.
85 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo (1-8)

Một thời, Tuyên huấn Quảng Đà

.

Tuyên huấn Quảng Đà là một binh chủng chiến đấu trên mặt trận tư tưởng. Bấy giờ nói công tác tư tưởng đi trước một bước. Không có ai chết vì đầu hàng, phản bội.

Lễ gắn bia tưởng niệm các liệt sĩ ngành Tuyên huấn hy sinh tại khu căn cứ Hòn Tàu.        Ảnh: XUÂN DUYÊN
Lễ gắn bia tưởng niệm các liệt sĩ ngành Tuyên huấn hy sinh tại khu căn cứ Hòn Tàu. Ảnh: XUÂN DUYÊN

Sau những năm dài chiến tranh khốc liệt, hưởng hạnh phúc của hòa bình, điều đáng mừng là những người còn sống sót, dù phải đối diện với hoàn cảnh nào của hiện tại, hầu như không có ai bị cái xấu, cái ác lôi kéo vào thoái hóa, biến chất và hầu như tất cả đều tự hào về những ngày hôm qua của mình.

Tôi nhớ hoài câu nói của ông Ngô Xuân Hạ,Trưởng ban Tuyên huấn Quảng Đà, trong một buổi họp toàn cơ quan sau hai ngày bị địch tập kích, chạy vào trú trong một khe đá: Tư tưởng không thông thì cái bi đông cũng nặng! Ở trên chiến khu hầu hết cán bộ, công nhân viên đều phải đi cõng gạo, cõng mắm cho đơn vị mình. Tùy theo khả năng của mỗi người, mang một gùi gạo ba ang, bốn ang, năm ang, đi đường dài, leo dốc nặng, mệt vẫn chịu được, nhưng, khi bực bội chuyện gì, không thông chuyện gì thì, mang thêm một cái bi đông nước uống cũng thấy nặng.

Tháng bảy năm 1968, mới chân ướt chân ráo về cơ quan Báo Giải phóng Quảng Đà, hôm ấy, vừa  bước vào nhà thấy chỉ có 4 người, tôi chưa biết ai là thủ trưởng, ai phóng viên, ai nhân viên. Rồi lần lượt trước và sau bữa cơm đầu tiên thì biết.

Khi anh Trần Văn Anh đang trong bếp thì thấy Hồ Hải Học, to béo, trắng trẻo, đang ngồi chễm chệ giữa sân gắp từng lát măng tươi vuông vức bỏ vào cái thẩu có ít mắm cái... Năm 1964, Hải Học đang học thông tấn ở Liên Xô thì gặp thời “xét lại”, thế là Tổ chức cho về Hà Nội, sau đó chừng hai năm Hải Học xung phong vào chiến trường miền Nam - nơi có mẹ và các em.

Trần Văn Anh thì đen sạm, gầy, dân xã Hòa Lương (nay là xã Hòa Khương), huyện Hòa Vang, tập kết về. Hoàng Kim Tùng cũng đen, nhỏ con, một nhà giáo người Đông Hà - Quảng Trị, xung phong vào chiến trường. Và Hữu Mười (còn gọi Mười Tùy), trông chững chạc, ít nói, cẩn thận từng lời, viết cũng nắn nót, dân Điện Thọ, Điện Bàn, thoát ly. Sau này các anh Trần Văn Anh, Hoàng Kim Tùng, Hồ Hải Học đều kinh qua Ủy viên Ban Tuyên huấn Quảng Đà.

 Bữa ăn đầu tiên với anh em Báo Giải phóng Quảng Đà chiều hôm đó có măng tươi xào với thịt hộp, có rau dền luộc chấm mắm cái, một bát nước rau luộc màu xanh lục làm canh. Sau này mới biết có được bữa ăn tươi như vậy chỉ có dưới đồng bằng, chứ trên núi thì khó. Đêm đầu tiên về Báo Giải phóng Quảng Đà ngủ chưa trọn giấc thì bị đánh thức. Anh Tùng đập đập chân tôi: Dậy! Dậy.

