.

Hành trang cho ngày tốt nghiệp

.

1. Câu chuyện có thật được các giáo viên ở một trường THPT của thành phố bàn tán với nhau, là có giáo viên mới được tuyển dụng nhờ mẹ dẫn đến gặp lãnh đạo nhà trường để làm thủ tục nhận công tác.

Những sân chơi sáng tạo giúp sinh viên tự tin, năng động, thích nghi với môi trường công việc khi ra trường. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Những sân chơi sáng tạo giúp sinh viên tự tin, năng động, thích nghi với môi trường công việc khi ra trường. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Điều họ băn khoăn, là sau 4 năm được đào tạo trong môi trường đại học, nhất là ngành sư phạm, nhưng bạn trẻ ấy lại không đủ tự tin và các kỹ năng cần thiết cho việc nhận công việc ở môi trường mới. Câu hỏi đặt ra là bạn trẻ ấy sẽ truyền đạt những gì ngoài kiến thức cho học sinh của mình, khi mà bản thân họ cũng chưa trang bị những kiến thức, kỹ năng giao tiếp cơ bản trong cuộc sống ngoài nhà trường.

Câu chuyện đó cũng đặt ra vấn đề, các cơ sở đào tạo ở cấp sau phổ thông trang bị những gì cho đội ngũ kỹ sư, cử nhân…, thậm chí cả thạc sĩ, về khả năng tìm việc làm sau khi ra trường, trong thích nghi với công việc và cuộc sống. Tìm hiểu về chương trình đào tạo bậc sau phổ thông cho thấy, việc trang bị kiến thức theo mô thức cũ “thầy đọc – trò chép” vẫn còn tồn tại trong tâm thức của thầy trò và trong thực tế tại giảng đường; mặc dù các trường cũng đã có ý thức rõ ràng hơn trong việc đổi mới cung cấp kiến thức, việc đào tạo chuyển mạnh mẽ sang hình thức tín chỉ…

Điều dễ dàng phân biệt nhất trong đào tạo sau phổ thông ở nước ta so với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, không phải ở việc cung cấp kiến thức mà là việc xây dựng ý thức tự chủ, tự học – nói chung là tập làm quen với việc “tự quản lý đời mình” cho sinh viên. Một bạn trẻ được đào tạo từ nước ngoài cho biết, nhiều sinh viên từ môi trường đào tạo trong nước ra nước ngoài thường bị ngỡ ngàng, không phải do trình độ ngoại ngữ, mà chính là do thay đổi đột ngột về phương thức đào tạo. Nếu ở trong nước, thầy cần sinh viên đến lớp thì ở các cơ sở đào tạo nước ngoài, chính sinh viên là người chủ động tìm đến với thầy.

2. Chính sự thụ động trong tư duy dẫn đến thụ động của bạn trẻ trong tiếp thu và vận dụng kiến thức, trong tổ chức cuộc sống ở giảng đường - “cửa ngõ” để họ bước ra cuộc sống. Điều đó cũng lý giải một hiện tượng là sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng thất nghiệp ngày càng đông. Mới đây, chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, một đại biểu Quốc hội nêu con số qua khảo sát quý 2-2014 cho thấy có khoảng 147.000 sinh viên sau tốt nghiệp không có việc làm, đến quý 3 thì cộng thêm 27.000 người nữa…

Đại biểu này cho rằng, đã đào tạo nhưng lại không tham gia thị trường lao động thì không chỉ là nỗi lo của nhà quản lý mà cả bức xúc của phụ huynh và cao hơn hết là lãng phí, là bất ổn trong đời sống xã hội. Theo con số mà Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố báo cáo tại buổi làm việc với Ban Văn hóa – Xã hội HĐND thành phố mới đây, có hơn 4.400 học sinh, sinh viên tốt nghiệp chưa có việc làm; trong đó có 18 thạc sĩ, 1.950 người có trình độ đại học, 1.676 cao đẳng và 770 trung cấp.

Bỏ qua khía cạnh quy hoạch đào tạo bất hợp lý, bất cập giữa đào tạo và nhu cầu thị trường lao động… thì việc sinh viên được đào tạo nhưng chưa chuẩn bị các kỹ năng cần thiết để hòa nhập cuộc sống, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, nhà tuyển dụng, sử dụng lao động… dẫn đến tình trạng thất nghiệp là vấn đề đáng bàn. Đặc biệt, hiện nay xuất hiện tình trạng sinh viên sau tốt nghiệp cao đẳng, đại học vì chưa sẵn sàng làm việc hoặc không đủ khả năng tìm việc làm thì đi học tiếp lên cấp cao hơn, khiến cho tỷ lệ người thất nghiệp, chưa có việc làm có trình độ cao ngày càng lớn!

Nhiều bạn trẻ được bao bọc trong sự chu cấp đầy đủ từ tiện nghi cuộc sống đến cả định hướng, lựa chọn nghề nghiệp nên chưa sẵn sàng cho việc hòa nhập cuộc sống, chuẩn bị lối vào đời cho bản thân mình. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp, chưa có việc làm của một bộ phận bạn trẻ sau tốt nghiệp đại học, cao đẳng như hiện nay.

3. Trong quá trình đổi mới giáo dục toàn diện, bên cạnh việc quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo sau phổ thông một cách hợp lý, liên kết đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động, nâng cao khả năng dự báo thị trường lao động… thì vấn đề quan trọng không kém chính là chuẩn bị một hành trang tương đối đầy đủ cho các bạn trẻ trước ngày ra trường.

Ngoài việc xây dựng ý thức làm chủ thực sự của sinh viên, nhà trường và các đoàn thể trong và ngoài nhà trường phải phát huy vai trò của mình trong tổ chức các hoạt động xã hội, cộng đồng để sinh viên tự tin, tham gia tích cực, chủ động vào các hoạt động đó; lồng ghép với những chương trình đào tạo kỹ năng thích ứng cuộc sống, công việc, kể cả giải quyết khủng hoảng tâm lý… cho sinh viên. Vấn đề cũng cần quan tâm chính là thay đổi tư duy cho bạn trẻ, rằng sẽ không có cơ hội việc làm nào khi chính bạn không sẵn sàng cho việc đi tìm kiếm cơ hội việc làm và thích ứng nhanh với việc làm; nhất là khi tư duy có sẵn việc làm từ quan hệ của gia đình, người thân hoặc “chạy việc” bằng tiền… vẫn tồn tại khá phổ biến hiện nay.

Xin được dẫn lời tâm sự của La Văn Ngọ, thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc Trường Đại học Giao thông vận tải, sau một thời gian thất nghiệp đã được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tuyển dụng đặc cách (Tuổi Trẻ ngày 23-11-2014) rằng: Thực tế, trường đại học nơi tôi theo học rất tạo điều kiện để sinh viên có thể trang bị thêm những kỹ năng mềm, nhưng ở những thời điểm nhất định, không phải sinh viên nào cũng hiểu hết ý nghĩa của những kỹ năng có giá trị bổ sung cho công việc chuyên môn của mình sau này. Có lẽ không nên dành thời gian quá nhiều để đổ tại nguyên nhân này, nguyên nhân khác khiến mình không có được công việc như ý nếu như chính mình không dành thời gian để nỗ lực và chứng minh nỗ lực của mình”.

NGUYỄN THÀNH

;
.
.
.
.
.