Thi sĩ Kiên Giang là tác giả những bài thơ nổi tiếng Hoa trắng thôi cài lên áo tím, Tiền và lá, Ngủ bên chân mẹ,… Ông cũng là soạn giả của những vở cải lương quen thuộc như Áo cưới trước cổng chùa, Người vợ không bao giờ cưới, Lưu Bình - Dương Lễ, Trương Chi - Mỵ Nương và hàng trăm bản vọng cổ. Như người bạn văn tâm giao Sơn Nam và thi sĩ đàn anh Nguyễn Bính, Kiên Giang cả một đời phiêu bạt sống rày đây mai đó, cho đến khi trái tim đột ngột ngừng đập trên đường “hành hiệp”...
Thi sĩ Kiên Giang trong một lần lên thăm mộ nhà văn Sơn Nam ở Bình Dương. Giờ ông đã được yên nghỉ bên cạnh bạn như ý nguyện. |
Ở tuổi 86, với chiếc áo khoác trắng quen thuộc, thi sĩ - ký giả Kiên Giang đĩnh đạc đến Hội Nhà báo
TP. Hồ Chí Minh dự kỷ niệm 40 năm Ngày Ký giả ăn mày, được tổ chức giữa tháng 10 vừa qua. Đây là sự kiện quan trọng ở Sài Gòn trước đây mà ông là một trong những lãnh đạo chủ chốt xuống đường chống lại Sắc luật 007 của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu áp dụng “bàn tay sắt” siết chặt báo chí, khiến cho nhiều tờ báo bị tịch thu phải đóng cửa, các chủ báo bị phạt và tù đày, khoảng 70% người làm báo bấy giờ bị thất nghiệp.
Mấy năm gần đây, thi sĩ Kiên Giang quyết định dừng bước lãng tử, về thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang để an dưỡng cuối đời. Sau lễ kỷ niệm Ngày Ký giả ăn mày, thi sĩ Kiên Giang về lại Long Xuyên. Tình cờ đọc báo thấy tin một bé sơ sinh bị đánh rơi ngoài đường do cha mẹ tử nạn, ông đã gom chút tiền hưu và thêm tiền của con gái ông cho được 5 triệu đồng, quyết định quay lên Sài Gòn để góp phần giúp đỡ em bé. Thế nhưng vừa tới thành phố, chưa kịp thực hiện ý định, thì ông bị đột quỵ giữa lúc đang ngồi viết thư vào một chiều cuối tháng 10. Ông được người nhà của cố nhà báo Phong Vân đưa vào cấp cứu, nhưng trái tim nhân ái của ông đã ngừng đập trong sự tiếc thương của đông đảo bạn bè văn nghệ sĩ và người hâm mộ...
Cuối thập niên 1980 đầu 90, khi tôi mới bước vào làng cầm bút ở Sài Gòn, thi sĩ Kiên Giang là một trong những người đầu tiên tôi may mắn được tiếp xúc.
Được trò chuyện với những bậc tiền bối như ông bao giờ cũng là điều thích thú với tôi. Và thi sĩ Kiên Giang là một người mà khi được hầu chuyện đã mở ra cho tôi cả pho tư liệu quý giá về một thời kỳ đầy biến động của Sài Gòn và Nam Bộ, trong đó có những câu chuyện thú vị về con đường sáng tác lẫn cuộc sống di động phong phú của ông, về những mối quan hệ khi vui khi buồn mang tính “thâm cung bí sử” ở hậu trường văn nghệ từ bưng biền đến thành thị.
Ông là người dễ gần, xởi lởi, hòa đồng, giàu lòng vị tha, nhân ái, có trí nhớ tốt và một sức sống, sáng tạo bền bỉ, luôn kiên trì con đường, sở thích mà mình chọn lựa. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào ông cũng sáng tác, và dù cuộc sống gặp không ít khó khăn nhưng ông vẫn luôn tìm cách giúp đỡ những người khó khăn hơn mình.
Kiên Giang là người đa tài, đa năng, đa tình. Khi làm thơ, ông lấy bút danh Kiên Giang, còn viết báo hay soạn tuồng cải lương, vọng cổ thì ký Hà Huy Hà, nhưng tên thật của ông là Trương Khương Trinh, sinh ngày 17-2-1929 tại Xẻo Đước, làng Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Rạch Giá, nay thuộc tỉnh Kiên Giang. Cái làng Đông Thái xa xôi hẻo lánh ấy lại sinh ra hai nhân vật tiêu biểu cho văn chương Nam Bộ là Sơn Nam và Kiên Giang. Và cũng giống như người bạn đồng hương Sơn Nam, tên tuổi Kiên Giang nổi lên trong đời sống văn học Sài Gòn và miền Nam từ năm 1955, dù trước đó trong bưng biền chống Pháp họ đã bắt đầu sáng tác.
