.

Chàng trai "níu hồn" sách Nobel

.

Anh Ngô Thanh Tuấn (36 tuổi, phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu, Đà Nẵng) bị những cuốn sách của các tác giả từng đoạt giải Nobel “hớp hồn” từ lúc còn là sinh viên, trong khi anh là dân ngân hàng, chẳng dính dáng gì đến văn chương.

Anh Tuấn bên tủ sách của các tác giả đoạt giải Nobel do anh sưu tầm.  Ảnh: T.H
Anh Tuấn bên tủ sách của các tác giả đoạt giải Nobel do anh sưu tầm. Ảnh: T.H

15 năm trước, Thanh Tuấn là sinh viên chuyên  ngành Ngân hàng của Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng. Là dân khối A, suốt ngày chỉ biết đến các dãy số nhưng anh lại ghiền sách cũ. Cứ có thời gian và tiền để dành là anh lót dép ngồi hết quầy sách cũ này đến quầy sách cũ khác.

Đọc chưa đã thì mua về. Anh kể: “Tôi cứ thấy sách hay là mua, ban đầu chưng ở giá, chật giá lại đóng thùng cất, suốt bốn năm đại học phòng trọ tôi toàn sách”. Đến ngày lọc sách lại, anh phát hiện ra mình sở hữu rất nhiều cuốn sách của các tác giả đoạt giải Nobel, nhất là Nobel văn học. Vậy là anh bắt đầu sưu tầm loại sách này từ đó.

Ra trường, chuyển đi nhiều nơi, anh vẫn kè kè “gia tài” sách bên mình. Kiếm được bao nhiêu tiền anh đổ dồn vào mua sách. Rồi những hàng sách cũ cũng thưa dần, sách Nobel ngày càng hiếm, anh phải liên hệ với bạn bè ở các tỉnh, thành khác, hoặc người quen trên mạng tìm kiếm giúp.  Anh tâm sự: “Có những cuốn biết nó đã xuất bản và tái bản mà tìm không ra thì tôi không ăn ngủ được, tôi nhờ người quen lùng sục từ Bắc chí Nam, có khi mất đến 4 - 5 năm trời tìm bằng được mới thôi”. Sau này, để không lọt cuốn nào, anh theo dõi thường xuyên các tác giả đoạt giải những năm gần đây để mua sách của họ. Hơn chục năm trời dày công “săn lùng”, bây giờ kho sách Nobel của anh đã có hơn 1.000 cuốn, có những cuốn xuất bản từ những năm đầu của thế kỷ trước, in trên giấy dó nhẹ tênh, bìa làm bằng lụa rất công phu.

Trong số hơn 100 tác giả đoạt giải Nobel văn học, anh đã có sách của hơn 80 tác giả được dịch sang tiếng Việt.  Có nhiều cuốn được chuyển ngữ sang tiếng Việt, in cách đây gần cả trăm năm như “Giang hồ tung cánh”, “Bà mẹ quê già” của nữ tác giả Thụy Điển Selma Ottiliana Lovisa Lagerlof - người phụ nữ đầu tiên đoạt giải Nobel, cho đến những cuốn của các tác giả đoạt giải sau này như “Nàng Anna xanh xao” của Heinrich Boll (Đức), “Những màu khác” của Orhan Pamuk (Thổ Nhĩ Kỳ)…

Thanh Tuấn là quản trị viên trên diễn đàn sachxua.net. Ngưỡng mộ niềm đam mê của anh nên nhiều thành viên chủ động gửi sách Nobel tới tặng, các dịch giả như Dương Tất Từ, Tạ Minh Châu, Trần Đình Hiến… cũng thường xuyên tặng anh sách của các tác giả đoạt giải Nobel được họ dịch. Không chỉ có sách tiếng Việt, anh còn sở hữu thêm rất nhiều cuốn gốc Anh, Pháp… Đặc biệt, anh nhớ hết tất cả các tác giả đoạt giải Nobel trong lĩnh vực văn học, năm đoạt giải và tác phẩm của họ .

Chưa hết bất ngờ trước tủ sách Nobel đồ sộ của anh, anh lại khiến người khác choáng ngợp trước tủ sách của các tác giả đoạt giải Goncourt, Renanudot (Pháp), Pulitzer (Mỹ), Booker (Anh)… Anh kể về những giải thưởng danh giá trên bằng niềm say mê lạ thường, coi những cuốn sách ấy như báu vật và nói: “Sách ở đâu, thời điểm nào cũng có giá trị, bây giờ chưa đọc được thì ngày mai sẽ đọc.

Người khác tự hào vì cất được khối tài sản lớn, còn tôi lại vui vì cất được kho kiến thức còn quý hơn cả tiền bạc”. Yêu sách như vậy nên anh nâng niu từng cuốn một, nhiều cuốn đã bị rách lề, mất góc, nhòe chữ anh vẫn gấp cẩn thận, đặt gọn gàng trên tủ. Căn phòng chứa sách luôn khô thoáng và sạch sẽ, bố trí đẹp mắt và khoa học để dễ tìm kiếm

Thanh Tuấn ước mơ khi về hưu sẽ mở một thư viện, hoặc một phòng đọc nhỏ phục vụ cho người yêu sách và sẵn sàng cho sinh viên mượn sách để nghiên cứu.

TRẦN HIỀN

;
.
.
.
.
.