.

Quyền phụ nữ - làm thế nào để chúng ta đạt được?

.

Nữ bác sĩ Renu Adhikari là một trong những nhà hoạt động về nữ quyền mạnh mẽ của thế giới. Bà đã có 24 năm làm việc vì phụ nữ ở Nepal.

Các nhà hoạt động xã hội kêu gọi bình đẳng giới cho phụ nữ Nepal hồi năm ngoái.
Các nhà hoạt động xã hội kêu gọi bình đẳng giới cho phụ nữ Nepal hồi năm ngoái.

Bà từng có mặt ở những cuộc họp trù bị tại New York (Mỹ) hồi năm 1994 nhằm chuẩn bị nội dung cho Hội nghị thế giới lần thứ tư về phụ nữ được tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng 9-1995. Theo kế hoạch, nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 này, lãnh đạo các nước sẽ tụ họp về New York để đánh giá kết quả hoạt động 20 năm của Cương lĩnh hoạt động Bắc Kinh 1995. Chắc chắn các vị nguyên thủ quốc gia sẽ đưa ra lời hứa bảo vệ và thúc đẩy quyền cho phụ nữ và bé gái khắp mọi nơi trên thế giới, nhưng theo bà mọi thứ vẫn chưa có gì thay đổi.  

Bác sĩ Renu Adhikari tới Nepal để tìm hiểu về nạn buôn bán phụ nữ và căn bệnh HIV/AIDS. Bà gặp một bé gái nằm trong đường dây buôn bán phụ nữ. Câu chuyện của cô bé làm bà suy nghĩ có nên tiếp tục làm một bác sĩ y khoa hay làm cái gì đó cho phụ nữ. Tại thời điểm đó bà không hề nghĩ gì tới tổ chức phi chính phủ (NGO) nhưng tới năm 1991 bà thành lập một Trung tâm phục hồi chức năng cho phụ nữ (WOREC).

Bà “lang thang” khắp các ngôi làng ở Nepal, hiểu dần về sự phân biệt giới tính nặng nề ở đất nước châu Á này. Bà kể lại có một lần gặp một nữ bệnh nhân than phiền đau lưng tại trạm y tế dã chiến. Bà kiểm tra và phát hiện một miếng cao su của chiếc dép nằm trong âm đạo của bệnh nhân này. Bà lấy miếng cao su ra, máu tuôn theo. Bà quá sốc. Bệnh nhân mới kể chuyện: Cô ta kết hôn từ năm 13 tuổi. Tới 19 tuổi đã 4 lần mang thai, trong đó có cả 2 lần sẩy thai. Cô ta bị sa tử cung từ 23 tuổi và chồng cô ta đi lấy vợ khác. Người mẹ đơn thân đã phải làm việc rất vất vả suốt 23 năm qua.

Bà bắt đầu viết về đề tài này nhưng không hề dễ dàng chút nào bởi nhiều đồng nghiệp của bà đặt câu hỏi: Vì sao chỉ nói về tử cung? May mắn là người bạn thân, bác sĩ Aruna đã ủng hộ. Bà viết bài, hướng dẫn phụ nữ bảo vệ sức khỏe sinh sản tốt hơn.

Năm 1994, bà tham gia nhiều cuộc họp trù bị ở New York (Mỹ) để chuẩn bị cho Hội nghị thế giới lần thứ tư về phụ nữ được tổ chức tại Bắc Kinh sau đó. Bà không hề có ý kiến về các con số thống kê xã hội. Bà nhanh chóng nghĩ ra cách dù tại những cuộc họp như thế này rất hiếm khi nói về sa tử cung, quyền tình dục của phụ nữ nhưng bà quyết định tiên phong bởi tin rằng rất nhiều phụ nữ ở đây sẽ ủng hộ và những người hoạt động vì nữ quyền ở khắp nơi cũng sẽ ủng hộ.

Bà tới Bắc Kinh dự hội nghị. Hội nghị diễn ra sôi nổi, căng thẳng để rồi cương lĩnh hành động Bắc Kinh cũng được thông qua với các điểm lớn là Bình đẳng, Phát triển và Hòa bình. Ở Nepal bắt đầu nói về bình đẳng giới và chính phủ thành lập một Bộ Phụ nữ.

Nhưng 20 năm trôi qua, mọi thứ chẳng có gì thay đổi. Bà Renu Adhikari cho biết vừa lấy khỏi tử cung một bệnh nhân Nepal miếng vải dài. Bệnh nhân này sống chỉ cách bệnh viện trung ương có 10km.

ANH THƯ (Theo Amnesty)

;
.
.
.
.
.