Tối 11-3 tại Nhà hát Trưng Vương diễn ra chương trình múa cổ điển Ấn Độ do các nghệ sĩ múa thuộc Viện Hàn lâm âm nhạc và vũ kịch quốc gia Sangeet Natak biểu diễn các điệu múa đặc trưng cho các vùng miền của Ấn Độ.
Đây là một trong những hoạt động văn hóa tiêu biểu nằm trong chuỗi hoạt động Festival Ấn Độ do Bộ Văn hóa Ấn Độ, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam phối hợp với Bộ VH-TT&DL Việt Nam tổ chức.
Một điệu múa truyền thống của Ấn Độ. (Ảnh minh họa) |
Lễ hội múa cổ điển Ấn Độ là một trong ba nội dung chính nằm trong chuỗi hoạt động quảng bá về sự giao thoa văn hóa, góp phần tăng cường tình hữu nghị và đoàn kết giữa Việt Nam và Ấn Độ. Lễ hội Múa cổ điển Ấn Độ Nrityarupa diễn ra tại Đà Nẵng dịp này sẽ khái quát 6 loại hình kịch múa truyền thống của Ấn Độ gồm Bharatanatyam, Kathak, Kathakali, Odissi, Manipuri và Chhau. Đơn cử, kịch Kathakali được hình thành tại miền Nam Ấn Ðộ vào thế kỷ thứ XVII dưới sự bảo trợ của Thái tử vùng Karnataka, người đã viết lên vở kịch để biểu diễn dựa vào sử thi Ramayana bằng tiếng Malayalam, ngôn ngữ của vùng bấy giờ. Các mẩu chuyện về Ramayana và Mahabharata là nội dung chính của hầu hết các đoạn kịch Kathakali, những đoạn kịch đã được biểu diễn trong suốt ba thế kỷ. Kịch Kathakali phân loại các nhân vật dựa theo bản chất con người.
Nhân vật sẽ được trang điểm và trang phục để phù hợp với tính cách nhân vật đó. Mặt của diễn viên sẽ được trang điểm theo loại nhân vật mà mình đóng cho dù đó là người anh hùng, vua hay thần thánh. Trong đó, màu đỏ hay màu đen đại diện cho cái xấu và sự dữ dằn. Trang phục cho diễn viên nam là những chiếc váy gợn sóng rộng thùng thình với nhiều họa tiết. Biểu diễn của diễn viên nam trong vở kịch Kathakkali sẽ không có lời và lời nhạc kịch sẽ được hát bởi hai ca sĩ trên sân khấu có đệm bằng trống cymbal, hay tay trống sẽ chơi các điệu trên trống chenda, một loại trống phổ biến ở vùng Kerala Ấn Ðộ. Tình tiết của vở kịch sẽ được thể hiện qua biểu lộ trên gương mặt và các động tác cử chỉ…
Buổi biểu diễn sẽ được mở cửa miễn phí để đông đảo công chúng có thể tham dự. Đây được xem là cơ hội cho khán giả Đà Nẵng thưởng thức một chương trình nghệ thuật đặc sắc, độc đáo đến từ đất nước có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, tâm linh.
HUỲNH LÊ