.
Mỗi tuần một địa chỉ

Phố điểm tâm

.

Tôi có cảm giác Tết đang đến sớm hơn với gần 50 hộ buôn bán trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng từ khi thành phố có chủ trương xây dựng con phố này thành phố điểm tâm. Những tủ, bàn ghế inox được mua mới, những ngôi nhà được sơn sửa khang trang, những mặt tiền được chăm chuốt, đơn vị tài trợ thay nhau lắp đặt các bảng niêm yết giá, bạt bay hay bảng quảng cáo… khiến cả khu phố rộn ràng cả ngày lẫn đêm.

Bánh xèo, một trong những món ăn dân dã làm nên sự phong phú, hấp dẫn trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: H.L
Bánh xèo, một trong những món ăn dân dã làm nên sự phong phú, hấp dẫn trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: H.L

Nhiều người bảo rằng, dường như con phố này có “duyên” buôn bán nên hàng quán nào mở ra cũng đông khách. Vì thế, không phải đến bây giờ, những người sành ăn Đà Nẵng mới “để mắt” đến con đường Huỳnh Thúc Kháng, mà từ rất lâu, nơi đây đã níu chân thực khách bằng những thực đơn dân dã nhưng vô cùng phong phú như bánh canh, bánh bèo, bánh xèo, mỳ Quảng, bánh tráng cuốn thịt heo, phở, cao lầu, bò né, cháo lòng, cháo trắng – cá cơm kho hấp dẫn, đậm đà.

Con phố ngắn, chỉ hơn một 100m2 nên hàng quán nằm san sát nhau, ăn xong ở quán này, nếu không muốn đi đâu xa thì chúng ta chỉ cần bước thêm vài bước chân là có thể nhấm nháp ly cà-phê thơm lừng ở ngay hàng bên cạnh. Chị Nguyễn Thu Hồng, người Hà Nội lần đầu đến phố Huỳnh Thúc Kháng ăn sáng cùng tôi đã tỏ ra bất ngờ trước thái độ vui vẻ, chan hòa của bà chủ quán khi tôi dẫn chị vào một quán bánh tráng cuốn thịt heo (món ăn chị ưa thích) ở số nhà 58 nhưng lại nhờ bà gọi giúp mình tô mỳ Quảng hàng bên cạnh. Chưa đầy 5 phút, trên bàn chúng tôi đã có 2 món ăn: một đĩa bánh cuốn thịt heo cho chị, một tô mỳ Quảng cho tôi. Không phải nói ra, nhưng qua ánh mắt đầy thiện cảm của chị, tôi hiểu rằng, trong chị đã có một tình cảm ấm áp dành cho sự hiếu khách của bà chủ.

Con phố này đông khách nhất tầm 6giờ30 đến 8giờ. Phần lớn hộ kinh doanh có mức sống thấp nên những món họ chọn phục vụ thực khách cũng khá bình dân. Ngoài ra, chuyện vỉa hè chật chội, lòng đường chừng 6m2, mặt bằng hàng quán thấp, có nơi chưa thật sự thích hợp cũng là thách thức trong mục tiêu phát triển phố điểm tâm thành phố ẩm thực thời gian đến. Đến nay hầu hết các cơ sở kinh doanh trên tuyến đường này đã được tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm và nhận tài liệu về “Văn minh thương mại trong kinh doanh ăn uống” nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút khách du lịch.

Thời gian đầu đi vào hoạt động, Đội kiểm tra quy tắc đô thị quận Hải Châu sẽ bố trí người hướng dẫn thực khách để xe ở làn đường phía tây dài hơn 400m. Theo ông Nguyễn Văn Sanh, Phó Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin quận Hải Châu, với mong muốn phố điểm tâm đi vào hoạt động ổn định, UBND quận quyết định kẻ vạch giới hạn dưới lòng đường cho xe máy đậu đỗ, hạn chế ô-tô, nhất là ô-tô du lịch đưa khách đoàn đến ăn sáng cũng như nghiêm cấm việc bán dạo để tạo tâm lý thoải mái cho thực khách dùng bữa.

Với tất cả nỗ lực của chính quyền và của chính những hộ kinh doanh trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng, chúng tôi hi vọng rằng, thời gian tới, con phố này sẽ thật sự trở thành điểm đến yêu thích, hấp dẫn trong lòng người Đà Nẵng cũng như khách du lịch đến thành phố này tham quan, thưởng ngoạn.

HUỲNH LÊ

;
.
.
.
.
.