.

Bình yên dưới những nếp nhà

.

Bên cạnh những gia đình ủng hộ sự lựa chọn của giới trẻ theo con đường ra ở riêng khi lập gia đình, thì vẫn còn nhiều bậc ông bà, cha mẹ âm thầm lưu giữ những nét đẹp gia đình truyền thống nhiều thế hệ.

Bữa cơm chung đầm ấm, đầy đủ các thành viên của gia đình bà Hòa.
Bữa cơm chung đầm ấm, đầy đủ các thành viên của gia đình bà Hòa.

Gia đình là chốn quay về

Người xưa có câu: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” để đề cao vị trí “giữ lửa” của người phụ nữ trong gia đình. Thế nhưng, ông Nguyễn Quyết Hiệu (trú số 20, đường Phan Bội Châu-Đà Nẵng) lại là người đứng ra tổ chức cuộc sống cho ba thế hệ trong nhà. Là một sĩ quan chỉ huy Bộ đội Biên phòng về hưu, cách sắp xếp công việc một cách nền nếp, khoa học đã hằn sâu vào lối sống của ông.

Trong cuộc sống hằng ngày, ông chủ trương áp dụng tính kỷ luật để trị gia. Một ngày, gia đình ông có hai bữa ăn cơm chung vào lúc 11 giờ 30 và 7 giờ tối, thành viên nào vắng mặt phải xin phép. Ăn cơm tối xong, con cháu tập trung ở phòng khách xem thời sự cùng ông bà. Ông đề ra các quy định trong gia đình, ai làm tốt sẽ có quà khuyến khích, biểu dương hằng tháng. Sau một thời gian, mọi người trong gia đình đều thích nghi, thành nền nếp.

Ông Hiệu cũng biết rằng các con đều muốn ra riêng để tự lập, nhưng vì trách nhiệm phụng sự ông bà mà ở chung. Vì vậy, ông dù bảo vệ quan điểm của mình nhưng luôn tôn trọng sở thích của các con, tạo không gian sống kỷ luật, khoa học nhưng yên vui, đầm ấm. Bởi, ông hiểu sâu sắc trong gia đình tam đại đồng đường, nếu không cảm thông lẫn nhau được, thì mỗi thành viên khó lòng chung sống thuận hòa. Mỗi thời đại có những giá trị và hạn chế riêng, nếu không chấp nhận được thì ít nhất hãy tôn trọng điều đó.

Mang theo nét đẹp truyền thống của gia đình nhiều thế hệ ở miền Bắc, mặc những đổi thay xã hội, gia đình bà Hiên (tổ 80 phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) luôn tràn ngập tiếng cười nói của con cháu. Mặc dù bốn thế hệ cùng sống trong một gia đình nhưng hiếm khi nào bà con lối xóm nghe tiếng to tiếng nhỏ từ mái nhà này.  Giữa đô thị nhộn nhịp và bộn bề công việc, gia đình bà vẫn giữ nếp ngày ăn chung 3 bữa.

Thảng hoặc lắm, mới vắng bữa sáng. Trước khi ăn, con cháu đều phải mời người lớn trong nhà, từ bà cố, ông bà nội đến ba mẹ, anh chị. Tuy những lễ nghi ràng buộc đôi khi khiến người trẻ trong nhà không thoải mái nhưng bà Hiên luôn có sự cảm thông với các con, uốn nắn chứ không áp đặt. Bà luôn dặn lòng, phải làm sao để con trẻ bước chân ra ngoài là trông ngóng về nhà. Khi đó, người đàn bà mới hoàn thành vai trò “giữ lửa”.

Gia đình bà Hiên được nhiều người cao tuổi trong khu phố lấy làm gương để dạy con cháu. Bà Hiên quan niệm rằng, dù xã hội hiện đại đến đâu thì sự gắn kết trong gia đình nhiều thế hệ sẽ vẫn làm “cái gốc” để gia phong thêm vững. Sống cùng gia đình truyền thống tuy phải ý tứ, giữ kẽ nhưng nếu biết kiềm chế cái tôi ích kỷ để cùng nhau vun đắp thì các thành viên sẽ học được rất nhiều điều từ những người đi trước.

Trong có ấm thì ngoài mới êm

Đến nhà bà Hoàng Thị Hòa (ở tổ 18, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) vào đúng lúc 8 thành viên trong gia đình bà đang chuẩn bị sum  họp bên bữa cơm trưa. Người lấy chén, so đũa, người sắp đặt thức ăn.

Trong phòng khách, nổi bật bức tranh chữ thập hoa mẫu đơn với dòng chữ “Gia hòa vạn sự hưng”(tạm dịch, gia đình hòa thuận thì mọi sự đều phát triển hưng thịnh, thuận lợi) được treo trang trọng. Bà Hòa bộc bạch: “Bức tranh này tôi thêu trong 9 tháng nhưng câu chữ trên đó tôi mất gần cả đời để nghiệm ra. Đó là lời tôi tự dặn lòng cũng như dạy con cháu trong gia đình”. Bao năm qua, nếu các thành viên trong gia đình, không cùng một sự dặn lòng như vậy, hẳn trên gương mặt mỗi người khó có được sự rạng ngời niềm vui và hạnh phúc khi quây quần bên nhau đầy thương yêu, hòa thuận trong một bữa cơm thật đầm ấm và đầy gắn kết như thế này.

