.

Một giá trị phai mờ

.

“Thảm họa Hy Lạp” là từ mà báo chí Anh dùng khi nói về thất bại 0-2 của Manchester United trước Olympiakos ở lượt đi vòng 1/8 Champions League.

Trận thua đầu tiên của nhà vô địch nước Anh trước một đội bóng Hy Lạp được xem là chương mới nhất trong mùa bóng đầy bất trắc của huấn luyện viên David Moyes trên cương vị thuyền trưởng M.U.

Nó thêm một lần khẳng định tính bấp bênh của nhà vô địch sau khi chuyên gia lão làng Alex Ferguson rời vị trí dẫn dắt. M.U bây giờ không còn đánh đâu thắng đó như xưa, xa lạ với hình ảnh của một biểu tượng thuần nhất về lối chơi, cố kết về tính tập thể và một sức mạnh làm kiêng dè mọi đối thủ. Bây giờ ít người yên tâm đặt cược vào hành trình của họ, cả ở chiến trường quốc nội lẫn sân chơi cấp châu lục. Thua 6 trong 12 trận đầu năm 2014, bị loại ở hai cúp bóng đá nội địa, kém 11 điểm so với đội cuối cùng trong nhóm 4 đội xếp hàng đầu ở Giải ngoại hạng Anh và hiện trong thế “chỉ mành treo chuông” ở đấu trường Champions League, chưa bao giờ hình ảnh “quỷ đỏ” lại phờ phạc và tiều tụy đến thế.

Man United gục ngã trước Olympiakos - Trận đấu tệ nhất dưới triều đại David Moyes.  (Ảnh  Internet)
Man United gục ngã trước Olympiakos - Trận đấu tệ nhất dưới triều đại David Moyes. (Ảnh Internet)

Không ngạc nhiên khi có người cho rằng M.U hiện đang rơi xuống đáy khủng hoảng. Ở Hy Lạp rạng sáng 26-2 (giờ Việt Nam), trước đối phương không có nhiều hảo thủ, họ vào sân bằng đội hình không hề bị sứt mẻ, vẫn đủ đầy những Rooney, Van Persie, Valencia, Nani. Vậy mà cái đội hình ấy cứ mãi loay hoay vô hồn, rất hiếm khi đe dọa khung thành chủ nhà. Dấu ấn M.U để lại trong đêm buồn này chỉ là cú sút vọt xà trong thế trống trải của Van Persie vào gần cuối trận. “Tôi kinh ngạc về cách chơi của cả đội. Bị dẫn trước nhưng chúng tôi vẫn không đủ sức gượng dậy. Rõ là chưa bao giờ điều này xảy đến với chúng tôi!”, David Moyes thốt lên với giọng bối rối sau trận đấu. Thuyền trưởng của M.U dường đang khiến nhiều người ngạc nhiên với chính tài nghệ và cách thức phản ứng của mình.

Sao không ngạc nhiên được khi vào thời ông Alex Ferguson cầm lái, thất bại luôn được biến thành động lực để xoay chuyển thế trận và giành lại chiến thắng tức thời. Chính nhờ vậy mà M.U của Ferguson đi từ thành công này đến thắng lợi khác trên nhiều mặt trận. Bây giờ, tê tái thay, mỗi thất bại lại thêm một lần làm hao tổn tinh thần, khát vọng của cả tập thể. M.U lún sâu hết khủng hoảng này đến khủng hoảng khác. Còn đâu nỗ lực gượng dậy, khí chất không đầu hàng số phận, hiên ngang đối đầu sóng gió vốn là phẩm hạnh riêng có của M.U.

Lo ngại một M.U mất dần bản sắc và vị thế hàng đầu của một thương hiệu có tiếng vang toàn cầu, nhiều người kêu gọi David Moyes rời vị trí. Chuyên gia người Scottland này thì không ngớt trấn an rằng cả đội sẽ trở lại với phẩm chất vốn có và Old Trafford thế nào cũng sẽ chứng kiến nhiều trận thắng rực rỡ, hoành tráng. Nhưng quả là ít người có đủ kiên nhẫn để tin vào những gì Moyes nói lúc này. Roy Kean, cựu đội trưởng M.U, bình luận bằng giọng cay đắng: “Muốn tìm lại giá trị xưa, M.U cần thay đổi 6-7 vị trí!”. Và điều tệ hại hơn phải chăng nằm ở chỗ này: Hình ảnh sụp đổ chóng vánh của M.U trở thành biểu tượng đi xuống của bóng đá Anh?

Vào lúc Real Madrid, Barcelona, Bayern Munich, Paris Saint Germain tô thắm sức mạnh và vẻ đẹp của bóng đá Tây Ban Nha, Đức, Pháp trên đấu trường Champions League bằng những trận thắng tươi mát, hình ảnh èo uột phiền não của M.U, Arsenal, Manchester City khắc họa cảnh sầu thảm của một nền bóng đá vốn được ngưỡng mộ hàng đầu. Ai sẽ vực dậy giá trị đang phai mờ của một làng bóng vốn được tôn vinh hay nhất trái đất?

ĐÌNH XÊ

;
.
.
.
.
.