Cuộc thi Tuần lễ kinh doanh (Business weeks) lần đầu tiên được tổ chức tại trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng nhận được sự hưởng ứng của SV toàn trường.
Đây có thể gọi là cuộc thi “SV tự tổ chức cho SV chơi”, một cách chủ động, sáng tạo, hiện thực hóa toàn bộ ý tưởng của bản thân, của nhóm .Toàn bộ ý tưởng, kế hoạch, thể lệ do các bạn đoàn viên và thành viên của CLB Tài chính xây dựng dựa trên nhu cầu của SV.
Hoàng Tiến Quân (bìa phải) tham gia cuộc thi Kỹ năng quản lý tài chính. Ảnh: H.L |
Tuần lễ kinh doanh là cuộc thi kinh doanh thực tế, có 2 vòng, vòng sơ loại và vòng thực tế. Ở vòng sơ loại, 31 đội thi xây dựng kế hoạch kinh doanh trên khoản vốn 2 triệu đồng. 3 tuần sau vòng sơ loại, Hội đồng giám khảo chọn ra 15 đội có kế hoạch kinh doanh xuất sắc để bước vào vòng kinh doanh thực tế, gồm 3 phần thi diễn ra đồng thời: Khởi sự tinh gọn, Huy động tài ba và Quảng bá hữu hiệu. Trong vòng 10 ngày tiếp theo đó, SV tự hiện thực hóa ý tưởng bằng kế hoạch kinh doanh cụ thể.
Trong phần thi Khởi sự tinh gọn, đội xuất sắc nhất đã kinh doanh và đưa lại lợi nhuận gần 18 triệu tiền mặt; phần thi Huy động tài ba, đội đoạt giải có thời điểm đã huy động được hơn 50 triệu tiền mặt…
Hoàng Tiến Quân, SV lớp 38K07.1, khoa Tài chính ngân hàng, đồng thời là chủ nhiệm CLB Tài chính của trường, và là Phó trưởng ban tổ chức cuộc thi cho rằng: Đây thực sự là một cuộc thi có ý nghĩa thực tế, một môi trường giúp SV vận dụng những kiến thức mình được học, từ nhìn nhận nhu cầu thị trường, chọn sản phẩm thích hợp, lựa chọn chiến lược tiếp cận thị trường hiệu quả, xây dựng kế hoạch sản xuất hợp lý, và đã tính được hiệu quả của các kế hoạch.
Cuộc thi này là một bước đệm để những SV tài năng thỏa mãn được khát khao kinh doanh. Giúp SV hình dung được kinh doanh thực tế nó khắc nghiệt như thế nào.
Thời gian qua, ĐH Kinh tế Đà Nẵng còn tổ chức các cuộc thi Nhà hoạch định tài chính triển vọng, Kỹ năng quản lý tài chính, yêu cầu SV giải quyết những tình huống được dựng sẵn. Nó là tình huống thực tế chứ không còn là trên giảng đường.
Đây là cuộc thi rất có ích cho những bạn theo học các chuyên ngành tài chính, ngân hàng, bởi trong quá trình tham gia cuộc thi, ngoài kiến thức có sẵn, SV phải tìm hiểu và trau dồi nhiều kỹ năng, tiếp cận với những quy định, luật lệ mà nền kinh tế đang dùng. Ngoài ra, cuộc thi Sàn giao dịch chứng khoán ảo FESE 11 là cuộc thi chứng khoán dành cho SV được tổ chức bởi FESE Group thuộc trường đại học Kinh tế - Luật TP. Hồ Chí Minh, dành cho SV yêu thích tài chính chứng khoán trên cả nước.
Cuộc thi giúp các bạn củng cố kiến thức, kỹ năng và hiểu biết cơ bản; để SV biết được cách tham gia chứng khoán, cách thức tham gia thị trường và một số kỹ thuật trong quá trình đầu tư, phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật. Đồng thời được các công ty chứng khoán chia sẻ kinh nghiệm mà những người trong nghề đã gặp và trải qua; một số bài học kinh nghiệm mà nhà đầu tư cần chú ý khi tham gia vào thị trường...
Có thể nói là trong số những cuộc thi phát triển ý tưởng của SV, SV khối ngành kinh tế có thể tham gia nhiều cuộc thi hơn các khối ngành sư phạm, kỹ thuật hay xã hội. Bởi từ ý tưởng đến triển khai kinh doanh thực tế thì rõ ràng thời gian tham gia cuộc chơi vẫn nhanh hơn, không cần nhiều đến máy móc hay dụng cụ hỗ trợ nghiên cứu.
Mới đây, Đoàn trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng phát động cuộc thi “SV với khoa học công nghệ - phục vụ biển đảo” nhằm mục đích nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho SV cũng như hiện thực hóa các sản phẩm nghiên cứu có giá trị để phục vụ cho cuộc sống biển đảo. Đây cũng là sân chơi nhằm tôn vinh các công trình nghiên cứu khoa học có giá trị thực tiễn. Hy vọng cuộc thi sẽ có những sản phẩm mang tính hiệu quả thực tiễn, góp phần giúp cho đời sống cư dân biển đảo ngày càng được cải thiện.
Hầu hết các bạn SV đều cho rằng SV ở Đà Nẵng cũng như miền Trung chưa theo kịp SV hai đầu đất nước về sự năng động, cách làm việc cũng như một số kỹ năng khác, một phần do từ môi trường sống và một phần do ở nhận thức của các bạn. Khi tham gia các cuộc thi, SV rất nhiều trường tham gia một cách hứng khởi, không kể là các bạn đang học ngành kinh tế, kỹ thuật hay sư phạm, và cũng không giới hạn các bạn đến từ trường đại học hay cao đẳng. Phải chăng môi trường, kiến thức trên giảng đường chưa đáp ứng đủ và đúng nhu cầu của SV. Nên khi gặp các cuộc thi, các sân chơi đáp ứng nhu cầu, kích thích SV phát triển bản thân, tăng tính chủ động thì ban tổ chức các cuộc thi nhận được rất đông phiếu đăng ký tham gia.
Muốn SV được hoàn thiện, trước mắt phải tạo điều kiện xây dựng được một môi trường thực sự tốt và có tính cạnh tranh. Đồng thời phải xây dựng các cuộc thi, các chương bắt nguồn từ nhu cầu của SV chứ không phải theo những hình thức rập khuôn, áp dụng nữa. Có như vậy mới kích thích được sự sáng tạo của các bạn trẻ.
Mới đây, TT Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng triển khai chương trình “100 hạt giống doanh nhân Đà Nẵng”, với mục đích tuyển chọn, tài trợ và hướng nghiệp cho SV năm cuối các trường thuộc ĐH Đà Nẵng; có ý tưởng khởi nghiệp xuất sắc nhằm ươm mầm doanh nghiệp và hình thành một thế hệ doanh nhân tiềm năng cho thành phố. Có lẽ đây là một trong số ít các cuộc thi có hỗ trợ về tài chính cho SV có đề tài, ý tưởng, có sản phẩm, có giải pháp sáng tạo và có thể áp dụng vào thực tiễn. Hy vọng những hỗ trợ từ nhà trường, doanh nghiệp sẽ tạo những cú hích để ý tưởng của SV không chỉ là ý tưởng…
HIỀN LƯƠNG