.

Tản mạn về sinh nhật của người Việt

.

Nhìn các buổi tiệc mừng sinh nhật của số đông người Việt ngày nay với những nghi thức hiện đại như thổi nến, cắt bánh ga-tô và vỗ tay cùng hát bài Happy Birthday to You nổi tiếng thế giới - của chị em nhà Patty Smith Hill và Mildred J. Hill người Mỹ - bằng hai thứ tiếng, thậm chí chỉ bằng tiếng Anh, nhiều người nghĩ rằng người Việt mới bắt đầu có thói quen tổ chức mừng sinh nhật cách đây chừng trăm năm, sau khi tiếp thu văn hóa phương Tây trên diện rộng.

Thực ra từ rất xa xưa, người Việt đã sớm hình thành thói quen này, bởi bất kể gia cảnh thế nào, quyền quý hay bình dân, hầu như mọi gia đình Việt Nam đều tổ chức mừng sinh nhật khi trẻ con trong nhà tròn một năm tuổi - gọi là thôi nôi. Chỉ có điều thôi nôi được tính theo âm lịch - chứ không phải tính theo dương lịch như sinh nhật bây giờ.

Như vậy theo phong tục cổ truyền, người Việt tuy không tổ chức mừng sinh nhật hằng năm nhưng vẫn tổ chức mừng sinh nhật đầu đời/thôi nôi. Ngoài ý nghĩa đánh dấu một năm ngày đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời, đường hoàng hiện diện trong cõi nhân gian, mừng sinh nhật đầu đời/thôi nôi còn là dịp định hướng nghề nghiệp cho đứa trẻ theo kiểu “nghe nhạc hiệu đoán chương trình”, thông qua kết quả đứa trẻ chọn cầm nắm trước tiên vật dụng gì trong hàng loạt vật dụng được bày trước mặt - chẳng hạn cầm kéo sẽ thành… thợ may, cầm lược sẽ thành… thợ hớt tóc, cầm bút sẽ thành… thầy giáo! Ngoài việc tổ chức mừng sinh nhật đầu đời/thôi nôi, không ít nhà phú quý sinh lễ nghĩa còn tổ chức thêm một số lần mừng sinh nhật vào các năm chẵn/năm tròn cho người đã lên lão lục tuần - gọi là mừng thọ.

Ngày nay, người Việt tổ chức mừng sinh nhật hầu như thường niên. Ngoại trừ mừng sinh nhật đầu đời/thôi nôi vẫn được tổ chức theo nghi thức cổ truyền như tính ngày sinh âm lịch, lễ cúng gia tiên, chơi trò “hướng nghiệp” và chỉ tổ chức trong nhà, mừng sinh nhật người Việt ngày nay - kể cả mừng thọ đang trở thành phổ biến - đều được tổ chức theo phong cách hiện đại - thổi nến, cắt bánh ga-tô, hát Happy Birthday to You, thậm chí có thể được tổ chức ở nhiều nơi và không nhất thiết phải thật đúng ngày - chỉ cần trong tuần hoặc có khi trong tháng ấy là được. Sở dĩ có sự linh hoạt như vậy là vì bản chất văn hóa của việc tổ chức mừng sinh nhật cho ai đó chính là sự quan tâm của người thân và bạn bè dành cho người ấy nhân ngày người ấy được sinh ra trên thế giới này.

Cho nên những ai không có điều kiện về thời gian/tiền bạc để mở tiệc nhân kỷ niệm sinh nhật mình vẫn có thể ấm lòng khi nhận quà tặng/thiệp mừng qua đường bưu điện hoặc đơn giản hơn là nhận lời chúc qua điện thoại/tin nhắn/e-mail… của bạn bè và người thân. Nhiều cơ quan có đông nhân viên sinh cùng tháng đã chọn tổ chức mừng sinh nhật tập thể vào ngày sinh của một người trong số đó - ở thời điểm được xem là thuận tiện nhất cho cả cơ quan. Ngay trong gia đình, vấn đề thời điểm tổ chức mừng sinh nhật sao cho thuận tiện cũng được đặt ra, chẳng hạn tổ chức sớm hoặc muộn hơn so với ngày sinh vài hôm để cả nhà cùng có mặt. Bởi cái quan trọng nhất ở đây không phải là mâm cao cỗ đầy mà là tình cảm chân thành thương quý của mọi người dành cho nhân vật chính…

Trong lễ tân ngoại giao, việc chúc mừng sinh nhật rất được coi trọng, nhất là với các nước phương Tây. Nhờ thấu hiểu tập quán này mà năm 1946, Bác Hồ quyết định lấy ngày sinh của mình - một ngày tự chọn để kịp xử lý tình thế trước mắt - làm phương tiện đấu tranh ngoại giao. Được tin phía Việt Nam tổ chức mừng sinh nhật người đứng đầu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 19 tháng 5, Cao ủy Đông Dương Georges Thierry D’Argenlieu vừa chân ướt chân ráo trở lại Hải Phòng, đã phải lên Hà Nội từ chiều hôm trước để hôm sau đến Bắc Bộ phủ chúc mừng sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vị khách đã tận mắt chứng kiến nhân dân thủ đô bày tỏ tình cảm với vị lãnh tụ kính yêu, đồng thời thấy được sức mạnh của chính nghĩa và khát vọng hòa bình của một đất nước vừa giành được tự do, độc lập.

Cuối năm 1998, người viết bài này tham gia đoàn đại biểu Ban Tổ chức Trung ương và Ban Tài chính - Quản trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam sang công tác ở Bắc Kinh. Khi gần kết thúc buổi chiêu đãi của Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, cả đoàn bất ngờ khi thấy hai nhân viên phục vụ mang một bánh ga-tô lớn có cắm ngọn nến sinh nhật đến chỗ một đồng chí trong đoàn, và người chủ trì buổi chiêu đãi - Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc - đứng lên trịnh trọng tuyên bố: Hôm nay là sinh nhật của đồng chí, Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc vinh dự được tổ chức mừng sinh nhật của đồng chí lần này tại Bắc Kinh, xin chúc mừng đồng chí, mời đồng chí thổi nến và cắt bánh! Nghi thức gọn nhẹ vậy thôi mà tạo ấn tượng thật là sâu sắc!

Năm 2013, người viết bài này tham gia đoàn đại biểu Đà Nẵng sang công tác tại Yokohama, Kawasaki, Tokyo của Nhật Bản và Seoul, Busan của Hàn Quốc, được mọi người trong đoàn nói vui là đã lập kỷ lục về mừng sinh nhật vì được cả hai nước/năm thành phố liên tục tổ chức mừng sinh nhật - tất nhiên cũng theo nghi thức gọn nhẹ mà ấn tượng như kiểu bánh ngọt Bắc Kinh.

Còn nhớ đêm mồng 6 tháng 8 ở Yokohama - trước sinh nhật tôi bốn hôm, các bạn Hoành Tân nâng cốc chúc mừng tôi và hô vang: Dô! Dô! Dô! Tôi hỏi tại sao hô vậy, các bạn trả lời rằng sang thăm Đà Nẵng nghe hô thế. Tôi hỏi thêm có hiểu tại sao người Đà Nẵng lại hô thế không và giải thích đó là vì biết các bạn đến từ Yokohama. Rồi tôi đề nghị tối nay thay vì chỉ hô Yo! - gọi tắt Yokohama, hãy cùng hô Yo/Da! - gọi tắt Yokohama/Đà Nẵng…

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.