Quay lại trường sau thời gian dài nghỉ Tết, sinh viên ở các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) trên thành phố Đà Nẵng đang tất bật tìm cho mình những việc làm thêm phù hợp để kiếm tiền trang trải chi phí học tập cũng như tích lũy thêm kinh nghiệm trong cuộc sống.
Bán hàng hay phục vụ ở những quán cà-phê thường là lựa chọn của nhiều sinh viên khi đi làm thêm. Ảnh: H.T |
Hầu hết những nơi thu hút đông đảo sinh viên đến làm thêm thường là các quán cà-phê, quán ăn, gia sư hay bán hàng cho các shop thời trang…; bởi lẽ công việc tại đây tương đối nhẹ nhàng, thu nhập cũng ở mức khá.
Bạn Trần Khánh Linh (sinh viên Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng) chia sẻ: “Năm nay, chưa hết lịch nghỉ, mình đã bắt xe ra sớm hơn vài ngày để tìm suất làm thêm. Vì khi ra sớm, tụi mình có thể chủ động tìm được việc làm phù hợp, gần chỗ trọ để thuận tiện cho việc đi lại, và có thể sắp xếp thời gian phù hợp với mức thù lao hợp lý. Công việc của mình cũng khá nhẹ nhàng, chỉ là bưng bê ở quán cà-phê, làm theo ca 4 giờ liên tục, lương 1 triệu đồng/ tháng, cũng đủ để mình trang trải chi tiêu cá nhân hằng tháng”.
Không được may mắn như Linh, Nguyên (sinh viên Trường CĐ Công nghệ) dù đã xin nhiều chỗ, hỏi thăm bạn bè mà vẫn chưa tìm được một công việc phù hợp. “Trước Tết, mình làm ở quán cà-phê gần trường, giờ xin lại thì quán đã đủ người nên mình phải tìm việc ở những chỗ khác, nhưng đến giờ vẫn chưa tìm được công việc thích hợp. Vì cấn lịch học nên mình chỉ rỗi vào buổi tối, hơn nữa, mình không có xe máy nên chỉ có thể xin việc làm thêm ở những nơi gần trường. Giờ cứ đành chờ và nhờ bạn bè tìm hộ”, Nguyên tâm sự.
Dạo một vòng quanh các tuyến đường như Âu Cơ, Ngô Văn Sở, Dũng Sĩ Thanh Khê, dày đặc các quán cà-phê, quán nhậu với nhân viên phục vụ, giữ xe… chủ yếu là sinh viên. Đa số các sinh viên làm thêm đều chọn hình thức làm bán thời gian (theo ca), giúp các bạn chủ động hơn trong việc sắp xếp thời gian lên giảng đường và làm thêm. Tùy theo từng công việc mà mức lương trả cho người làm thêm cũng khác nhau, dao động từ 900.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/tháng.
Chọn cho mình nghề gia sư, Lê Thị Ngọc Ánh (sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ) tâm sự: “Mình kèm cho học trò tại nhà ngày 2 tiếng vào buổi tối, 1 tuần 4 buổi. Việc dạy thêm này giúp mình củng cố kiến thức, trau dồi thêm kỹ năng cũng như rút ra được nhiều kinh nghiệm cho công việc của mình sau này”. Theo Ngọc Ánh thì từ mức lương 1,5 triệu đồng/ tháng, Ánh có thể tự trang trải tiền ăn và chi tiêu hằng tháng mà không phải xin phụ cấp từ bố mẹ. “Mình cũng nhận việc phát tờ rơi vào cuối tuần cho các cửa hàng, siêu thị với mức thù lao 40.000đồng/ 1 giờ”, Ánh cho biết thêm.
Hiện nay các hàng quán, các cửa hàng... đều treo biển tuyển nhân viên làm theo ca nhưng không vì thế mà ai cũng có thể tìm được một công việc như mong muốn. Bạn Đinh Văn Tín (Trường CĐ Thương mại) bộc bạch: “Vì đến sau nên những công việc làm thêm thuận tiện đều đã đủ người, mình đành phải nhận suất giữ xe cho một quán cà-phê, mức thù lao cũng tạm ổn nhưng quãng đường đi hơi xa. Mình nhận làm tạm, bao giờ tìm được chỗ gần nhà trọ hơn, mình sẽ chuyển”.
Sinh viên làm thêm không còn là điều xa lạ, bởi ngoài những sinh viên có đủ điều kiện kinh tế từ gia đình, thì đâu đó vẫn còn những sinh viên phải bươn chải để kiếm thêm thu nhập, trang trải cho việc học cũng như cuộc sống của chính mình. Làm thêm cũng là một cách để sinh viên có thể rèn luyện những kỹ năng mềm, tích lũy thêm những kinh nghiệm, vốn sống sau khi ra trường và cũng đặt ra cho sinh viên một thách thức, đó là phải làm sao dung hòa giữa việc học và làm thêm một cách hợp lý.
HỮU TRUNG