.

Gặp nhau ở đam mê

.

Từng là sinh viên khoa Báo chí, Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, vì niềm đam mê dành cho lĩnh vực điện ảnh, Nguyễn Cao Trọng Ân (21 tuổi) vào Sài Gòn thi đậu ngành Diễn viên kịch nói-Điện ảnh Trường Cao đẳng Văn hóa-nghệ thuật và du lịch Sài Gòn. Con đường đến với điện ảnh của Ân thực sự bắt đầu vào giữa năm 2013, khi Ân về Đà Nẵng, cùng những người bạn lập nên nhóm làm phim AMANU GROUP FILMS (Không đồng).

Một số thành viên của nhóm Amanu. Ảnh: H.L
Một số thành viên của nhóm Amanu. Ảnh: H.L

Khởi nghiệp bằng tình yêu nghệ thuật

Tiệc phim ngắn trực tuyến YxineFF (Yxine Film Fest) diễn ra mỗi năm một lần tại địa chỉ www.yxineff.com từ năm 2010 trở thành “miền đất hứa” cho những bạn trẻ đam mê lĩnh vực điện ảnh, trong đó có Trọng Ân. Khi tiệc phim diễn ra, Ân hầu như không bỏ sót một bộ phim nào, xem và nghiền ngẫm, học tập kinh nghiệm cũng như cách triển khai ý tưởng, lên kịch bản phù hợp thị hiếu người xem hiện nay, đặc biệt là khán giả trẻ. Trọng Ân chia sẻ, lâu nay, những tác phẩm điện ảnh dù ngắn hay dài, độc lập hay có sự tài trợ về kinh phí, đều rất khó ra rạp, hoặc ra rạp nhưng không được khán giả chào đón. Vì thế, tiệc phim YxineFF giúp phim của nhóm người làm phim trẻ như Amanu có hy vọng được đến với công chúng qua trang mạng, phục vụ tất cả mọi người.

Bộ phim đầu tay của Amanu có tựa đề Muốn sống, nói về vấn nạn nạo phá thai trong giới trẻ hiện nay, đặc biệt là ý thức, cách xử lý tình huống của các bạn trẻ khi trót thử làm người lớn, đứng trước việc sẽ trở thành ông bố, bà mẹ trẻ. Phá hay giữ lại đối với một sinh linh bé bỏng? Dưới vai trò đạo diễn bộ phim này, Nguyễn Cao Trọng Ân cho biết: “Do mới bắt đầu làm phim, nhóm Amanu còn thiếu kinh nghiệm thực tế nên các bạn diễn chưa đạt, nội dung còn đơn điệu, chưa chuyển tải hết vấn nạn nạo phá thai trong thời gian ngắn nên phim đã bị loại. Thất bại đó đã giúp nhóm có cái nhìn nghiêm túc hơn trong việc thực hiện các bộ phim sau đó như Gương, The Killers, Khơi lòng...”.

Ngoài Nguyễn Cao Trọng Ân trong vai trò đạo diễn, tập hợp và lên kịch bản, toàn bộ ekip của nhóm Amanu có 10 người, trong đó hầu hết là sinh viên, đang theo học tại một số trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Trần Thị Kim Lộc, sinh viên khoa Công nghệ thông tin, Trường Cao đẳng Công nghệ Đà Nẵng, thành viên của nhóm nói rằng, việc tham gia nhóm làm phim toàn bạn bè với nhau là cách mỗi người chia sẻ niềm đam mê, cùng trao dồi, nâng cao kỹ năng làm việc nhóm. Là con gái, trong vai trò đạo diễn kiêm diễn viên, bản thân Lộc nhiều lúc thấy khó quá cũng nản, nhưng rồi mỗi thành viên trong nhóm tự động viên nhau. Đặc biệt khi bộ phim Không có gì quý của đạo diễn người Đà Nẵng Nguyễn Trọng Khôi (1990) được chọn làm phim khai mạc tại www.yxineff.com năm 2013 trở thành động lực để cả nhóm cùng cố gắng.

Tinh thần độc lập

Là nhóm làm phim độc lập, nên mọi chi phí làm phim đều do nhóm tự bỏ tiền túi thực hiện, giống như tên gọi của nhóm có nghĩa là “Không đồng”. Những ngày đầu khó khăn và thiếu thốn về trang thiết bị, Amanu phải sử dụng chiếc máy ảnh DSLR Canon 550D của một thành viên trong nhóm để quay phim. Ngoài ra nhóm còn gặp trở ngại khi tìm địa điểm quay. Quý Bình, tham gia ekip với vai trò quay phim, cho hay, để tìm được địa điểm quay phù hợp, cả nhóm phải hợp lực, chia nhau mỗi người mỗi địa chỉ để liên hệ. “Ở Đà Nẵng, phong trào làm phim ngắn còn khá mới mẻ, chưa rầm rộ như Sài Gòn, Hà Nội nên người dân chưa quen. Vì thế, xin được địa chỉ quay phù hợp với nội dung phim là việc cực kỳ khó khăn”, Bình nói.

Dù mới ra đời nhưng Amanu hoạt động khá bài bản. Các thành viên thu xếp thời gian cuối tuần để lịch quay được thông suốt, kinh phí luôn được tính toán rất kỹ, sao cho một sản phẩm ra đời phải bảo đảm tiêu chí “tiết kiệm nhưng hiệu quả”. Kịch bản một số phim ngắn của nhóm đã sản xuất đều được triển khai theo hướng sáng tạo, viết theo tư duy riêng nên khá độc đáo, phù hợp với nhiều đối tượng khán giả. Khi hoàn thành, nhóm đưa nội dung phim lên mạng xã hội facebook hoặc Youtube để giới thiệu, mong nhận được sự góp ý từ phía người xem.

Từ tháng 2-2014, nhóm Amanu bắt đầu bấm máy bộ phim giả sử Mục Kiền Liên (dài 90 phút), được quay tại chùa Phổ Đà, thành phố Đà Nẵng. Nói về bộ phim dài hơi Mục Kiền Liên, Nguyễn Cao Trọng Ân cho biết, nhóm đã nhận được sự cho phép của Thượng tọa Thích Từ Nghiêm về điểm quay tại chùa Phổ Đà. Phim dự kiến sẽ trình chiếu phục vụ tăng ni phật tử và du khách tại chùa Phổ Đà nhân dịp Lễ Vu lan báo hiếu tới đây. Trong tương lai gần, nhóm làm phim trẻ AMANU GROUP FILMS của Trọng Ân và nhóm bạn mong muốn nhận được sự ủng hộ của nhiều đối tượng khán giả. Trong đó, việc chinh phục giới chuyên môn là mục tiêu của nhóm đang hướng đến trong tương lai gần.

HUỲNH LÊ - HÀ HUỲNH

;
.
.
.
.
.