Khi tôi mắt nhắm, mắt mở thức dậy thì các anh đang vội vã thu xếp đồ đoàn: muối vào lon, mắm vào lọ, gạo vào ruột nghé, mấy cái soong xâu một xâu. Mỗi người một cái gùi cá nhân phải nhận thêm một trong những thứ của chung, mang thêm được bao nhiêu thì quí bấy nhiêu. Anh Tùng phân cho tôi một ruột nghé gạo và một đùm soong nồi lỉnh kỉnh, lơ mơ là bị dính nhọ.

Thấy hơi ngại, lúc đó, không ai làm công tác tư tưởng cho tôi, nhưng lẽ nào không nhận, mà thoái thác cho ai, khi ai cũng lưng gùi, tay xách, vai mang. Người trên lưng mang nặng nhất, hai tay cũng không ở không là anh Hoàng Kim Tùng - người Bí thư chi bộ đã hy sinh vào lúc 1 giờ sáng 21 tháng 5 năm 1972, khi cơ quan của Ban Tuyên huấn Quảng Đà đóng trong mấy cái hang đá trên núi Hòn Tàu bị một loạt bom B.52 làm chết 10 người, bị thương 5 người...

Độ 3 giờ sáng thì bắt đầu đi chống càn. Mò mẫm trong đêm tối trời, tôi vừa đi vừa chạy lúp xúp, bất kể mương nước, ruộng lầy, gai, mảnh, cố bám theo các anh, thỉnh thoảng giật thót người vì những quả pháo bất ngờ xè... xè... ùm sau lưng. Hừng sáng hôm sau thì đến một ngôi nhà ở trên lưng đồi, sau đồi là mờ mờ núi thấp. Đó là thôn Hai xã Xuyên Khương - một trong các xã của Duy Xuyên dựa lưng vào chân núi Hòn Tàu. Ban Tuyên huấn Quảng Đà có một bộ phận đóng ở khu vực này, trong xóm nhà ông Trùm Diễn, nhà bà Trùm Tính...

Thời chống Mỹ, Tuyên huấn là một ban trực thuộc Tỉnh ủy. Một ban - một binh chủng, bao gồm các tiểu ban: Huấn học, Tuyên truyền, Giáo dục, Trường Đảng, Đoàn văn công, Nhà in và Báo. Có một số cán bộ từ miền Bắc vào - là những con em Quảng Nam -  Đà Nẵng tập kết ra miền Bắc theo tinh thần Hiệp định Genève năm 1954, theo tiếng gọi giải phóng miền Nam, từ sau khi có Nghị quyết 15, họ xung phong lên đường về lại quê hương.

Còn hầu hết là người trong vùng địch kiểm soát tự nguyện thoát ly lên chiến khu. Khi có người, tương đối đủ cán bộ thì các tiểu ban tách ra ở riêng vừa để dễ giải quyết cái ăn, nơi ở. Bấy giờ, tất cả đều ở trong nhà dân, vùng này chưa bị đánh phá nặng nề như Gò Nổi. Sau đó mấy hôm, tôi biết thêm nhà chị Bảy ở thôn Thanh Châu, xã Xuyên Thanh cũng là nơi cơ quan Tuyên huấn Quảng Đà đóng.

Cả hai nơi này là trạm trung chuyển giữa đồng bằng và núi. Nơi đây gần khu dồn A Đông, đồn Gò Am, đồn Kiểm Lâm... tức là gần địch, có thể bị địch tập kích bất cứ lúc nào. Từ Xuyên Khương cũng như Xuyên Thanh đi chừng một tiếng đồng hồ thì đến vùng chân núi Hòn Tàu. Đứng ở đồng bằng Duy Xuyên nhìn lên núi Hòn Tàu thấy một quả núi trông như cái đầu con chim cu, gọi là Hòn Quắp.

