.

PrékiMalamak cất tiếng hát của người Châu Ro

.

Rất nhiều người bất ngờ khi giải thưởng chính thức duy nhất của Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh 2014 được trao cho tập thơ Hát đi em của một tác giả có cái tên lạ hoắc là PrékiMalamak.

Càng ngạc nhiên hơn khi nghe giải thưởng công bố, nhiều người gõ trên Internet chẳng tìm thấy bài thơ nào của nhà thơ người dân tộc Châu Ro này…

Tập thơ Hát đi em của nhà thơ PrékiMalamak (ảnh) gồm 18 bài thơ và một số phụ bản, được nhà thơ Thanh Quế từ thành phố Đà Nẵng viết lời tựa, gói gọn chỉ trong gần 50 trang in do NXB Văn hóa văn nghệ ấn hành quý II-2014. Đây là một tập thơ khá mỏng so với mặt bằng những tập thơ ấn hành bình thường hiện nay. Mỏng về số bài, số trang nhưng chất lượng thơ thì chẳng “mỏng” chút nào.

Cách đây hơn một tháng, khi nghe nhà thơ Văn Lê giới thiệu và khen ngợi tập thơ Hát đi em của nhà thơ Prékimalamak, tôi về tìm đọc và đọc đi đọc lại nhiều lần. Thật ấn tượng. Dù viết về chính dân tộc Châu Ro của mình hay các dân tộc thiểu số anh em, dù viết về lý tưởng cộng sản, lãnh tụ Hồ Chí Minh, anh hùng Nguyễn Văn Trỗi hoặc thầm thì đối thoại với con cái thì nhà thơ PrékiMalamak đều tạo dựng ở đó một không gian thẩm mỹ mang đậm bản sắc Châu Ro, với vốn tri thức thâm hậu, trải nghiệm sống phong phú, xúc cảm chân thành mãnh liệt và cấu trúc thơ vững chãi. Tôi đặc biệt yêu thích những bài thơ mà nhà thơ PrékiMalamak viết riêng về chính dân tộc thiểu số Châu Ro đầy bí ẩn với nỗi day dứt khôn nguôi.

Có thể nói Hát đi em là tập thơ có nhiều bài hay và đặc sắc. Đặc sắc bởi PrékiMalamak, theo tôi biết, là nhà thơ hiện đại người dân tộc Châu Ro đầu tiên xuất bản tập thơ đầu tiên, được tuyển lọc kỹ sáng tác của mình trong nửa thế kỷ. Đặc sắc bởi tập thơ mang đậm tinh thần văn hóa Châu Ro, với những vỉa tầng ngôn ngữ, thi ảnh, hình tượng, suy tư, liên tưởng, dự cảm bất ngờ và khác biệt những gì mà thơ Việt từng có. Và một nét đặc sắc nữa là sức ám ảnh mà tập thơ mang lại về tình yêu, nỗi đau, số phận của cả một dân tộc chưa rõ từ đâu đến và không để lại nhiều dấu vết ký ức giữa bốn bề trập trùng đá và đá:

“Không để lại những lâu đài, cung điện
Những thành quách nguy nga
Những đình chùa, miếu mạo
Những tháp cổ kiêu sa
Những lăng tẩm, mộ phần, bia đá...
Ta là ai, Châu Ro?

Châu Ro, ta là ai?
Từ đâu đến?
Từ Cửu Long giang cổ quàng phù sa đỏ?
Từ biển biếc xa mờ sóng vờn lưng cát nhỏ?
Từ Lang-bian sương mù thác khóc
                                                      mòn mi đá...?”

Và rồi bằng ý thức người con của Châu Ro, nhà thơ đã cố công kiếm tìm nhưng vô vọng:

“Lục trong mông lung hư không ta kiếm
Bới dưới tầng sâu cát bụi ta tìm
Thấy gì đâu! Thấy gì đâu! Ắng lặng!
Chỉ thấy dấu chân nghèo hằn trên
                                                         thớ đá khô!”.
                    (Châu Ro, ta là ai?)

Châu Ro, ta là ai? Câu hỏi vang vọng cho lịch sử một dân tộc mà cũng là câu hỏi cho riêng một nhà thơ vừa được vinh danh giải thưởng: PrékiMalamak, ông là ai?

Có tên tiếng Việt là Trần Tấn Vĩnh hay gọi tắt Trần Vĩnh, ông sinh ngày 20-12-1937 ở xã Hắc Dịch, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. PrékiMalamak đi theo cách mạng từ thời kháng chiến chống Pháp, tập kết ra Bắc học tập, dạy học, sáng tác văn học. Ông từng là sinh viên tốt nghiệp và được nhà trường giữ lại giảng dạy ngữ văn tại Đại học Tổng hợp Hà Nội, rồi chuyển vào giảng dạy ở Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh sau ngày đất nước thống nhất năm 1975. Ông còn tham gia nghiên cứu, xuất bản nhiều công trình về ngôn ngữ, văn hóa dân gian dân tộc Châu Ro cùng với các nhà nghiên cứu Nguyễn Tấn Phát, Đinh Lê Thư, Bùi Mạnh Nhị, Võ Quang Nhơn, Điểu Thời, Hoàng Thị Hậu,…

Nhà thơ PrékiMalamak xuất hiện trên thi đàn từ đầu thập niên 1960 ở Hà Nội, nhưng là người thơ khó tính nên ông viết chậm và ít, hiếm khi đăng báo, lại càng hiếm có mặt trong những sinh hoạt thi ca. Trong lời tựa tập thơ Hát đi em, nhà thơ Thanh Quế cho biết về PrékiMalamak thời đại học: “Tôi học sử năm thứ nhất, anh học văn năm thứ ba. Hai nhà chúng tôi ở sát bên nhau. Ngày ấy lớp anh có nhiều người làm thơ, sau này là những cây bút tài năng như Diệp Minh Tuyền, Lữ Huy Nguyên, Xuân Tùng, Lệ Thu,… Chúng tôi chơi thân với nhau. Préki làm thơ, viết nháp được đoạn nào đều đọc cho tôi nghe để góp ý. Anh thường viết đi, viết lại, xé bỏ nhiều lần, vật vã như người mẹ sinh con…”.

 Như vậy, tuy với thế hệ hôm nay PrékiMalamak còn xa lạ, nhưng đối với các nhà thơ thế hệ chống Mỹ thì ông là người quen. Còn xa lạ bởi ông biết mình là ai và từ đâu đến. Còn xa lạ bởi công việc lao động sáng tạo nghệ thuật với ông rất nghiêm túc và thầm lặng. Còn xa lạ bởi ông biết náu mình để cho thơ lên tiếng, chứ không chạy theo hư danh và phong trào đồng ca.

Để khi tiếng thơ tiếng hát của tâm hồn ông, đại diện cho dân tộc Châu Ro của ông, thực sự cất lên bằng tập thơ đầu tay tinh lọc Hát đi em thì đời sống văn học bình tĩnh tán thưởng, trân trọng đón nhận một thi sĩ khiêm nhường và tài năng đích thực. Một đời thơ chỉ cần như thế cũng hạnh phúc và mãn nguyện, dù tôi tin thi sĩ PrékiMalamak vẫn chưa ngừng dâng trào cảm hứng khi gần tuổi bát tuần…

PHAN HOÀNG

;
.
.
.
.
.