Có thừa điều kiện để ra riêng nhưng các con bà Hòa đều nhất mực muốn ở chung với ba mẹ. Để duy trì sự vui vẻ, đầm ấm trong gia đình, bà Hòa tâm niệm, con dâu là con gái, mình không mang nặng đẻ đau lại có con gọi bằng mẹ, tại sao lại không thương. Với bà, xã hội bây giờ không nên tồn tại quan niệm mẹ chồng-nàng dâu nữa.

Nếu cứ để con trẻ lớn lên phải sợ cảnh làm dâu, giữ thái độ e dè “gia đình chồng khác máu tanh lòng” sẽ làm quan hệ hai bên trở nên xa cách. Ở gia đình bà, không bao giờ có chuyện con dâu cặm cụi vào bếp mà con trai lại ngồi xem ti-vi, đọc báo. Trái lại, bà luôn khuyến khích con chia sẻ việc nhà với vợ, đó cũng là bí quyết để giữ hạnh phúc.

Trái với sự khắt khe, khó tính thường thấy của người lớn tuổi, bỏ qua hết những bất tiện khi sống chung, bà Hòa cho rằng hạnh phúc nhất của người già là nhìn thấy con cái biết vun vén hạnh phúc lứa đôi, anh chị em đùm bọc, đoàn kết. “Lớn tuổi rồi, sống có được bao nhiêu đâu mà để ý từng ly từng tý cho con cháu thêm khổ. Mình tạo không khí ấm cúng trong gia đình, con cái sẽ yên tâm, toàn tâm toàn ý phát triển sự nghiệp…”, bà Hòa bày tỏ.

Rời ngôi nhà ấm cúng của bà Hòa, hình ảnh bức tranh thêu được bà chăm chút, rồi từng câu từng chữ của bà, từng ánh mắt tin yêu của những người dâu rể hướng về bà Hòa cứ theo mãi bên tôi. Khi mở cánh cửa bước vào ngôi nhà tôi đang sống, tôi chợt hiểu rằng, cái hạnh phúc được chở che, bao bọc, được bảo ban, vun vén, được dạy dỗ và nuôi nấng… lâu nay mình đã may mắn có được ở gia đình chồng, mà đã có bao lần mình chẳng thể nhận ra?

Nếu như bà Hòa làm tròn vai người mẹ chồng thì ông Hiệu lại là người chồng, người cha rất mực thương yêu vợ con. Ông là người trung gian gắn kết các thành viên trong gia đình với nhau. Vợ ông Hiệu bị khiếm thính nhiều năm nay, lại ăn uống khó khăn nên bà rất khó tính. Trước đây, không ít lần trong nhà xào xáo vì những cuộc “đụng độ” giữa bà và các con.

Chỉ cần con cái trong gia đình có biểu hiện không tiết kiệm điện, nước, thực phẩm là bà khó chịu ra mặt. Đặc biệt là với con dâu. Hiểu tính vợ mình, những lúc gia đình căng thẳng, ông thường im lặng, không bênh ai. Nhưng bên cạnh mình, ông luôn giữ cuốn sổ và cây bút. Mỗi sự việc xảy ra, ông đều ghi lại một cách khách quan nhất. Từ việc hôm nay con dâu không nấu cơm đến việc con trai đi nhậu về khuya… đều được ông Hiệu tỉ mẩn ghi lại ngày tháng, lý do vào sổ.

Những dòng chữ dày đặc theo năm tháng đủ thấy cuộc sống này không dễ dàng gì, “bát đũa trên chạn còn xô nhau” huống gì những khác biệt trong sinh hoạt gia đình. Ông cứ cẩn thận ghi như thế để khi nào thấy tâm trạng bà vui vẻ thì đem vào cho bà đọc. Lúc đó, bà sẽ có thời gian tự chiêm nghiệm, tiếp thu. Mặt khác, ông kể cho các con nghe về ngày xưa của ông và bà.

Ngày xưa đó bà đã phải chắt chiu, tằn tiện ra sao để ông yên tâm công tác, các con có cái ăn cái mặc. Những hành động tế nhị của ông đã khiến các con có sự cảm thông với mẹ hơn. Con dâu khi hiểu ra thì thương mẹ như mẹ ruột. Hằng ngày, ngoài đi chợ nấu ăn cho cả nhà, cô còn nấu riêng những món ăn tốt cho đường ruột của mẹ. Từ ngày mẹ con hiểu nhau, được con chăm sóc chu đáo, tận tình, bệnh bà thuyên giảm hẳn.

Chị Nguyễn Thị Huyền, con dâu ông Hiệu tâm sự: Trong quãng thời gian sống cùng cha mẹ chồng, không ít lần tôi nghĩ đến việc ra riêng và có lúc đã ra riêng thật, trong một thời gian ngắn. Thời gian đó cứ mỗi lần vào bếp tôi lại nghĩ đến cha mẹ, không biết cha mẹ đã ăn cơm chưa, cha mẹ nấu món gì ăn… Sau đó, tôi bàn với chồng quyết định về lại ở cùng cha mẹ.

Chúng tôi luôn xác định phải hiếu nghĩa với bố mẹ để làm gương cho các con noi theo. Hơn nữa ở cùng với bố mẹ chúng tôi thấy mình sống có trách nhiệm hơn với gia đình. Các con, các cháu của tôi cũng biết chia sẻ và yêu thương nhau khi được sống trong gia đình nhiều người như thế này.

Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 vừa qua, Hội LHPN thành phố đã tổ chức tuyên dương 70 gia đình hạnh phúc tiêu biểu, đại diện hơn 140.000 gia đình hội viên phụ nữ trên toàn thành phố, giai đoạn 2010-2015. Đa số các gia đình này đều là gia đình ba thế hệ gồm ông bà, cha mẹ, con cái.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.