LTS: Đỉnh núi nào cao nhất Đà Nẵng? Đình làng nào cổ nhất Đà Nẵng? Con sông nào có nhiều cầu nhất Đà Nẵng?... Đó là những thông tin rất lý thú thuộc dạng “kỷ lục” vốn đã được nhiều người bàn luận, từ trong công việc hằng ngày đến những buổi trà dư tửu hậu. Nhằm cung cấp kênh thông tin liên quan đến nội dung trên, kể từ số báo này, báo Đà Nẵng Cuối tuần khép lại chuyên mục Hồ sơ tên đường bắt đầu với chuyên mục Những cái nhất của Đà Nẵng.
Rất mong được sự ủng hộ của bạn đọc và cộng tác viên xa gần.
Đỉnh đèo Hải Vân là ranh giới thiên nhiên giữa hai vùng đất Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng. Tuy nhiên, tạo hóa hình như “thiên vị” với vùng đất phía nam hơn khi ban cho nơi này một vị trí thuận lợi để con người đứng ở chốn vang vọng hào khí của lớp lớp dấu chân người Việt xưa đi mở cõi này có thể nhìn bao quát thành phố tráng lệ trải mình về phía đông nam.
“Thiên hạ đệ nhất hùng quan” trên ngạch sau của cửa ải Hải Vân. Ảnh: L.G.L |
Suốt chiều dài 21km, đèo Hải Vân (còn gọi là Ải Vân quan) khi thì vắt ngang qua những ngọn núi, lúc lại nhoài mình ra sát biển, đúng như tên tiền nhân đã gọi Hải Vân - biển và mây, sóng biển vỗ chân đèo và mây mù quanh năm la đà trên đỉnh.
Theo sách Đại Nam thực lục chính biên, cửa ải Hải Vân quan được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ bảy (Bính Tuất - 1826). Cửa trước cao và dài đều 15 thước (đơn vị đo lường xưa, gọi là thước ta hay thước mộc, bằng 0,425 mét), ngang 17 thước 5 tấc, cửa sau cao 15 thước dài 11 thước, ngang 18 thước 1 tấc, cửa tò vò đều cao 10 thước 8 tấc, ngang 8 thước 1 tấc. Phía tả hữu cửa quan, xếp đá làm tường, trước sau tiếp nhau. Cả phía trước và phía sau đều đặt một cửa quan (ngạch trước viết ba chữ “Hải Vân quan”, ngạch sau viết 6 chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”.
“Thiên hạ đệ nhất hùng quan” (cửa ải hùng vĩ nhất trong thiên hạ) là đề tặng của vua Lê Thánh Tôn khi ngài dừng chân trên đỉnh đèo cao 496m so với mực nước biển này trong lần thân chinh đánh dẹp quân Chiêm hơn 700 năm trước.
Chữ vua ban là thế, nhưng ngày nay không ít người đã gọi nhầm là “Nam thiên đệ nhất hùng quan” (cửa ải hùng vĩ nhất trời Nam)! Có lẽ do vốn quen với danh hiệu “Nam thiên đệ nhất động” (bút tích của Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm khắc năm 1770 trên vách động Hương Tích, chùa Hương, nghĩa là hang động số một dưới trời Nam) mà hiện có một số bài báo, tài liệu ghi sai thành “Nam thiên đệ nhất hùng quan”. Cách ghi sai này đã vô hình trung làm giảm đi sự “hùng vĩ nhất” của Hải Vân quan trong phép so sánh.
Thêm vào đó, bên trái hàng chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” có hàng chữ nhỏ hơn “Minh Mạng thất niên cát nhật tạo” (tạo lập vào ngày tốt, năm Minh Mạng thứ bảy) nên có một số người nhầm rằng “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” là ngự phê của Thánh Tổ Nhân hoàng đế (vua Minh Mạng) trong một lần dừng chân ngắm cảnh trên đèo Hải Vân.
Sách Thiên Nam dư hạ tập chép rằng: Vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, đóng quân ở Hải Vân quan, đêm khuya không ngủ, vừa đứng ngắm núi biển, đèo, mây, nước, có câu thơ: Tam canh dạ tĩnh Ðồng Long Nguyệt/ Ngũ cổ phong thanh Lộ Hạc thuyền. (Tạm dịch: Trăng Ðồng Long ba canh đêm tĩnh/ Thuyền Lộ Hạc năm trống gió thanh). Ðồng Long là tên vùng biển nam Hải Vân bấy giờ; Lộ Hạc, theo Giáo sư Trần Quốc Vượng, là tên nước Locac thuộc bán đảo Mã Lai ngày nay, người nước này hay đi thuyền đến buôn bán và đỗ lại trong vịnh.
Từ hơn 700 trăm qua, đèo Hải Vân vẫn nổi tiếng là con đèo nên thơ, hùng vĩ, tráng lệ đẹp nhất và cũng hiểm trở nhất Việt Nam trên hành trình vào Nam ra Bắc. Cửa ải xưa qua mấy lần trùng tu nay vẫn còn trên đỉnh đèo và được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Đây được xem như một thành lũy thiên nhiên trong việc trấn giữ kinh thành Huế ngày trước, đồng thời cũng là bức bình phong phân định khí hậu giữa hai vùng đất Huế - Quảng và là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách ngày nay.
Từ tháng 6-2005, thời điểm hầm đường bộ Hải Vân được khánh thành và đưa vào hoạt động, giao thông qua núi Hải Vân đã trở nên thuận tiện, an toàn hơn rất nhiều. Các loại xe cộ qua lại đèo Hải Vân giờ rất vắng vẻ, chỉ còn lưa thưa xe máy và một ít các loại phương tiện không được phép qua hầm đi lại trên đường đèo. “Đệ nhất hùng quan” đã được đầu tư phát triển thành cung đường du lịch. Các điểm dừng nghỉ trên đèo đã được xây dựng, tạo điều kiện cho du khách dừng chân nghỉ ngơi, thư giãn khi đi vãn cảnh trên đèo. Với mặt đường còn khá tốt, đi lại dễ dàng, cảnh sắc vừa hùng vĩ vừa hiểm trở đèo Hải Vân luôn là đề tài hấp dẫn, thách thức dân du lịch bụi, dân phượt.
Đỉnh đèo Hải Vân là ranh giới thiên nhiên giữa hai vùng đất Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng. Tuy nhiên, tạo hóa hình như “thiên vị” với vùng đất phía nam hơn khi ban cho nơi này một vị trí thuận lợi để con người đứng ở chốn vang vọng hào khí của lớp lớp dấu chân người Việt xưa đi mở cõi này có thể nhìn bao quát thành phố tráng lệ trải mình về phía đông nam. Và như thế, người Đà Nẵng có quyền tự hào về cửa ải hùng vĩ thành phố mình và hùng vĩ nhất trong thiên hạ!
LÊ GIA LỘC