Ba bạn trẻ cùng lớn lên ở xóm nghề biển, chứng kiến những khổ cực của cha mẹ và những ngư dân khi vất vả kéo lưới câu bằng tay, khiến tay thường xuyên bị trầy xước và nhiễm trùng, đã cùng nhau sáng chế ra máy tời thu câu.
Nhóm anh Hoàng với chiếc máy tời thu câu dành cho ngư dân. Ảnh: K.O |
Đó là Lê Văn Hoàng (29 tuổi), Nguyễn Văn Xuân (31 tuổi) và Phan Thành Nhân (29 tuổi), cùng ở phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà. Cả ba cùng học nghề cơ khí, ra trường và mở một cơ sở cơ khí nhỏ gần nhà.
Trước đây, Hoàng hay đi biển cùng với gia đình, chứng kiến ba mình mỗi lần thu lưỡi câu rất cực. Với những dây câu có từ 5.000 – 10.000 lưỡi câu có chiều dài từ 18-36 km thì thời gian thu câu phải mất từ 8-9 giờ đồng hồ mới xong.
Từ những trăn trở làm gì để giúp cho những lao động nghề cá ở địa phương mình bớt nặng nhọc, vất vả và hạn chế những rủi ro có thể xảy ra, vào tháng 3-2014, anh Hoàng và hai người bạn đã nghiên cứu sáng chế máy tời thu câu, ứng dụng cho nghề câu cá đáy. Đây là nghề truyền thống lâu đời của ngư dân vùng biển, câu các loài cá nằm ở đáy biển như cá lượng, cá đổng, cá hồng, cá song, cá dưa, cá hố, cá lạc… Hoàng cho biết: “Mình ấp ủ ý tưởng làm cái máy thu lưỡi câu này hơn 3 năm và rủ hai bạn cùng nhau góp vốn, góp ý tưởng. Lắp ráp cái đầu tiên và đạt kết quả tốt, giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian”.
Thời gian qua, nước ta áp dụng công nghệ khai thác đánh bắt cá ngừ đại dương do Nhật Bản chuyển giao, nhưng chỉ phù hợp với nghề câu cá ngừ đại dương. Thiết bị thu dây câu của Nhật không phù hợp với những tàu có công suất vừa và nhỏ, giá thành cao, dây câu dễ bị xoắn lại khi sử dụng. Ước muốn của Hoàng, Xuân và Nhân là “sáng chế máy tời thu câu này phù hợp với những tàu vừa, nhỏ và phù hợp với túi tiền của ngư dân” (giá thành của máy tời thu câu này hiện là 35 triệu đồng/máy).
Ông Phạm Văn Lên, chủ tàu cá ĐNa 37106 TS làm nghề câu cá lạc và cá hố, ngư dân đầu tiên ứng dụng máy tời thu câu cho biết, qua 6 tháng sử dụng máy kéo câu, máy phát huy hiệu quả khá tốt. Bộ dây câu của ông có 7.000 lưỡi câu, dài khoảng 20km, thời gian kéo câu tiết kiệm được từ 2,5 giờ - 3 giờ đồng hồ. Nhờ có máy nên khi thu hoạch sản phẩm, việc phân công lao động trên tàu nhẹ nhàng hơn, không bị tai nạn lao động như khi kéo câu bằng tay. Ngoài những ưu điểm trên, khi có máy tời thu câu, ngư dân có thể đầu tư thêm lưỡi câu để nâng cao sản lượng, nâng cao thu nhập và sẽ có vốn tích lũy được nhiều hơn, từ đó nâng cao công suất máy cũng như cải hoán nâng cấp con tàu to hơn để vươn khơi.
Chưa dừng lại máy tời thu câu đầu tiên, nhóm anh Hoàng từng bước hoàn thiện những khuyết điểm từ máy thứ nhất như tổng khối lượng trên máy còn nặng nề, sử dụng nguồn điện trên tàu chưa được ổn định… Nhóm tiếp tục cho ra đời chiếc máy thu câu thứ 2 và đưa vào sử dụng trên tàu ĐNa 36271 TS của ông Lê Em. Máy thứ 2 ưu việt hơn máy thứ nhất khi tổng khối lượng còn lại 4-5 kg, nặng chỉ một nửa so với máy cũ; chạy bằng dầu thủy lực nên ổn định hơn, có bộ phận điều khiển thu nhanh, chậm. Ông Em cho biết, trước đây, mỗi lần bủa lưới vây với chuyến biển 4, 5 ngày chỉ đạt năng suất 4-5 tạ cá. Bây giờ cùng thời gian đó, có khi ông thu được gần 1 tấn cá do thời gian kéo câu rút ngắn lại.
Mới đây, chiếc máy tời thu câu cho nghề câu cá lạc, cá hố của Hoàng và nhóm bạn dự thi “Cuộc thi sáng tạo kỹ thuật” toàn quốc và lọt vào top 173 sản phẩm tiêu biểu; được Cục sở hữu trí tuệ công nhận là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực ngư nghiệp.
Ông Bùi Sửu, Chủ tịch Hội Nông dân phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà cho rằng, sáng tạo của Hoàng cùng hai người bạn đã giúp rất nhiều cho ngư dân trong việc khai thác hải sản. Mong các ngành chức năng tiếp tục hỗ trợ để nhóm thanh niên này có thể sáng tạo hơn nữa trong việc chế tạo máy tời thu câu.
KIM OANH