.
KỶ NIỆM 60 NĂM NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM (27-2)

Linh thiêng một lời thề

.

Họ là người giúp những em bé đang mê sảng hoặc ngằn ngặt khóc tìm được chút bình yên trong thế giới đáng sợ của bệnh tật.

Các bác sĩ khoa Cấp cứu và khoa ngoại Tiết niệu (Bệnh viện Đà Nẵng) đang hội chẩn khẩn cho một ca bệnh. Ảnh: M.T
Các bác sĩ khoa Cấp cứu và khoa ngoại Tiết niệu (Bệnh viện Đà Nẵng) đang hội chẩn khẩn cho một ca bệnh. Ảnh: M.T

Là người một mình đi dọc theo hành lang để đến phòng chờ, lại gần gia đình đang thấp thỏm và lặng lẽ bảo họ rằng, người thân của họ đã qua đời. Là người nắm chặt tay người mẹ đang sinh nở và chứng kiến một sinh linh mới đến với cuộc sống. Là người nhận cái bắt tay run run và đôi mắt ậng nước thay lời cảm ơn của người cha khi con được cứu sống sau ca mổ tim...

Trước áp lực dư luận phê phán ngành y xuống cấp, những bác sĩ này giống như tiều phu leo núi để đốt lên niềm tin: Lời thề Hippocrates vẫn rất thiêng liêng mặc dù bị phản bội bởi một số ít thầy thuốc.

Guồng quay gấp gáp

Không khí Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đà Nẵng như luôn đặc quánh, bí bách, hầm hập nóng, ngay cả lúc tiết trời đang rét căm căm. Bầu không khí nặng nề hòa quyện giữa tiếng rên la đau đớn, tiếng tranh cãi của người nhà, những giọt nước mắt lăn dài trên má bệnh nhân, sự gấp gáp của đội ngũ y, bác sĩ và mùi ngai ngái của thuốc sát trùng…

Với 11 năm làm việc tại khoa cấp cứu, bác sĩ Phan Văn Liên đã “thuộc mặt hầu hết giang hồ của Đà Nẵng”. Khi những đối tượng này xuất hiện thì phải lập tức chữa trị để tránh việc “anh chị” bực mình, gây ảnh hưởng xấu đến các bệnh nhân khác. Không ít trường hợp, bác sĩ nhận bệnh với vết chém sâu và lời đe dọa của “anh chị” đi cùng: “Nếu không cứu được thì lấy… mạng bác sĩ thế vào”. Phòng bệnh còn là nơi truy sát, thanh toán bằng mã tấu, dao bầu của các phe phái. Để chấm dứt tình trạng này, từ cuối năm 2014, Bệnh viện Đà Nẵng buộc phải nhờ lực lượng 113 túc trực trước khoa cấp cứu để bảo vệ đội ngũ y, bác sĩ.

Một phụ nữ trung niên được chồng dìu vào phòng cấp cứu vì đứt tay sâu. Cùng lúc này, hai người bị tai nạn giao thông, một cụ già bị ngã gãy xương cũng nhập viện. 3 bác sĩ của phòng cấp cứu phải lập tức lao đến những ca bệnh nặng và giao cho điều dưỡng chăm sóc người phụ nữ trung niên. Điều này khiến người chồng phẫn nộ và dùng nhiều lời lẽ khiếm nhã trách móc bác sĩ.

Với bác sĩ Phạm Văn Tú, việc người nhà bệnh nhân mắng “từ mẫu” như… con là điều bình thường. Bởi, tâm lý của người bệnh khi đã bước chân vào đây đều muốn được khám chữa bệnh thật nhanh, theo đúng nghĩa của từ “cấp cứu”. Người bệnh không hiểu được rằng, có trường hợp chảy máu nhưng vết thương chỉ nằm ở phần mềm, không đáng lo ngại bằng những bệnh thương tổn bên trong cơ thể như suy tim, chấn thương sọ não... Với số lượng từ 300 đến 400 bệnh nhân/ngày đêm, 3 bác sĩ trong ca trực luôn phải tiên lượng, cân nhắc thật nhanh yếu tố nặng nhẹ của từng ca bệnh để có biện pháp ưu tiên cứu chữa kịp thời.

