Từ xưa nay, thơ là sản phẩm tinh thần quá gần gũi ta trong cuộc sống hằng ngày, trong vui buồn, nhớ nhung, trong đau thương hiển hách, trong ngọt ngào cay đắng…
Ta lấy thơ làm bạn đường giúp mình khỏe khoắn đứng lên, vực dậy và đi tới. Các thể thơ qua mỗi thời cuộc đều được tồn tại, nâng cao và phát triển thành nhiều loại, nội dung và hình thức rất phong phú đi cùng dân tộc và tô điểm cho đất nước thêm hùng vĩ, thanh tao, nhân hậu, sắc hương và tỏa sáng.
Gần đây thơ mở ra nhiều cách thể hiện mới, phát huy cao độ tự do và cá tính nhà thơ. Không bị ràng buộc bởi một gò bó nào, một niêm luật nào, sẽ xuất hiện được những ý tứ sâu sắc, mới lạ, phóng khoáng và độc đáo. Đặc biệt trong hoàn cảnh giao lưu quốc tế ngày càng lan rộng ta dễ tiếp thu những luồng tư tưởng mới, phong cách mới, sinh hoạt mới… nên thể loại thơ đương đại đang phát triển.
Một trong những thuộc tính của thơ Việt Nam là âm điệu; thiếu âm điệu sẽ làm cho dòng thơ khô cứng như nắng trưa hè, như rét trời đông, như cây thiếu nước, như trời thiếu gió. Âm điệu trong thơ vừa là nội dung, vừa là hình thức, vừa tâm hồn vừa thể phách, là tiếng nhạc của chim, ngân vang của gió, tiếng sáo bay qua, tiếng gà vọng lại…
Tất nhiên thơ không quá đơn giản, mộc mạc, tầm thường nhưng tuyệt đối tránh lối cầu kỳ, khó hiểu, lập dị. Văn thì không cần vần điệu, mà thơ thì phải có vần điệu, âm thanh, mặc dầu có bài ít vần điệu mà độc giả cũng có thể chấp nhận được. Nếu không có vần điệu, câu thơ lại quá dài dòng thì dù hay đến đâu cũng chỉ được coi đó gần như một bài văn xuôi kiệt tác mà thôi. Hiện nay, bên cạnh những tập thơ và bài thơ hiện đại rất sâu sắc, nhiều hiện tượng rất đáng trân trọng nhưng đã xuất hiện không ít những bài thơ không hiểu thuộc thể loại gì mà câu kéo quá dài, cầu kỳ, khó nghe, khó hiểu, thiếu vần điệu…
Mà thơ hay là phải gọt giũa, phải dày công chưng cất cho cô đặc, thanh tao, ít chữ mà nhiều nghĩa, nhiều tứ, có vần điệu mới thật là khó. Nhiều nhà thơ lớn thường quan niệm: thơ phải ngắn ở câu chữ nhưng phải dài ở độ ngân vang. Những câu thơ quá dài thiếu vần điệu, cầu kỳ, khó hiểu đối với phần đông công chúng. Do đó mà tôi cạn nghĩ không nên quá khe khắt với những luồng thơ mới, những phong cách mới nhưng cũng không nên lạm dụng mà để mất đi âm điệu của thơ.
Giữa giới chuyên nghiệp và không chuyên tất nhiên có sự khác biệt phần nào nhưng cũng cùng một dòng chảy như nước từ nguồn ra biển. Nhưng thiết nghĩ phong trào nào cũng có hai đối tượng: chuyên và không chuyên. Từ chỗ không chuyên mà nâng dần lên như các ngành văn thơ, nhạc họa, thể thao, sản xuất, thương mại… Do đó, về mặt lãnh đạo đành rằng cần tập trung cho cái chuyên nghiệp nhưng không quá xem nhẹ phong trào quần chúng không chuyên.
Từ trong phong trào này, chí ít đã làm vui và sống động cho nhân dân nơi ấy để góp phần tăng thêm nhựa sống trong sản xuất và sinh hoạt xã hội, đồng thời phát hiện những mầm non về nhân tài để đào tạo và nuôi dưỡng. Vừa qua, nhiều CLB thơ quần chúng ở cấp xã, phường, quận, huyện sinh ra không nhiều nhưng có nơi thiếu nuôi dưỡng, nâng đỡ nên thoi thóp thiếu nhuệ khí và dễ lạc lõng, gây tác hại nhiều mặt.
Chúng tôi mong muốn, sự tự thân vận động của các ngành văn thơ, nhất là các ngành được bầu hoặc được giao nhiệm vụ quản lý về mặt này cần dày công nghiên cứu, tìm tòi, sâu sát, tạo chất kết dính và sự đồng tâm hiệp lực, phát huy hết tài năng, sở trường và kho tàng vốn có trong giới văn thơ, phát hiện cái mới, các nhân tố tích cực nhằm gây dựng và lan tỏa. Hội viên cần được bồi dưỡng về lý luận văn học, phổ biến các hoạt động văn học thơ ca của các vùng trong nước, các tư liệu quốc tế, bắt nhịp kịp cái mới và tư liệu mới để sáng tác.
Cần có những cuộc phê bình văn học, phê bình văn thơ… trên báo chí và trong các buổi nói chuyện để nâng cao trình độ. Cần mở rộng những trại sáng tác, những cuộc giao lưu tham quan thực tế, mở rộng tầm nhìn. Như người xưa thường nói mối quan hệ ngấm ngầm giữa thiên thời, địa lợi, nhân hòa để chuyển hóa và khi đã đến độ chín muồi thì nó sẽ nở rộ như hoa mai mùa xuân, sen mùa hạ.
Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn mà địa phương nào, cấp nào biết nhìn xa, biết mạnh dạn đặt vấn đề và có nghị lực đi sớm đi trước biết bỏ ra kinh phí thật tương xứng thì nơi ấy sẽ về đích sớm. Sự nghiệp văn thơ rất bao trùm tác động đến nền tảng và thượng tầng xã hội cần có sự đầu tư thật thỏa đáng và đầy nghị lực mà trước hết là nhằm vào các khâu yếu và quan trọng nhất.
Trên đây là những ý kiến của một người còn bị hạn chế trong tư duy và hiểu biết xin được bày tỏ và học hỏi.
LÊ ĐÀO