Những kỹ năng mềm như: làm việc nhóm, thuyết trình, lắng nghe… SV có thể tích hợp được trong rất nhiều môn học, giúp các bạn chủ động, tự tin trước các nhà tuyển dụng cùng với kiến thức chuyên môn của mình.
Một buổi đóng kịch, phân vai học và làm việc theo nhóm của SV khoa tiếng Anh, ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng. Ảnh: H.H |
Hình thành kỹ năng trong môi trường cụ thể
Ngoài việc trang bị những kiến thức chuyên ngành, các trường ĐH, CĐ đang có những buổi bổ sung các kiến thức khác để SV tự tin hơn trước các nhà tuyển dụng.
Khoảng 2 năm trở lại đây, Trường CĐ Thương mại Đà Nẵng đưa nội dung dạy kỹ năng mềm thành môn học chính khóa với thời lượng 90 tiết cho 5 kỹ năng: giao tiếp, làm việc nhóm, thuyết trình, tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề. Giáo viên giảng dạy được chọn từ các khoa tâm lý, quản trị và marketing, sau đó được đi bồi dưỡng, tập huấn thêm. Trường CĐ Công nghệ (ĐH Đà Nẵng) đưa nội dung về kỹ năng giao tiếp trở thành môn học tự chọn với dung lượng 2 tín chỉ áp dụng cho SV năm cuối. Dù là môn học tự chọn nhưng số SV tham gia học rất đông.
Riêng trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), tuy chưa tổ chức thành một môn học nhưng thường xuyên mời các nhà quản lý, doanh nghiệp đào tạo ngắn hạn cho SV thông qua những buổi nói chuyện chuyên đề. Thế nhưng, theo kinh nghiệm của các chuyên gia tâm lý thì những khóa học kỹ năng mềm chỉ mang tính chất khơi gợi cách thức, phương hướng chứ không thể có sự thực tập, trải nghiệm.
Trong khi đó, học kỹ năng sống cũng giống như học bơi, SV muốn biết bơi không có cách nào khác phải xuống nước tập bơi chứ không thể đứng trên bờ nhìn mà biết được. Không ai khác, chính SV phải chủ động tham gia các hoạt động xã hội ở trường, lớp, các CLB đội nhóm, đi làm thêm hay chỉ đơn giản là học tập theo nhóm.
Bạn Trương Hoàng Lĩnh - SV khoa Điện tử Viễn thông, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng thú nhận: “Cho dù đã đọc rất nhiều sách về kỹ năng sống, nhưng khi cùng hai bạn khác thành lập nhóm Passion để lên ý tưởng và thiết kế mô hình tham gia cuộc thi thiết kế hệ thống các chip vi điều khiển 2014 (MCU), em mới rút ra được nhiều điều.
Ví dụ như phải “va chạm” giữa các thành viên một thời gian, bọn em mới bỏ được thói quen tranh nhau nói, học được cách thuyết phục dựa vào những ý kiến chung, làm cho nó trở nên hợp lý hơn chứ không chỉ dựa vào lý lẽ cá nhân, cách tiếp nhận các ý kiến trái chiều với mình mà không tự ái”. Lĩnh cũng thừa nhận, kỹ năng sống chỉ có thể hình thành qua rèn luyện ở môi trường hoạt động cụ thể, nếu chỉ đọc sách hoặc tiếp nhận từ những bài giảng thì mới chỉ là hình dung chung chung về nó.
Tích lũy kỹ năng mềm qua việc học
Bạn Hoàng Tiến Quân, SV lớp 38K07.1, khoa Tài chính ngân hàng, ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) vừa là người tham gia và đồng tổ chức cuộc thi Tuần lễ kinh doanh của trường được tổ chức năm 2014 cho rằng việc học lý thuyết và áp dụng trong thực tế giúp SV tạo được nhiều kinh nghiệm, cũng như kỹ năng để có thể áp dụng khi ra trường làm việc. Quân bày tỏ: “Cuộc thi Tuần lễ kinh doanh có ý nghĩa thực tế cao, là môi trường giúp SV vận dụng những kiến thức mình được học, từ nhìn nhận nhu cầu thị trường, chọn sản phẩm thích hợp, lựa chọn chiến lược tiếp cận thị trường hiệu quả, xây dựng kế hoạch sản xuất hợp lý, và đã tính được tính hiệu quả của các kế hoạch. Đây cũng là cơ hội để chúng em rèn luyện và tích lũy các kỹ năng mềm, nhất là các kỹ năng ứng dụng trong xã hội”.
Ngoài ra, nhóm học tập cũng là một cơ hội để SV hình thành các kỹ năng thực tế. Bạn Hoài Diễn - SV năm 4 khoa Tiếng Anh, Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng cho biết: “Khi học nhóm, em học được rất nhiều từ các bạn học, từ kinh nghiệm học tập, lên kế hoạch cá nhân. Và mỗi cá nhân đều phải nghĩ cho cả các thành viên khác để cả nhóm học tập tốt hơn chứ không chỉ nghĩ cho bản thân như khi làm bài đơn lẻ. Muốn học nhóm tốt thì bản thân mỗi người trong nhóm phải luyện tập, học rất nhiều chứ không phải vì có bạn mà mình không học. Nhờ học nhóm, em có cơ hội rèn luyện khả năng trình bày trước đám đông nên cũng tự tin hơn rất nhiều”.
Từ việc rèn luyện kỹ năng thông qua chương trình học ở giảng đường, SV còn học được cách ứng xử với nhau, trao đổi thông tin cho nhau, hỗ trợ nhau trong việc học cũng như tiếp cận đề tài… Bởi môi trường làm việc trong thực tế sau này cũng thường đi theo nhóm, cách học theo nhóm sẽ giúp SV hình thành tư duy bao quát, vì cái chung, không có môi trường cho sự đơn lẻ khi làm việc. Tuy nhiên, cần phải thừa nhận một thực tế rằng, nếu bạn nào co cụm, không hòa đồng thì sẽ khó tiếp cận với môi trường học và làm việc nhóm. Nên ngay từ khi còn học phổ thông, học sinh cũng nên học cách làm việc nhóm, trình bày trước đám đông và bảo vệ quan điểm một cách rõ ràng, mạch lạc.
HƯNG HÀ