Trong guồng quay gấp gáp, vội vã, bác sĩ không có đủ thời gian để chuyện trò, cười nói tâm tình cùng người bệnh. Mong rằng, người bệnh sẽ nhận ra rằng, với nghề cứu người, có đức trước hết phải có tài. Bởi không giỏi chuyên môn, để xảy ra cái chết cho bệnh nhân thì tận tâm, nhiệt tình, vui vẻ cũng là điều vô nghĩa. Nhân từ, tình thương, cảm thông thể hiện ở trách nhiệm và chất lượng chuyên môn. Người bác sĩ giỏi chuyên môn, kể cả kiệm lời, ít cười, nét mặt nghiêm nghị vẫn có thể là “từ mẫu” và xứng đáng nhận được sự tôn trọng, quý mến chứ không phải những lời trách cứ, phê phán hay thậm chí là hành hung từ phía người nhà bệnh nhân.

Thầy thuốc không phải là người máu lạnh

Bác sĩ gắn liền với quá trình đào tạo nghiêm túc. Liên tục 6 năm đại học Y khoa là chuỗi ngày sáng lên giảng đường, chiều thực hành lâm sàng, tối trực khoa. Mỗi bác sĩ phải tự học không ngừng để có tri thức, kiến thức chính xác về mặt khoa học trong lĩnh vực mình đã chọn. Sau khi tốt nghiệp, đi làm chính thức, bên cạnh thời gian làm việc hành chính thông thường, các bác sĩ còn phải tham gia thường xuyên vào các ca trực kéo dài 24 giờ đồng hồ. 24 giờ liên tục, kể cả lúc nửa đêm về sáng, kể cả giao thừa, lễ Tết, họ vẫn phải luôn tay, luôn chân và luôn tập trung cao độ vào công việc liên quan đến mạng sống con người.

Với bác sĩ Nguyễn Bá Triệu – Phó trưởng khoa Phẫu thuật và Can thiệp tim mạch, cộng dồn những vất vả đó vẫn không thể so sánh với cảm giác khi phải bất lực nhìn người bệnh ra đi do nhập viện quá muộn, những trường hợp bệnh trở nặng đột ngột; hay giây phút phải đối diện với gia đình để báo tin người thân của họ không qua khỏi và nhìn họ lả đi ngay trong phòng chờ của bệnh viện…

Dư luận thời gian qua có lúc dậy sóng bởi nhiều trẻ em vô tội phải chết do y tá bất cẩn tiêm nhầm vacxin, bác sĩ thẩm mỹ thủ tiêu xác nạn nhân, bác sĩ hồi sức cấp cứu thờ ơ bỏ mặc bệnh nhân… Theo bác sĩ Nguyễn Bá Triệu, cũng như tất cả những ngành nghề khác, tiêu cực, sai sót trong ngành y là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, ngành y không phải chỉ có tiêu cực để rồi xã hội mất niềm tin vào đội ngũ thầy thuốc, để rồi quên đi nỗ lực, thành công của nhiều thế hệ bác sĩ, để rồi không ai còn đủ bình tĩnh để nói những lời tử tế, thiện cảm với người khoác áo blouse, để rồi mỉa mai lòng tự trọng, sự tôn kính của nghề cứu người cao quý.

“Không chỉ học qua những trang giáo trình, mỗi bác sĩ còn học từ cuộc đời của những người thầy tôn kính trên bục giảng, học từ quá trình tiếp xúc, trò chuyện cùng bệnh nhân… Do đó, thầy thuốc không chỉ biết nguồn cơn của đau đớn, bệnh tật; bác sĩ không chỉ thông thạo nỗi đau trong sách vở mà còn biết cảm nhận nỗi đau bằng sự rung cảm trái tim mình. Lời thề Hippocrates được học thuộc bằng cả tâm hồn chứ không phải chỉ để tuyên thệ”, bác sĩ Trần Thị Hoàng, khoa Nhi, Bệnh viện Phụ sản – Nhi tâm sự.

