1. Thói quen có vai trò quan trọng trong việc hình thành nếp sống của con người, quan trọng tới mức có người định nghĩa nếp sống chính là thói quen trong sinh hoạt.
Miết đi miết lại nhiều lần một chỗ nào đấy mới có thể tạo nên nếp gấp trên tờ giấy/tấm bìa, giống như lặp đi lặp lại một hay một số hành vi nhất định trong sinh hoạt - để thành thói quen - mới có thể tạo nên nếp sống của một cá nhân/một nhóm người/một cộng đồng người. Thói quen quan trọng như vậy nên muốn hình thành một nếp sống tốt/nếp sống văn minh hoặc muốn hạn chế/xóa bỏ một nếp sống lạc hậu/lỗi thời, người ta đều phải lưu ý đến vấn đề thói quen.
Nhiều người nghiện thuốc bỏ được thuốc lá là do thay đổi thói quen hút thuốc bằng một thói quen khác, chẳng hạn như nhai kẹo cao su, thậm chí như hút thuốc… điện tử; còn những người nghiện thuốc muốn bỏ thuốc lá bằng cách giảm liều lượng - chỉ hút thuốc sau mỗi bữa ăn - thường khó thành công, bởi làm thế vẫn chưa thể loại trừ được yếu tố thói quen trong sinh hoạt.
2. Thói quen có vai trò quan trọng trong việc hình thành nếp sống của một người, càng quan trọng trong việc hình thành nếp sống của nhiều người, bởi ở đây còn có thêm yếu tố tâm lý đám đông. Có những nếp sống được hình thành trong một cộng đồng người theo kiểu xưa bày nay bắt chước, hay kiểu làng làm răng xã Năng làm rứa, chẳng hạn như thói quen ăn cay xè/ăn mặn quắn của người Quảng. Và cũng chính vì thế mà người Anh, người Úc, người Nhật… có thói quen lái xe bên trái đường/sản xuất ô-tô tay lái nghịch không giống thiên hạ. Người Việt mình qua Nhật, qua Úc, qua Anh... ngồi ghế phụ bên cạnh tài xế nhiều lúc hồn treo cột… đèn - đó cũng là do thói quen.
Cho nên muốn hình thành một nếp sống tốt/nếp sống văn minh hoặc muốn hạn chế/xóa bỏ một nếp sống lạc hậu/lỗi thời - chẳng hạn dừng xe ở giao lộ khi đèn đỏ/không vượt đèn đỏ, cần tạo nên hiệu ứng đám đông đủ khả năng khiến cho ai đó sẽ cảm thấy lạc lõng nếu làm khác mọi người… Tất nhiên cần nói thêm rằng cũng có lĩnh vực - như sáng tạo nghệ thuật - lại phải rất cảnh giác với thói quen, bởi thói quen thường dễ dẫn đến sáo mòn...
3. Nhiều nếp sống lạc hậu/lỗi thời rất khó bỏ vì do thói quen lỗi thời/lạc hậu được hình thành sớm trong mỗi người và không ít trường hợp còn có tuổi thọ cao trong cộng đồng, chính vì thế mà muốn gầy dựng những nếp sống tốt/nếp sống văn minh, bên cạnh việc tạo nên hiệu ứng đám đông lành mạnh, cần phải hình thành thói quen tốt/tập quán văn minh ngay từ ghế nhà trường và không chỉ qua môn giáo dục công dân. Khó có thể hình thành một trong những nếp sống văn minh là không vứt rác bừa bãi nơi công cộng, nếu như từ nhỏ học sinh không được vui chơi học hành trong một nhà trường/một môi trường “không rác”…
Cũng khó có thể hình thành một nếp sống văn minh khác là biết nói lời cảm ơn khi nhận được sự giúp đỡ/nhường nhịn dù nhỏ đến mấy của người khác, hoặc biết nói lời xin lỗi ngay cả khi cần vượt qua ai đó trên lối đi hẹp, nếu như từ nhỏ học sinh không thường xuyên nói lời cảm ơn/xin lỗi đối với bạn bè/thầy cô, và nhất là chưa bao giờ nghe thầy cô nói lời cảm ơn/xin lỗi trong trường hợp tương tự…
4. Chưa bao giờ nghe thầy cô nói lời cảm ơn/xin lỗi trong trường hợp tương tự đồng nghĩa với việc sẽ khó lòng được thầy cô khen ngợi nhằm tạo động lực thực hiện nếp sống tốt/nếp sống văn minh này, bởi làm điều xấu có thể thuận theo bản năng chứ làm điều tốt thường phải không ngừng nỗ lực - mà muốn không ngừng nỗ lực, cần có động lực.
Người xưa có câu: Thượng bất chính hạ tắc loạn, vì thế chưa bao giờ nghe thầy cô nói lời cảm ơn/xin lỗi trong trường hợp tương tự còn đồng nghĩa với việc sẽ thiếu hình mẫu để noi theo/để làm theo, trong khi nêu gương là giải pháp hàng đầu nhằm tạo nếp sống tốt/nếp sống văn minh cho thế hệ trẻ.
Đây mới chỉ là chưa nêu gương tốt chứ nếu nêu gương xấu nữa thì sẽ càng tạo trở lực lớn hơn trên tiến trình gầy dựng những nếp sống tốt/nếp sống văn minh, bởi bản chất của thói quen là bắt chước, mà bắt chước cái xấu dễ hơn nhiều so với bắt chước cái tốt. Đương nhiên để có những nếp sống tốt/nếp sống văn minh một cách tự giác thì không thể chỉ dừng lại ở thói quen và bắt chước…
5. Để có những nếp sống tốt/nếp sống văn minh một cách tự giác, cũng rất cần quan tâm đến việc giáo dục nhận thức, chẳng hạn phải nhận thức rõ vì sao không nên hút thuốc lá - nhất là không nên hút thuốc lá nơi công cộng/chỗ đông người, vì sao không được vứt rác bừa bãi, vì sao không được vượt đèn đỏ nơi giao lộ, vì sao nên nói lời cảm ơn khi nhận được sự giúp đỡ/nhường nhịn dù nhỏ đến mấy của người khác, hoặc nên nói lời xin lỗi ngay cả khi cần vượt qua ai đó trên lối đi hẹp…
Nếu thấu hiểu tường tận mọi cái vì sao ấy thì người ta mới có thể tự giác bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cho cộng đồng, mới tự giác giữ gìn vệ sinh môi trường nơi công cộng, tự giác chấp hành luật lệ giao thông, tự giác ứng xử văn minh lịch sự…
Nhà nghiên cứu văn hóa Cao Tự Thanh có lý khi bàn về những bất cập trong một số lễ hội thời gian gần đây - những bất cập đáng tiếc do người tham dự thiếu hiểu biết về ý nghĩa đích thực của các lễ hội ấy gây nên: “Thí dụ ở lễ khai ấn đền Trần, rất nhiều người tới dự đã hiểu sai về ý nghĩa của lễ hội và của lá ấn, nên Đức Thánh Trần vô hình trung trở thành trưởng ban tổ chức cán bộ khuất mặt cho những người cầu danh kiêm trưởng ban cứu trợ thiên đình cho những người cầu lộc”. Hoặc nếu phân biệt được chính tín và mê tín thì khi lên chùa lễ Phật người ta mới không hỗn hào giắt tiền vào tay tượng Phật hoặc có những hành vi phản cảm tương tự không phù hợp với Thiền môn - một nơi chốn tôn nghiêm đủ cho con người có thể cảm thấy thân tâm an lạc.
BÙI VĂN TIẾNG