Nhà in báo lúc bấy giờ khoét một cái hang sâu vào sườn núi làm nơi đặt máy in báo. Báo Giải phóng Quảng Đà có căn hầm đào vào núi để tránh bom pháo và cái chòi lợp lá nón cạnh Nhà in để treo võng nghỉ và đọc, viết. Xung quanh khu vực Hòn Quắp từng đóng cơ quan Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Đà, và có những cái hang làm nơi ở và làm việc của Bí thư Tỉnh ủy Hồ Nghinh, của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng. Và, có cả những cơ quan ban ngành trực thuộc Tỉnh ủy cũng đóng xung quanh, cách nhau chừng một giờ đi bộ.

Hồi đó, đi một chuyến công tác ít nhất một tháng, có khi 2 tháng mới về lại cơ quan nếu không bị hy sinh. Nhiều cán bộ của Ban Tuyên huấn Quảng Đà đi công tác rồi đi làm liệt sĩ như anh Hồ Hiến, người Điện Tiến, tập kết về, anh Phan Quýt tập kết về ở Tiểu ban Giáo dục, anh Trần Mậu Tý là giáo viên dạy ở Quế Sơn, thoát ly lên chiến khu, ở Tiểu ban Tuyên truyền,... phóng viên Dương Tấn Nhường tập kết về, ở Báo Cờ Giải phóng Quảng Đà, anh Trần Thanh cán bộ tiếp phẩm của Báo.  Có lần đi công tác khi cơ quan đóng ở Gò Nổi, lúc về cơ quan ở trên Mặt Rạng - Hòn Tàu hoặc trên dốc Ông Thủ ở núi Đại Lộc.

Đi và về đều phải bám theo giao liên. Đến nơi công tác thì phải liên hệ với cán bộ xã để được bố trí chỗ ở, thường ở trong nhà dân, ăn với dân, nếu nơi đó còn dân, không có dân thì bám theo du kích để có cái ăn và nhất là có hầm bí mật khi có địch càn có chỗ rúc. Giới thiệu là phóng viên, là cán bộ Tuyên huấn thì đến đâu cũng được tiếp nhận một cách vui vẻ, không có chuyện từ chối với lý do không có chỗ ở, không có hầm bí mật.

Nhiều cán bộ đi công tác xuống địa phương, gặp lúc khó khăn, họ từ chối thì khóc ròng. Nói là phóng viên, nhưng xuống địa phương thì làm việc như một cán bộ Tuyên huấn. Các anh chị ở xã nghe giới thiệu “phóng viên nhà báo” thì rất quý, làm như phóng viên phải là người “văn hay, chữ tốt”, cho nên có họp hành, kể cả họp chi bộ cũng không quên mời anh phóng viên dự dù phóng viên như tôi bấy giờ chưa là một đảng viên.

Cực nhất là mời anh phóng viên phát biểu ý kiến, sợ hơn là mời anh phóng viên nói chuyện thời sự trong nước và quốc tế, mời dự và nói chuyện trong các cuộc mít-tinh gặp dân vùng yếu - vùng ban ngày có địch còn ban đêm thì cán bộ, du kích đột nhập vào gặp dân. Gặp dân để nói cho dân biết chủ trương, đường lối của Mặt trân Dân tộc Giải phóng và thông qua dân mua lương thực, thực phẩm. Bấy giờ, cán bộ Tuyên huấn xuống địa phương thì được địa phương khai thác tối đa cho công tác tư tưởng.

Khi trao đổi về công tác tuyên truyền ở vùng sâu, anh em hay đùa: Tin chiến thắng từ chiến trường dội về làm ai cũng nức lòng. Mỗi lần gặp dân thì “Ta thắng lớn, địch thua to. Có mắm, có muối bán cho tôi về”. Đi xuống địa phương mà tiếp xúc được với dân, cõng về một gùi gạo, một thùng mắm cái thì cả cơ quan thấy ấm cái bụng. Có thực mới vực được đạo.

