà quan trọng là không gian Bảo tàng ĐK Chăm đã khẳng định chỗ đứng của nó trong tình cảm của công chúng với hình ảnh một kiến trúc đẹp và quen thuộc ở một góc phố của Đà Nẵng trong thế kỷ qua; do vậy việc cải tạo, nâng cấp luôn được lãnh đạo thành phố cân nhắc thận trọng. Đã có một số phương án được đề xuất, nhưng còn cần thêm nhiều ý kiến tư vấn, đánh giá trước khi triển khai.
* Đối với nhiều người, Bảo tàng ĐK Chăm là một điểm đến lúc nào cũng thu hút đông khách tham quan, vậy “vấn đề” của Bảo tàng ĐK Chăm hiện nay là gì, thưa ông?
- Bảo tàng ĐK Chăm hiện nay được nhiều du khách yêu mến vì bộ sưu tập hiện vật độc đáo, là di sản quý hiếm của một giai đoạn văn hóa từng phát triển rực rỡ tại miền Trung Việt Nam suốt 1.000 năm. Tuy nhiên, tòa nhà bảo tàng cùng với cách thức trưng bày hiện vật đã được xây dựng và thực hiện từ đầu thế kỷ 20, đang bộc lộ những sự xuống cấp và không theo kịp cách thức trưng bày của các bảo tàng hiện đại. Riêng về tòa nhà, những gian xây sớm nhất đã có tuổi thọ gần 100 năm, những gian khác được chắp nối trong những lần mở rộng bảo tàng vào những thời điểm khác nhau, tạo nên một không gian trưng bày không thuận lợi cho lộ trình tham quan của du khách.
Cách thức và phương tiện trưng bày, bảo quản hiện vật nói chung còn nghèo nàn, cũ kỹ. Nhưng để khắc phục các nhược điểm này thì phải cần một phương án xử lý đồng bộ, từ việc cải tạo tòa nhà cho đến tháo gỡ, bảo quản hiện vật, trưng bày lại và lắp đặt các thiết bị ánh sáng, đồ họa hỗ trợ. Những biện pháp xử lý nhỏ lẻ chỉ mang tính chất duy trì tạm thời, không thể tạo nên diện mạo của một bảo tàng trong tầm nhìn thế kỷ 21.
Hai phương án thiết kế cải tạo Bảo tàng ĐK Chăm của nhóm KTS Công ty Tư vấn thiết kế xây dựng Đà Nẵng. |
* Thưa ông, được biết đã có một phương án thiết kế cải tạo tòa nhà bảo tàng của một nhóm kiến trúc sư ở Đà Nẵng đề xuất, kinh phí thực hiện dự kiến vài chục tỷ đồng. Trong tình hình tài chính khó khăn hiện nay, một dự án như thế liệu có khả thi không?
- Về tài chính, theo tôi có thể có nhiều cách. Hoặc là hoàn toàn từ nguồn ngân sách thành phố, hoặc là lập quỹ đầu tư tích lũy từ nguồn thu của bảo tàng cộng với vận động tài trợ, hoặc thậm chí có thể lập dự án để vay một phần vốn của các ngân hàng và trả bằng nguồn bán vé bảo tàng trong nhiều năm. Và cũng có thể đưa ra nhiều phương án thiết kế khác nhau để chọn lựa một phương án tối ưu và khả thi.
* Có một số bảo tàng trong nước được đầu tư lớn nhưng hiệu quả thấp, trong trường hợp Bảo tàng ĐK Chăm, nếu có nguồn đầu tư lớn liệu có đem lại hiệu quả?
- Hiệu quả của một bảo tàng bao gồm cả mục tiêu bảo tồn di sản văn hóa, góp phần giáo dục cộng đồng và mang lại lợi ích kinh tế. Để đạt được hiệu quả này, hiển nhiên không chỉ có nhiều tiền đầu tư là được; mà còn phải có cơ chế quản lý tốt và có nhân lực triển khai công việc. Những điều kiện này thực tế còn bất cập, nhưng hiện nay cũng đã có những tiền đề tốt, nếu có phương thức huy động nguồn lực, tôi tin rằng việc đầu tư sẽ đem lại hiệu quả.
* Năm 2015 là thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập Bảo tàng ĐK Chăm, chắc chắn ông sẽ có những suy nghĩ và mong muốn thực hiện những công việc cụ thể?
- Những việc lâu dài cần được tiếp tục suy nghĩ, một dự án đầu tư lớn có thể phải năm, mười năm nữa mới triển khai, nhưng Bảo tàng thì vẫn phải hằng ngày mở cửa đón khách tham quan. Chúng tôi đang nghĩ đến việc phải bắt tay ngay vào việc chỉnh lý, bổ sung các trưng bày ở mức độ điều kiện cho phép để có một vài “sản phẩm” mới phục vụ khách tham quan vào thời điểm 100 năm thành lập bảo tàng, đồng thời cũng nhân sự kiện này mở rộng quảng bá, giới thiệu về bảo tàng đến với công chúng. Về kinh phí, nếu được thành phố cho phép để lại toàn bộ nguồn thu của Bảo tàng ĐK Chăm trong năm 2015 để triển khai các hoạt động chào mừng sự kiện 100 năm thành lập bảo tàng thì tôi nghĩ rằng bảo tàng có thể làm được một vài việc đáng làm.
* Cảm ơn ông và hy vọng sớm đón chào những “sản phẩm” mới của Bảo tàng ĐK Chăm.
Đ.N.C.T (thực hiện)