Giống như món ăn, càng đọc càng... ghiền, bởi Gạo, nước mắm, rau muống viết về món ăn, mà những món ăn ngon, hấp dẫn thì luôn hút khách.
Cầm trên tay tập tản văn Gạo, nước mắm, rau muống của Hoàng Trọng Dũng vừa được NXB Trẻ ấn hành cuối tháng 10, tưởng như ông vẫn còn sống, đều đặn viết những bài về câu chuyện ẩm thực Việt trên báo Đà Nẵng Cuối tuần gần 2 năm trước. Đọc văn của ông và thấy thật kỳ lạ, ông được đào tạo thành một kỹ sư đầu máy xe lửa tại Rumani, làm việc trong ngành đường sắt, nhưng niềm đam mê văn chương thì như đã ngấm vào máu. Bởi thế Hoàng Trọng Dũng viết khá nhiều, không ngại thử thách mình qua các thể loại văn học như thơ, tản văn, tùy bút, truyện ngắn và đã in được 5 đầu sách.
Trong mạch văn của Hoàng Trọng Dũng, mảng viết về ẩm thực Việt chiếm một phần khá lớn. Có thể do nhiều nguyên cớ, nhưng lần theo trang viết của ông thì có thể nguyên cớ duy nhất là tình yêu ông dành cho người mẹ của mình. Ngay những dòng đầu tiên của tập tản văn này, ông viết “Mẹ tôi là người nấu ăn ngon”, “Mẹ tôi không phải có Nghề nấu ăn mà là có Tài nấu ăn... Mẹ tôi đã đem đến cho tôi những ấn tượng, đã gieo vào tâm tưởng tôi những thắc mắc...
Mẹ tôi như thế đã là một thầy giáo giỏi, còn tôi, suốt đời vẫn còn vỡ lòng trước nền ẩm thực Việt Nam”. Người mẹ đã không chỉ cho ông hình hài, cho ông một tâm hồn nghệ sĩ, người mẹ đã gieo vào lòng con tình yêu với ẩm thực Việt. Qua bà, ông cảm nhận ra món ăn Việt. Theo ngày tháng, tình yêu đó lớn lên, đến độ ông không thể không viết ra, không thể không chia sẻ.
Cố nhiên, viết về một nền ẩm thực, không thể chỉ có tình yêu. Hoàng Trọng Dũng đã nghiên cứu, học hỏi, am hiểu sâu sắc về ẩm thực Việt, về cách chế biến món ăn Việt, về cách thưởng thức món ăn của người Việt. Và những đoạn văn miêu tả sinh động về các món ăn, cách chế biến món ăn, cách ăn... nối tiếp nhau, khiến người đọc đôi khi phải dừng lại ngẫm nghĩ, tưởng tượng món đó như thế nào, thậm chí... ứa nước miếng vì thèm, chỉ muốn tìm ngay món đó để ăn cho thỏa cơn thèm.
Như ông viết về món bún ốc “Nếu nghệ thuật nấu ăn suy cho cùng là nấu thế nào chứ không phải là nấu cái gì, thì bún ốc đạt tới trình độ giáo khoa. Một rổ ốc vài ngàn bạc. Bỗng rượu là sản phẩm tận dụng sau quá trình nấu rượu. Tương ớt, khế, cà chua... toàn những thứ tầm tầm. Nhưng khi chúng rủ nhau họp mặt trong bát bún... Trời ơi, mới nhắc thôi, đã ứa nước miếng... Ăn bún ốc là ăn cái béo mượt mà của con ốc, cái cay xé lưỡi của ớt, cái chua thanh của bỗng, cái chua sắc của khế. Ăn bún ốc là ăn không chuyện trò, vừa ăn vừa xuýt xoa, vừa đổ mồ hôi lấm tấm. Thật đáo để bún ốc. Thật đáng đời cái miệng thèm ăn”.
Không dừng lại ở sự hiểu biết về món ăn, Hoàng Trọng Dũng đã đẩy tình yêu với ẩm thực đến một tầng mức khác. Đó là những kết luận có tính khái quát về một nền ẩm thực, về sự khéo léo, phù hợp trong chế biến, sử dụng nguyên liệu của những đầu bếp giỏi.
Như chuyện về đôi đũa: “Thay vì lỉnh kỉnh những dao, những muỗng, những nĩa, trong tay chỉ có một đôi đũa... Tôi có thể xới, có thể gắp, có thể dẽ, có thể và... tất cả những món mình thích. Cái dụng cụ tôi sáng chế ra đang phục vụ tôi, phục tùng ý muốn của tôi tại bất cứ thời điểm nào của bữa ăn. Có phải, một nền Văn hóa ăn đã được đánh dấu trong đôi đũa thiên tài”. Hay nói đến vị thế của gia vị: “Chưa biết chừng gia vị còn quan trọng hơn thực phẩm chính của món ăn... Gia vị, đó là phần hồn của món ăn Việt”. Là sự gia giảm nước, gia giảm thời gian cho từng loại gạo, từng loại nồi khi thổi cơm: “Phương Đông luôn co giãn, mềm mại, uyển chuyển, luôn có những khoảng trống cực kỳ quan trọng cho mỗi con người, một cộng đồng, cho sự ứng xử với vạn vật xung quanh”.
Và khi nhấn đến những thực phẩm gần gũi với mỗi gia đình Việt là gạo, nước mắm, rau muống, cũng là tên của tập tản văn, ta mới hiểu hết điều sâu xa mà Hoàng Trọng Dũng muốn gửi gắm đến bạn đọc, đó là “phẩm chất vĩ đại nhất của nghệ thuật ẩm thực Việt Nam là ở chỗ tạo nên những món ăn đặc sắc từ những nguyên liệu thông dụng, rẻ tiền”. Các món ăn của mọi miền đất nước trở nên chan chứa, đầm ấm trong những gia đình hạnh phúc. Khi người nội trợ là mẹ, là vợ nấu ăn, không chỉ thể hiện tay nghề của mình, họ muốn gửi gắm tất cả tình yêu thương dành cho người thưởng thức món ăn đó.
Câu chuyện ẩm thực của Hoàng Trọng Dũng đã trở thành câu chuyện văn hóa ẩm thực. Như nhận xét của NXB Trẻ là “Những câu chuyện bên lề, những liên tưởng độc đáo, những ca dao, tục ngữ được đặt đúng chỗ trong các diễn giải, không những giúp làm rõ hơn ý hướng của người viết mà còn đem lại cho ý hướng ấy sự thấm thía, thuần nhã, gần gặn”.
HOÀNG NHUNG
(*) Đọc Gạo, nước mắm, rau muống… của Hoàng Trọng Dũng, NXB Trẻ, quý 3-2014.