Bệnh viện Phụ sản - Nhi (PSN) Đà Nẵng là bệnh viện duy nhất ở miền Trung áp dụng kỹ thuật tiên tiến để chạy thận nhân tạo cho bệnh nhi.
Bệnh nhân Trần Thị H. trong ca chạy thận vào sáng ngày 10-8 vừa qua. (Ảnh do Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cung cấp) |
Ngày 25-11-2014, Bệnh viện PSN Đà Nẵng đã thực hiện thành công ca chạy thận nhân tạo đầu tiên cho trẻ em trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên.
Bệnh nhân tên là Trần Thị H., 12 tuổi, trú tại thôn 5, xã Ba, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. Chị Alăng Thị M., mẹ của bệnh nhân, kể hồi tháng 10-2013 cháu H. bị bệnh, được đưa đến trạm y tế xã, do bệnh nặng nên lần lượt được chuyển lên Trung tâm Y tế huyện, Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam. Các bác sĩ ở bệnh viện tuyến tỉnh này chẩn đoán cháu bị viêm cầu thận cấp nên làm thủ tục chuyển cháu ra Bệnh viện Trung ương Huế. Sau 5 tháng chữa trị, cháu xuất viện, bệnh trạng có đỡ hơn nhưng vẫn chưa hết phù.
Một năm sau, cháu H. bị phù nặng, tiểu ít, khó thở, chị M. phải đưa cháu ra Bệnh viện Đà Nẵng và được các bác sĩ ở đây chuyển qua Bệnh viện PSN Đà Nẵng trong tình trạng phù nặng, suy tim, suy hô hấp, hôn mê, phải thở bằng máy. Tại đây cháu được xét nghiệm với kết quả bị suy gan, suy thận nặng và rối loạn điện giải, bệnh đã bước sang suy thận mãn giai đoạn cuối. Bác sĩ quyết định tiến hành chạy thận nhân tạo 2 lần mỗi tuần và chỉ định thực hiện lọc máu liên tục cho cháu. Sau khi lọc máu được 48 giờ thì sức khỏe cháu được cải thiện và không phải thở bằng máy nữa.
Từ đó đến nay, cả hai mẹ con chị M. "đăng ký thường trú" tại Bệnh viện PSN Đà Nẵng. Chị ở lại chăm con chạy thận nhân tạo 2 lần mỗi tuần, chồng chị ở nhà lo cho đứa con trai mới 4 tuổi và mẹ già 85 tuổi bị mù. Dù sao cũng đỡ vất vả và tốn kém hơn phải ra Huế để chữa bệnh cho con. Cháu có BHYT diện hộ nghèo nên chỉ đóng 5% viện phí và số tiền này cũng được thành phố Đà Nẵng thanh toán. Chị ở nội trú tại bệnh viện, ngày được cấp hai suất cơm miễn phí theo chế độ hỗ trợ người dân tộc Cơtu của thành phố.
BS Lê Văn Đoan, phụ trách khoa Nhi ở Bệnh viện PSN cho biết, sau ca chạy thận nhân tạo đầu tiên này, bệnh viện còn nhận bệnh nhân Hoàng L. 8 tuổi ở Quảng Trị, được chẩn đoán ban đầu là suy thận mãn, chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế, do nơi này chưa có chương trình chạy thận nhân tạo cho bệnh nhi nên họ chuyển cháu vào Bệnh viện PSN Đà Nẵng hôm 8-7 vừa rồi. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán cháu L. suy thận giai đoạn cuối như cháu Trần Thị H.
Ngoài ra, bệnh viện còn tiếp nhận 5 ca cấp cứu suy thận cấp do ngạt nước, trong đó có bệnh nhân Đinh Thị Thảo N., 9 tuổi, ở đường Trần Thủ Độ, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ.
Cũng theo BS Đoan, kế hoạch chạy thận nhân tạo đã được xây dựng từ khi thành lập bệnh viện (10-5-2012), nhưng mãi đến năm 2014 mới chuẩn bị đơn vị Thận nhân tạo và trang bị ban đầu cho hai khoa Hồi sức – Chống độc và khoa Thận. Hiện tại khoa Thận chưa được triển khai, nên tất cả các ca chạy thận nhân tạo đều tập trung ở khoa Hồi sức – Chống độc. Bệnh viện đang xây dựng Trung tâm Thận nhân tạo trẻ em (trực thuộc bệnh viện) cho cả khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Hiện đang có 9 máy với đội ngũ y, bác sĩ đã sẵn sàng.
Bệnh nhi suy thận ít hơn người lớn, nhất là các ca suy thận giai đoạn cuối. “Tuy nhiên, không phải vì ít bệnh nhân mà không làm”, BS Đoan nhấn mạnh. Bởi theo ông, chạy thận cho bệnh nhi cũng là một nghĩa cử nhân văn thể hiện y đức trong nhiệm vụ cao cả cứu người, ở đây là những trẻ em đã sớm phải đối diện với căn bệnh quái ác. Ngoài ra, đó cũng là cách làm của riêng Đà Nẵng khi trang bị cho Bệnh viện PSN Đà Nẵng trở thành đơn vị duy nhất ở miền Trung áp dụng kỹ thuật tiên tiến để chạy thận nhân tạo cho bệnh nhi.
LÊ GIA LỘC