.

Người đi "minh oan" cho sữa mẹ

.

Về chị, chỉ có một câu để nói: Là người yêu sữa mẹ đến mê mệt! Yêu đến độ thản nhiên đổi nghề và bỏ qua những vị trí quản lý kinh doanh trong mơ đối với nhiều người chỉ để “cày” nghề chuyên gia sữa mẹ.

Chuyên gia Lê Nhất Phương Hồng hướng dẫn các “mẹ sữa” Đà Nẵng thực hành tư thế cho con bú. Ảnh: T.H
Chuyên gia Lê Nhất Phương Hồng hướng dẫn các “mẹ sữa” Đà Nẵng thực hành tư thế cho con bú. Ảnh: T.H

Yêu đến mức chấp nhận hao tổn về kinh tế để làm một “cuộc cách mạng” chống lại sự kỳ thị sữa mẹ. Và yêu đến sẵn lòng dành tất cả thời gian, kể cả vài phút ngồi trước bàn trang điểm cũng bị tiết kiệm để ưu tiên cho việc thu nạp và chia sẻ kiến thức khoa học về sữa mẹ.

Chị là chuyên gia tư vấn sữa mẹ - ThS Lê Nhất Phương Hồng, người duy nhất được biết đến tại Việt Nam hiện nay sở hữu “bộ sưu tập” những chứng chỉ uy tín hàng đầu cấp quốc tế chuyên sâu về sữa mẹ và về dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ đến vị thành niên. Nhiều “mẹ sữa” trên toàn quốc biết chị với nick Chuyên gia Betibuti (bé tí bú ti), khi chị là sáng lập viên chuyên trang kiến thức nuôi con sữa mẹ Betibuti www.facebook.com/betibuti

Chị ơi! “Ti” em không có sữa…

Căn gác quán cà-phê trên đường Lê Lợi vào ngày cuối tháng 5 trở thành “lớp vỡ lòng” đầy ắp những bỡ ngỡ, bất ngờ đối với các bà mẹ sữa Đà Nẵng. Cho con bú bằng sữa mẹ tưởng dễ ợt, nhưng thực tế phũ phàng là rất ít trẻ em được bú mẹ hoàn toàn, đến mức tỷ lệ trẻ Việt Nam bú mẹ vào hàng thấp nhất thế giới. Bởi mẹ tin sữa công thức hơn sữa của chính mình; mẹ sợ bé đói; mẹ bị người xung quanh xúi giục đừng keo kiệt tiền mua sữa cho con; mẹ thấy “ti” mình ít sữa…

Những lo âu, suy đoán đó là lý do chị Lê Nhất Phương Hồng từ thành phố Hồ Chí Minh ra Đà Nẵng hội ngộ các chị em, những người đang và sẽ nuôi con bằng sữa mẹ. Dù lần đầu gặp mặt, nhưng chị Hồng đã là “bà chị” thân thiết, ngày ngày tỉ tê giao lưu tư vấn với hàng ngàn bà mẹ trên toàn quốc trong vai trò chuyên gia Betibuti trên trang facebook Betibuti và Hội Sữa Mẹ (Betibuti).

Mặc cái nóng hầm hập của những ngày Đà Nẵng vào đợt nắng đỉnh điểm, chị Hồng say sưa giải đáp tất cả thắc mắc của các mẹ về nguồn sữa từ lúc mang thai cho đến giai đoạn bé cai vú mẹ. Tưởng chừng chị trút cạn lòng mình để nói, chỉ mong sao, đổi lại là có thêm những em bé được hưởng giây phút bình yên trọn vẹn bên bầu vú mẹ.

Những kiến thức chị chia sẻ đều căn cứ trên những nghiên cứu khoa học của các tổ chức hàng đầu thế giới. Tuy vậy, dưới cách nói tâm tình của một người cũng làm mẹ và thấu hiểu khó khăn trong việc nuôi con bằng sữa mẹ, các thông tin khoa học được chị nói ra một cách dễ hiểu và đơn giản để áp dụng ngay.

Có thể bạn bất ngờ

- 98% các bà mẹ có thể nuôi con sữa mẹ hoàn toàn, không phụ thuộc cơ địa.

- Sữa non có sẵn trong bầu vú mẹ từ tuần 16-20 của thai kỳ, không phải sau sinh vài ngày mới có.

