.

Bình yên qua mùa bão

.

Hình ảnh những người phụ nữ nghèo bám víu vào nhau ngồi giữa một “bãi chiến trường” tan hoang sau bão, trên là bầu trời trống hoác, dưới là bao nhiêu thứ đổ sụp, bê bết không cứu vãn được, đã trở thành điều gì đó không thể quên trong tôi kể từ sau cơn bão số 9 năm 2009, và trước đó là bão Xangsane 2006 quét qua Đà Nẵng. Mỗi khi nghe tin sắp có thêm bão giật cấp 14, 15, những “thước phim cũ” của mấy năm trước lại như tua chậm trở về đầy ám ảnh.

Ngôi nhà chống bão của chị Lê Thị Hoài ở phường Mân Thái, quận Sơn Trà. (Nguồn: NDĐT)
Ngôi nhà chống bão của chị Lê Thị Hoài ở phường Mân Thái, quận Sơn Trà.

Tuy vậy, mấy hôm nay, kèm với tin tức diễn biến cơn bão siêu mạnh Hagupit đang tiến vào Việt Nam, chúng ta lại được đón nhận một thông tin dễ chịu hơn rất nhiều, đó là việc dự án “Nhà ở chống bão vì một thành phố có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu” của Đà Nẵng vừa được Ban thư ký Công ước khung Liên Hợp Quốc (UNFCCC) công bố nhận Giải sáng kiến năm 2014.

Trong khuôn khổ cuộc thi Momentum for Change (Thúc đẩy sự thay đổi) tại thành phố Bonn (Đức), dự án “Nhà ở chống bão vì một thành phố có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu” lọt vào nhóm 12 sản phẩm nổi bật nhất dành Giải sáng kiến năm. Đặc biệt, dự án này còn được đánh giá là một trong 12 ứng dụng thực tiễn nhất thích ứng với biến đổi khí hậu.

Dự án nhà ở chống bão  do Sở Ngoại vụ, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng phối hợp với Viện Nghiên cứu chuyển đổi môi trường và khí hậu (ISET - Mỹ) thực hiện và được Quỹ Rockefeller (Mỹ) tài trợ với tổng kinh phí gần 420.000 USD. Dự án bắt đầu từ năm 2011 bằng việc lập một quỹ tín dụng quay vòng để giúp 425 hộ nghèo và cận nghèo (ưu tiên hộ phụ nữ đơn thân) vay vốn xây dựng, sửa chữa nhà ở theo kỹ thuật nhà chống bão.

Các hộ dân tham gia chương trình sẽ được sở hữu ngôi nhà theo sở thích trong điều kiện cân đối giữa số tiền tích góp cá nhân với tiền vay hỗ trợ từ chương trình. Vì vậy, về hình thức, các ngôi nhà không rập khuôn một kiểu. Tuy nhiên, khả năng chống chịu bão phải có độ an toàn như nhau thông qua sự tư vấn, thiết kế kỹ thuật miễn phí.

Điều thực sự khiến chúng ta an lòng không phải là có được một thành tích liên quan đến chuyện chống bão. Thực tế khảo sát qua 3 năm cho thấy, đến nay tất cả 360 ngôi nhà thuộc dự án này đã “chống chịu” an toàn qua những cơn bão mạnh.

Tôi muốn chia sẻ những dòng đã đọc được trên bảng khảo sát của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng như sau: “Nhà hộ Lưu Thị Kim Hoàng - P. Thọ Quang - Hiện trạng: Nhà đã xây lâu năm, không có yếu tố chống bão; tường mỏng, yếu và bị ẩm mốc; xà gỗ mục, tôn cũ bị dột nát; nhà không có hệ giằng với tường ngang và tường dọc; mỗi khi có bão, gia đình phải di dời tới nơi khác để trú tránh.

Giải pháp: Xây mới, mở rộng một phần nhà trên, diện tích 30 mét vuông; đúc hệ giằng đính tường ngang và dọc; đúc sê-nô mái bằng bê-tông cốt thép; lắp xà gồ neo vào hệ giằng đính tường; lợp mái tôn, đóng la-phông, dùng thanh thép chằng tấm tôn; thay toàn bộ cửa”.

Kèm theo đó là hình ảnh hai căn nhà trước và sau khi xây dựng lại. Thật xúc động khi đọc những dòng ngắn gọn và tưởng chừng khô khan này. Bởi chúng ta biết rằng, sau đó sẽ là một ngôi nhà kiên cố, an toàn đúng nghĩa chỗ che mưa, che nắng cho một gia đình.

Làm cho những con người nghèo khổ, yếu ớt cảm thấy bình yên và thực sự được an toàn trong chính ngôi nhà của mình mỗi mùa mưa bão, đó có thể nói là giải thưởng lớn nhất mà dự án “Nhà ở chống bão vì một thành phố có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu” đạt được. Không một căn nhà nào được thiết kế theo tiêu chuẩn dự án bị hư hỏng nặng khi có bão đi qua trong những năm vừa rồi, là một kết quả đủ yên tâm, để tiếp tới Hội Liên hiệp Phụ nữ đề nghị thành phố nhân rộng mô hình này đến với những hộ dân khó khăn, vùng ven biển.

Bình yên qua mùa mưa bão giờ đây không chỉ là lời cầu nguyện suông, mà đã trở thành điều thực tế với hàng trăm gia đình nghèo trên địa bàn thành phố. 360 căn nhà đã xây dựng trong kế hoạch 425 căn của dự án, vẫn là con số nhỏ so với thực trạng nhà cửa trên một mảnh đất thường xuyên hứng chịu bão lớn như Đà Nẵng. Nhưng như đã nói, mô hình này sẽ còn được nhân rộng trong tương lai, để hy vọng mỗi đợt sau bão, chúng ta bớt ám ảnh trước những ngôi nhà “tan tác”, và những phận người bé nhỏ bớt cảm thấy tuyệt vọng trước bao đổ nát ngổn ngang.

TOÀN VÂN

;
.
.
.
.
.