25 năm trong nghề, với bác sĩ Doãn Thanh Tuấn, Phó trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Phụ sản – Nhi, điều đáng buồn nhất là đọc những dòng chữ trên báo với nội dung buộc tội: “Mặc dù gia đình đã yêu cầu sinh mổ, bác sĩ vẫn nhất quyết áp dụng phương án sinh thường, dẫn đến tử vong cho sản phụ”. Chấp nhận một ca sinh thường đồng nghĩa với việc cả ê-kíp bác sĩ, điều dưỡng phải liên tục theo dõi tình trạng của người mẹ trong nhiều giờ liên tục. Trong khi đó, một ca sinh mổ chỉ kéo dài 1,5 giờ và thường là biện pháp an toàn, đơn giản cho bác sĩ. Giữa hai lựa chọn này, bác sĩ Doãn Thanh Tuấn và hầu hết các bác sĩ sản khoa khác vẫn ưu tiên phương pháp sinh thường bởi điều này tuân theo lẽ tự nhiên của đất trời, có lợi cho sức khỏe của cả người mẹ và trẻ. Tuy nhiên, trong không ít trường hợp, thai nhi có những diễn biến bất ngờ, lúc này, bác sĩ và cả hệ thống y tế là người gánh chịu búa rìu dư luận.

“Dù nền y học và y tế có hiện đại đến đâu, tai biến y khoa là điều không thể tránh khỏi. Tai biến y khoa và sai sót chuyên môn là điều xảy ra hằng ngày nhưng lại khó phân định rạch ròi. Điều này buộc bác sĩ phải đánh đổi, phải chấp nhận rủi ro về phía mình để đem lại kết quả tốt hơn cho người bệnh, để rồi, dù có hàng ngàn cuộc đời được cứu sống từ bàn tay thầy thuốc, hàng vạn sinh linh chào đời mạnh khỏe cũng không cứu được sự nghiệp, danh tiếng thậm chí tự trọng của bác sĩ khi có rủi ro, mất mát xảy ra”, bác sĩ Doãn Thanh Tuấn chia sẻ.

Với những nhọc nhằn, áp lực và nguy hiểm này, động lực để các bác sĩ tiếp tục làm lan tỏa sứ mệnh thiêng liêng, tinh thần cao đẹp của nghề nghiệp là niềm tin: Nghề y đồng nghĩa với việc mang trên tay cơ hội cứu người, nghề được trao cơ hội tạo phước từ trí tuệ, trái tim của bác sĩ, nghề đem lại niềm vui sống cho những người đã cận kề cái chết, tính mạng chỉ còn tính từng giây…

Lời thề Hippocrates được các sinh viên Y khoa ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam đọc và nguyện làm theo trong lễ tốt nghiệp. Người ta cho rằng Hippocrates (được coi là cha đẻ của Y học phương Tây) hoặc một đệ tử của ông chính là tác giả của lời thề này.

“… Tôi sẽ chỉ dẫn mọi chế độ có lợi cho người bệnh tùy theo khả năng và sự phán đoán của tôi, tôi sẽ tránh mọi điều xấu và bất công.

Tôi sẽ không trao thuốc độc cho bất kỳ ai, kể cả khi họ yêu cầu và cũng không tự mình gợi ý cho họ; cũng như vậy, tôi cũng sẽ không trao cho bất cứ người phụ nữ nào những thuốc gây sẩy thai. Tôi suốt đời hành nghề trong sự vô tư và thân thiết…

Dù vào bất cứ nhà nào, tôi cũng chỉ vì lợi ích của người bệnh, tránh mọi hành vi xấu xa, cố ý và đồi bại nhất là tránh cám dỗ phụ nữ và thiếu niên tự do hay nô lệ…”.

MAI TRANG

;
.
.
.
.
.