- Móng giò không lợi sữa, ngược lại là một trong những nguyên nhân chính gây tắc tia sữa. Lượng và chất sữa mẹ được tạo nên dưới cơ chế vận hành của các hormone và không cần thêm thực phẩm lợi sữa nào.

- Sữa bột không đứng vị trí thứ hai sau sữa mẹ ruột. Thứ tự ưu tiên là sữa mẹ ruột bú trực tiếp, sữa mẹ ruột vắt trữ, sữa xin của mẹ khác (HIV âm tính và thanh trùng) và cuối cùng mới đến sữa bột.

Sữa người đang bị kỳ thị!

Vốn là người có niềm tin mạnh mẽ vào sữa mẹ, chị Hồng đã nuôi các con hoàn toàn bằng sữa của mình, dù mười mấy năm trước, chị làm tất cả điều đó chủ yếu bằng niềm tin, chứ chưa có những thông tin và khuyến cáo khoa học toàn cầu như hiện nay. Các bé nhà chị đều bị chê “còi” và bị mang tiếng sữa mẹ “kém chất lượng”, nhưng chị mặc kệ.

Chị từng ấp ủ mai này… nghỉ hưu sẽ làm một dự án cộng đồng nào đó có liên quan đến nuôi con bằng sữa mẹ. Phải đợi tuổi già mới làm được, bởi lúc này chị đang có vị trí trong một ngân hàng quốc tế lớn.

Trong thời gian công tác, chị thường chia sẻ phương pháp nuôi con với các đồng nghiệp trẻ và nhận thấy họ có quá nhiều sai lầm. “Làm cha mẹ, ai cũng thương con và muốn làm điều tốt nhất cho con. Cái họ làm chưa đúng chẳng qua là vì chưa hiểu biết đúng”, nghĩ vậy, chị tìm kiếm các bài nghiên cứu của nước ngoài để “link” cho các mẹ đọc. Kết quả là đường link của chị không phát huy tác dụng, vì thông tin chuyên sâu bằng tiếng Anh không dễ đọc đối với nhiều người. Vẫn đầy nhiệt tình, chị đã bắt đầu dịch lại các bài viết khoa học ấy ra tiếng Việt.

Với bản tính muốn làm gì phải làm cho đến nơi đến chốn, chị Hồng quyết định… đi học để có kiến thức chuẩn xác, chứ không phải chia sẻ thông tin bằng kinh nghiệm hay hiểu biết góp nhặt.

Năm 2013, chị liên tiếp hoàn tất các chứng chỉ “Chuyên gia tư vấn Nuôi con sữa mẹ” của Học viện Sữa mẹ quốc tế Canada; “Thực hành và vận động nuôi con sữa mẹ” của Liên minh hành động vì Nuôi con sữa mẹ thế giới (WABA) tại Malaysia và khóa học Lập trình Nuôi dưỡng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ của UNICEF cùng ĐH Cornell Mỹ tổ chức. Năm 2015, chị tiếp tục học và hoàn tất chuỗi chứng chỉ Dinh dưỡng và Sức khỏe chuyên sâu – chuyên ngành Dinh dưỡng trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và vị thành niên của tổ chức Dinh dưỡng và Sức khỏe Beck (Australia).  

Một lèo bài vở các khóa học sữa mẹ và dinh dưỡng trôi qua không quá khó, khi chị có sẵn vốn ngoại ngữ, nhưng để được ghi danh vào các lớp này là một cuộc thử thách lòng kiên nhẫn với người “ngoại đạo” như chị.

Tất cả khóa học trên đều đòi hỏi học viên là cán bộ y tế. Để bắt đầu học chuỗi chứng chỉ của Viện Sữa mẹ quốc tế, chị đã phải kiên trì xin được ngoại lệ đầu vào (vì không phải là người ngành y), bằng việc chủ động hoàn tất trước đó 4 chứng chỉ căn bản về cấu tạo bầu vú, sự phát triển của trẻ nhỏ, thuật ngữ y khoa và đạo đức nghề tư vấn sữa mẹ. Riêng khóa học thực hành nâng cao do WABA tổ chức chỉ có 16 chỗ ngồi dành cho cán bộ y tế cấp cao của các nước ASEAN và không có thành viên Việt Nam tham dự. Vậy nhưng, bằng khát khao cháy bỏng, chị Hồng viết thư bày tỏ nguyện vọng theo học. “Nài nỉ” đến lần thứ 3, chị mới được các tổ chức trên đặc cách cho tham gia, với việc xem xét tất cả kết quả liên quan mà chị đã học với Viện Sữa mẹ quốc tế trước đó.