Chuẩn bị cho chiến dịch Xuân Mậu Thân – 1968, Đoàn văn công bị bom, 9 người hy sinh, chưa vơi nỗi buồn, thì phóng viên Dương Tấn Nhường hy sinh, cũng trong năm bom đạn khốc liệt ấy, phóng viên Đỗ Nhung, rồi đến phóng viên Nguyễn Trọng Định - nguyên phóng viên Báo Nhân dân từ Hà Nội vừa tăng cường cho Báo Giải phóng Quảng Đà bị pháo trúng tim hy sinh lúc sáng sớm ngày 26 tháng 8 năm 1968. Mà đâu chỉ cán bộ, chiến sĩ làm công tác tư tưởng, văn hóa hy sinh. Nhiều người dân kiên cường bám trụ trên đất giải phóng ngã xuống ngay trên căn hầm trong nhà mình, dân tình không còn nơi yên ổn để trồng tỉa.

Nhà cửa tan hoang. Vậy mà vẫn còn các xóm dân kiên cường với tinh thần “một tấc không đi, một ly không rời”. Bấy giờ, thời gian đầu Tỉnh ủy có chủ trương: Dân bám đất, du kích bám dân. Thế là, không chỉ du kích mà cán bộ Tuyên huấn, các nhà báo cũng bám trụ với dân, cùng đội ác liệt với dân.

Một chiến trường khốc liệt như thế nhưng giới báo chí, văn nghệ từ miền Bắc chi viện vào cho Khu V, nhiều người xin đi thực tế Quảng Đà, Quảng Nam như: Nguyên Ngọc, Nguyễn Chí Trung, Thu Bồn, Chu Cẩm Phong, Bùi Minh Quốc, Dương Thị Xuân Quý, Dương Đức Quảng, Nguyễn Khắc Phục, Thanh Quế, Nguyễn Bá Thâm, Thái Bá Lợi, Đỗ Văn Đông... Chưa kể các anh chị ở Điện ảnh, Thông tấn xã, họa sĩ... Ngày 8 tháng 3 năm 1969, nhà văn Dương Thị Xuân Quý hy sinh, hơn một năm sau, ngày 1 tháng 5 năm 1971, nhà văn Chu Cẩm Phong hy sinh. Và, tại thôn Một xã Điện Thái, vào lúc  9 giờ sáng ngày 29 tháng 12 năm 1968, máy bay phản lực Mỹ - F105 ném bom trúng miệng hầm, anh Trần Văn Anh vừa vọt lên chạy được mươi mét thì trúng bom, hy sinh.

Công tác tư tưởng lúc bấy giờ là làm cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân không sợ Mỹ giàu và nhiều súng đạn. Là phấn đấu vượt qua gian khổ, sẵn sàng hy sinh. Là tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, kiên định lập trường đánh Mỹ để mong có hòa bình, giành lấy độc lập, tự do. Với chúng tôi, với người dân miền Nam yêu nước lúc bấy giờ thì Đảng là Bác Hồ, là Thủ tướng Phạm Văn Đồng, là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, là Trường Chinh, là Lê Duẩn... là Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu", là miền Bắc có thủ đô Hà Nội làm hậu phương lớn hết lòng vì miền Nam ruột thịt. Tuyên huấn Quảng Đà là một binh chủng chiến đấu trên mặt trận tư tưởng.

Bấy giờ nói công tác tư tưởng đi trước một bước. Không có ai chết vì đầu hàng, phản bội. Sau những năm dài chiến tranh khốc liệt, hưởng hạnh phúc của hòa bình, điều đáng mừng là những người còn sống sót, dù phải đối diện với hoàn cảnh nào của hiện tại, hầu như không có ai bị cái xấu, cái ác lôi kéo vào thoái hóa, biến chất và hầu như tất cả đều tự hào về những ngày hôm qua của mình.

HỒ DUY LỆ

;
.
.
.
.
.