Trên địa chỉ facebook Cứu trợ động vật Đà Nẵng ngày 21-12 thông tin: “4 bé là chị em cùng một mẹ. Gia đình bác này không thể nuôi quá nhiều mèo nhưng vẫn không vứt các con, mà đã cố gắng liên lạc với Hội để tìm cho các con một mái ấm mới. Em nào cũng dễ thương, mắt tròn xoe, long lanh. Bạn nào muốn giúp đỡ các em liên hệ 0905… (tình nguyện viên đang giữ các em)”.
Một tình nguyện viên dắt chó dạo chơi trong công viên. Ảnh: S.L |
Những dòng nhắn gửi tìm mái ấm cho các con vật nuôi, tìm chó, mèo đi lạc được cập nhật liên tục trên mạng xã hội của Hội Cứu trợ động vật Đà Nẵng, trở thành một địa chỉ quen thuộc của những người nuôi và cứu giúp động vật.
Từ tình yêu với vật nuôi
Được ba mẹ cho phép nuôi chó, mèo từ nhỏ, hầu hết những bạn trẻ chúng tôi từng gặp đều hiểu tính nết từng con vật nhỏ làm bạn với mình. Mỗi con vật có một tính cách khác nhau, con nóng tính, con hiền lành, biết nhường nhịn con khác. Như hầu hết mèo là vật thông minh, bình tĩnh, chơi đùa hay “quậy” đều hơn chó một bậc. Nếu trong nhà có nuôi cả chó và mèo thì chó luôn lép vế trước mèo.
Bạn Lê Thị Mỹ Dung, nuôi một con chó tên Nâu (tiếng Anh là No) 11 năm tuổi. Dung cho Nâu uống sữa từ bé, vào 9 giờ tối mỗi ngày. Dung kể “hôm nào đến giờ em chưa đi pha sữa là nó ngồi im, nhìn em với ánh mắt đắm đuối; được một lúc thì đứng dậy bồn chồn, rồi sủa lên nhắc nhở”. Hay bạn Bùi Trần Vĩnh Trí, phụ trách Hội cứu trợ này đang là chủ nhân của hai con chó là Đen và Bôn, một con rụt rè, nhút nhát, còn một con suốt ngày nịnh nọt chủ nhân. Những ngày không đi công tác, buổi chiều Trí thường chở chú chó “nịnh” ra biển chơi, hôm nào chưa đi là Đen đến ngồi trước mặt, nhìn vào mắt ra chiều năn nỉ; đến lúc “cậu” Trí bảo đi chơi thôi là Đen ta đứng dậy, xoắn xuýt mừng rỡ…
Vĩnh Trí bảo rằng, đi đâu về đến nhà là có hai chú chó, một chú mèo mừng rỡ chào đón trước cửa, vậy là mọi mệt mỏi tan biến. Một đứa trẻ khi nuôi chó, mèo sẽ tạo cho các em tình yêu với con vật. Nuôi chó, mèo còn tạo cho các bạn trách nhiệm lo cho nó trong việc chăm sóc, và hơn hết giúp các bạn trưởng thành hơn, biết quan tâm giúp đỡ người khác ở trong gia đình cũng như khi ra ngoài xã hội.
Tìm một mái ấm cho chó, mèo
Cách đây 3 năm, Vĩnh Trí tình cờ đọc một bài báo viết về một nhóm cứu trợ động vật nuôi ở TP. Hồ Chí Minh. Bạn liên hệ với người phụ trách hội cứu trợ và được khuyến khích thành lập một hội tương tự ở Đà Nẵng. Thế là qua trang mạng xã hội, Trí thiết lập trang Yêu động vật Đà Nẵng, tuyển tình nguyện viên (TNV), ưu tiên những bạn đã và đang nuôi động vật (sẽ có kinh nghiệm trong chăm sóc vật nuôi). Sau một thời gian, vì điều kiện của mỗi thành viên, giờ chỉ còn 2/8 thành viên cũ. Trí đổi tên thành Hội Cứu trợ động vật Đà Nẵng, tuyển thành viên mới. Hiện trang mạng này có hơn 20 TNV và có trên 10 nghìn người theo dõi, chia sẻ thông tin. Trong những trường hợp khẩn cứu, luôn có 5-6 TNV sẵn sàng cứu giúp động vật bị bỏ rơi, bị tai nạn, cần được chăm sóc y tế cũng như tìm một mái ấm về lâu dài.
Sau hơn 3 năm hoạt động, hội Cứu trợ động vật Đà Nẵng đăng hơn 1.000 hình ảnh, tương đương với khoảng 2.500-3.000 chú chó, mèo cần được trợ giúp. Mới đây, các bạn đề cập đến vấn đề triệt sản cho mèo như là việc làm nhân đạo. Bắt nguồn từ thực tế là số lượng mèo bị bỏ rơi rất đông, việc tìm chủ cho mèo cũng khó khăn hơn chó. Ngoài ra, khi mèo được 5-6 tháng tuổi là bước vào tuổi sinh sản, lứa sinh sản ngắn, kéo dài khoảng 3,5 tháng, mỗi lứa có từ 3-4 con… Số đông người Việt Nam lại ghét mèo nên lượng mèo lang thang rất đông. Trong khi số chó sinh ra và mất đi tương đương nhau.
Khi tìm chủ nhân cho mèo, các bạn đều đặt câu hỏi cho người nuôi là đã từng nuôi mèo chưa, tránh trường hợp người đó nhận nuôi nhưng sau đó bỏ rơi mèo. Bạn Trần Thị Phương Thúy, TNV của Hội, cho biết bạn luôn giữ lại số điện thoại của người nhận nuôi, sau vài ngày gọi điện hỏi xem họ có cần hỗ trợ không, vì đến một nhà mới là chó hay mèo đều bị ảnh hưởng tâm lý, hụt hẫng. Hoặc bạn tư vấn về vấn đề bệnh tật của vật nuôi, cách phòng tránh… Phương Thúy đã cứu khoảng 100 chú chó, mèo; trong đó có vài trường hợp người nhận nuôi trả lại, nên khi tìm mái ấm cho các con vật, các bạn đều rất thận trọng, tránh tổn thương cho những con vật vốn rất nhạy cảm do bị thương, hay bị bỏ rơi trước đó.
Bạn Minh Trí còn liên hệ với các quán nhậu bán thịt chó, nhờ họ cứu giúp những chú chó mạnh khỏe hay đang mang bầu. Các bạn từng bỏ ra 600 nghìn đồng mua lại một con chó mạnh khỏe, giờ chú chó này là bạn của gia đình một cô giáo.
Hầu hết thời gian ngoài giờ làm việc của bạn Phương Thúy là chăm sóc 1 chú chó, 2 chú mèo và đang chăm sóc 4 chú mèo khác, chờ người nhận nuôi. Trước khi giao chó, mèo cho chủ mới, các bạn đều huấn luyện cho chó, mèo đi vệ sinh đúng chỗ, biết vâng lời và “sống” có nguyên tắc.
Các bạn ước mong mỗi người dân khi thấy chó hay mèo gặp nạn nên giang rộng vòng tay giúp đỡ. Đó là phương án lâu dài, vừa nâng cao ý thức người dân, tránh trường hợp họ có khả năng giúp nhưng đẩy hết trách nhiệm cho Hội cứu trợ. Và khi đích thân mỗi người cứu giúp chó hay mèo đi lang thang, gặp nạn, họ mới cảm nhận được tình yêu đối với con vật…
SONG LINH