Chưa dừng lại ở đó, đầu năm 2015, chị khiến nhiều người bất ngờ vì đã từ bỏ ngành tài chính ngân hàng để dành toàn tâm toàn sức cho việc phát hành sách và làm công việc quảng bá cho “sữa mẹ người”.  Tuy nhiên gia đình và đồng đội betibuti của chị không hề bất ngờ trước bước rẽ này, bởi họ đã chứng kiến chị dành bao đêm, bao buổi cuối tuần để đọc, nghe, nói và viết về sữa mẹ.

Hiện tại, với tất cả kiến thức chính thống và với kinh nghiệm tư vấn cho cộng đồng các mẹ sữa Việt Nam, chị đã cho ra mắt cuốn sách đầu tay “68 Ngộ nhận và Giác ngộ - Nuôi con Sữa mẹ” được Nhà Xuất bản Phụ nữ phát hành vào tháng 4 năm nay (3.700 bản in đầu tiên đã được bán hết trong vòng gần 2 tháng, hầu hết được đặt mua trước). Cuốn sách này là một hệ thống kiến thức cho các mẹ mang thai và cho con bú. Nội dung cuốn sách chị viết giống với cách chị nói, đầy ắp thông tin khoa học nhưng được chuyển tải bằng lời lẽ tâm tình.

Đây cũng là cách chị lên tiếng “minh oan” cho sữa người. Nếu sữa bột là từ sữa động vật (bò, dê) luôn được tô vẽ bằng những khả năng vượt trội, thì sữa mẹ người lại bị nhiều người chê bai là “nóng”, “chua”, “ít chất” “có bệnh”, v.v… Còn cách nào bảo vệ sữa mẹ người tốt hơn “nói có sách, mách có chứng”.

Càng đau lòng, càng có động lực!

Hỏi chị rằng, khi đã thuyết phục đến cạn lời, các mẹ nghe cũng đến cạn ý, nhưng quay về nhà, nhiều bà mẹ vẫn… pha bình cho con bú dặm, thấy vậy chị có đau lòng không. Chị gật đầu: “Đau lắm chứ, nhưng càng đau càng có động lực”. “Mình phải làm nhiều hơn để mỗi ngày có thêm một vài người kiên định cho con bú mẹ”, chị Hồng nói.

Chị từng độc hành trên con đường đấu tranh cho sữa mẹ. Nhưng đến nay, chị không đơn độc nữa, khi qua 20 tháng hoạt động, Hội Sữa mẹ (Betibuti) có 11 quản trị viên  “chăm lo” cho  trên 100.000 thành viên, và mỗi tuần lại có thêm khoảng 2.500 thành viên mới. Điều này đồng nghĩa, ngày càng nhiều bà mẹ “theo phe” sữa người.

Nghị định 100 của Chính phủ vừa mới ra đời, quy định cấm quảng cáo sữa thay thế sữa mẹ dưới mọi hình thức, kèm theo đó, Đà Nẵng có những bác sĩ và tổ chức quốc tế ủng hộ chị trên hành trình giành lại niềm tin cho sữa mẹ. Với chị, đây là dấu hiệu hoàn hảo của “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, để tin rằng mình đang đi trên con đường đúng.

“Sự hiểu biết chuyên sâu và đam mê của bà (Lê Nhất Phương Hồng-PV) dành cho công cuộc nuôi con sữa mẹ đã khiến bà trở thành một đại quán quân trên con đường chính nghĩa này. Và chúng tôi tin rằng, bà sẽ tiếp tục kiên trì trong những nỗ lực của mình để khuyếch trương những phương pháp thực hành nuôi con sữa mẹ tối ưu cho đến khi chúng ta tạo ra được một môi trường hỗ trợ nuôi con sữa mẹ trên toàn khắp đất nước Việt Nam”.

(Nemat Hajeebhoy, Giám đốc Dự án Nuôi dưỡng và Phát triển –Alive & Thrive Việt Nam, 11-2014)

THU HOA

;
.
.
.
.
.
.
.

Đọc nhiều

.
.