Nhà văn Sơn Nam trong các tác phẩm của mình hay kể về cái làng Đông Thái quê hương quanh năm hiu hắt như ngọn đèn dầu mù u và thường bị bọn hải tặc lộng hành, nhưng ông cũng tự hào là cái làng ấy sản sinh một con người tài hoa, nghĩa khí như Kiên Giang - Hà Huy Hà. Ngược lại, thi sĩ Kiên Giang cũng luôn dành cho nhà văn Sơn Nam những tình cảm trân trọng về tài năng và nhân cách. Đối với ông, văn học sử Nam Bộ ở thế kỷ XX khó có ai vượt qua được tầm vóc đồ sộ của Sơn Nam. Sinh cùng làng, thành danh cùng lượt, sống trọn tình cùng nhau gần cả thế kỷ, khi trở về cát bụi hai bậc trưởng thượng Sơn Nam- Kiên Giang lại được nằm cạnh bên nhau tại Nghĩa trang Hoa viên Chánh Phú Hòa ở tỉnh Bình Dương, tha hồ hàn huyên ở thế giới bên kia. Hạnh phúc ấy mấy ai có được!
Nếu như nhà văn Sơn Nam là bạn chí cốt thì thi sĩ Nguyễn Bính là bậc thầy có nhiều ảnh hưởng đến con đường thi ca của Kiên Giang. Năm 1946, vì nạn cướp biển mà gia đình ông phải rời làng tản cư lên Rạch Giá. Một sáng nọ ông nghe một bạn học nói có nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Bính từ ngoài Bắc vào đang ở xóm biển sau đình anh hùng Nguyễn Trung Trực. Mừng quá, ông liền đi tìm thần tượng. Lần gặp đầu tiên ấy, thi sĩ Nguyễn Bính đã tặng cho bạn thơ trẻ Kiên Giang bốn câu thơ:
“Có những dòng sông chảy rất mau
Nhớ chi nghĩa bến với duyên cầu
Lá vàng hoa đỏ trôi không kịp
Lưu lạc ai ngờ lại gặp nhau”
Thương đàn anh không chốn dung thân, Kiên Giang tìm đến căn nhà bỏ trống của người giữ sân banh để cho Nguyễn Bính tạm tá túc, rồi tìm cách giúp đỡ ông trong thời gian phiêu bạt khó khăn. Những ngày nương náu ở đây, thi sĩ Nguyễn Bính đặt cho nơi tạm trú bằng cái tên thơ mộng là Mộc Kiều Trang và dán trước cửa mấy câu thơ:
“Từ dạo về đây sống rất nghèo
Bạn bè chỉ có gió trăng theo
Những phường phú quý xin đừng đến
Hãy để thềm ta xanh sắc rêu”.
Về sau, khi lên Sài Gòn mưu sinh, bực mình một tay cò (cảnh sát) hàng xóm hay sang dở trò, Kiên Giang cũng đã dán bài thơ ấy của Nguyễn Bính trước cửa và sửa lại câu thứ ba thành “Những thằng bất nghĩa xin đừng đến”!
Nói đến Kiên Giang là mọi người nhớ ngay đến hai bài thơ nổi tiếng Hoa trắng thôi cài lên áo tím và Tiền và lá. Riêng tôi lại thường nhớ tới ông với bài thơ Ngủ bên chân mẹ mà tôi may mắn đọc khi còn bản thảo và sau đó được bạn đọc tạp chí Kiến thức Ngày nay bình chọn là bài thơ hay nhất của năm 1992. Một bài thơ viết theo lối cổ điển rất xúc động, biểu hiện nỗi lòng của người con lớn tuổi nhân dịp tết trở về quê thăm mẹ đang gần đất xa trời.
Ông nằm bên chân mẹ như “Một cổ thụ già bên gốc khô” mà nghe ký ức ngược dòng thời gian hơn nửa thế kỷ trước với bao kỷ niệm đẹp đẽ xót xa “Suốt đêm nước mắt trào bên gối”, rồi sợ khi xa mẹ thì “Biết còn mấy tết, bao mùa bấc/ Còn ngủ bên chân mẹ nữa không!”. Bây giờ chắc ông đã gặp lại mẹ và được ngủ bên chân mẹ vĩnh viễn nơi suối vàng.
PHAN HOÀNG