.

Dự án xây dựng nhà ở cho công nhân: Vẫn chưa đến đích

.

Từ năm 2012, thành phố Đà Nẵng phê duyệt nhiều dự án xây dựng công trình nhà ở cho công nhân lao động cùng các hạng mục phục vụ kèm theo. Tuy nhiên cho đến nay, vẫn chưa một dự án nào hoàn thành để bố trí cho người có nhu cầu tại các khu công nghiệp (KCN) mua, thuê theo quy định.

Khu nhà ở dành cho công nhân nay chuyển thành khu ký túc xá cho sinh viên nhưng sau 12 năm vẫn dở dang. Ảnh:  TRỌNG HUY
Khu nhà ở dành cho công nhân nay chuyển thành khu ký túc xá cho sinh viên nhưng sau 12 năm vẫn dở dang. Ảnh: TRỌNG HUY

Chấp nhận thuê phòng giá rẻ

Từ quê Yên Thành (Nghệ An), 3 anh em Toàn, Thành, Ân quyết định vào Đà Nẵng làm công nhân tại Khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh. Để tiết kiệm chi tiêu, cả ba thuê chung căn phòng 12m2 giá 600.000 đồng tại tổ 40, phường Hòa Khánh Bắc quận Liên Chiểu. Căn phòng trọ của anh em Toàn nằm trên khu đất ẩm thấp, gần ruộng lúa bỏ hoang từ nhiều năm trước.

Cả dãy trọ gồm 7 phòng chỉ có một nhà vệ sinh nhỏ, hẹp nơi cuối dãy. Mỗi chiều đi làm về, gần 20 con người phải thay phiên nhau xếp hàng đi vệ sinh, tắm giặt. Biết là điều kiện ăn ở khá mất vệ sinh, nhưng đồng lương công nhân eo hẹp nên mọi người phải tiết kiệm tối đa để dành dụm một khoản nhỏ gửi về cho bố mẹ. Với anh em Toàn và nhiều người khác nữa, phòng trọ không phải là nơi để thư giãn, nghỉ ngơi mà đơn giản chỉ là nơi cất giữ đồ đạc và ngả lưng khi đêm về.

Sự gia tăng số lao động ngoại tỉnh đến Đà Nẵng làm việc tại các KCN tạo điều kiện cho người dân địa phương mở rộng dịch vụ cho thuê nhà trọ. Thị trường này góp phần giải quyết vấn đề chỗ ở cho bộ phận lớn công nhân. Chỉ riêng tại phường Hòa Khánh Bắc, có gần 100 dãy nhà trọ với phòng ốc tạm bợ, điều kiện vệ sinh không đảm bảo vẫn được công nhân quyết định thuê ở.

Bà Phạm Hoa Lê, Trưởng ban Tuyên giáo – Nữ công, Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng cho biết, cách đây 5 năm, Liên đoàn từng thực hiện một số cuộc khảo sát để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động. Kết quả cho thấy, công nhân lao động tại KCN mong muốn thành phố sớm triển khai xây dựng nhà ở, nhà trẻ, trường mẫu giáo và các thiết chế văn hóa phục vụ công nhân lao động tại các KCN.

Hiện nay, số công nhân làm việc tại các KCN, thuê phòng ở của dân khoảng 44.000 người, với chi phí từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/phòng. Hầu hết là lao động ngoại tỉnh và một số lao động địa phương đã lập gia đình chưa có nhà ở, chiếm tỷ lệ 61%. Con số này luôn dao động bởi công nhân thường tạm trú ngắn hạn, liên tục thay đổi môi trường làm việc với mục đích tìm kiếm cơ hội làm việc tốt hơn.

 Lãnh đạo Hội LHPN thành phố Đà Nẵng tìm hiểu đời sống của nữ công nhân tại các khu nhà trọ.
Lãnh đạo Hội LHPN thành phố Đà Nẵng tìm hiểu đời sống của nữ công nhân tại các khu nhà trọ.

Chuyển đổi mục đích sử dụng

Thông tin từ Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng cho biết, từ năm 2003, UBND thành phố giao cho Công ty Phát triển và Khai thác hạ tầng KCN Đà Nẵng triển khai xây dựng 3 khối nhà 5 tầng dành cho công nhân và người thu nhập thấp ở khu vực Bàu Tràm, rộng 9 ha tại tổ 7, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu. Tổng kinh phí phê duyệt trên 27 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi xây dựng phần cột móng, đổ sàn bê-tông, công trình này phải dừng lại do nguồn ngân sách còn nhỏ giọt.

Sau nhiều năm bỏ hoang, cuối năm 2009, thành phố kêu gọi xã hội hóa và chính thức bàn giao công trình này cho Công ty CP Đầu tư Hưng Phú. Khi tiếp nhận dự án này, Hưng Phú cam kết hoàn thành giai đoạn 1 vào cuối năm 2010, sẽ hoàn tất 3 khối nhà chung cư cao tầng theo đúng thiết kế trước đó. Giai đoạn 2 khởi công đầu năm 2011, xây dựng  5.000 chỗ ở cho công nhân, mỗi căn hộ rộng từ 38 đến 84 m2 với đầy đủ công trình vệ sinh, phòng ngủ, nhà bếp và các hạng mục kèm theo như nhà giữ xe, nhà trẻ, cửa hàng tạp hóa, khu vui chơi… Tưởng mọi chuyện đã êm xuôi, nhưng sau khi xây dựng phần thô khối chung cư 5 tầng, Hưng Phú đã quyết định dừng công trình do nguồn kinh phí không đảm bảo.

Tháng 8-2012, UBND thành phố có chủ trương mua lại dự án từ Công ty Hưng Phú, giao cho Công ty cổ phần Đức Mạnh (DMC) và Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng 579 (Công ty 579) thực hiện thi công, chuyển đổi mục đích sử dụng thành công trình Ký túc xá tập trung phía Tây thành phố. Kinh phí đầu tư hơn 657 tỷ đồng từ vốn ngân sách Nhà nước, nguồn trái phiếu Chính phủ. Công trình dự kiến đưa vào sử dụng cuối năm 2014.

Một lần nữa, dự án xây dựng nhà ở cho công nhân tại Đà Nẵng tiếp tục đi vào ngõ cụt. Bởi trên thực tế, sau 12 năm triển khai, 3 lần thay đổi chủ, những tòa nhà cao tầng xây dựng dở dang tại khu vực Bàu Tràm vẫn nằm trơ trọi, mốc meo cùng cỏ dại.

Một lãnh đạo của Ban Quản lý dự án Xây dựng thành phố Đà Nẵng cho biết, sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng, quy mô công trình được nâng lên với 9 khối KTX 7 tầng, 3 khối KTX 7 tầng và 2 khối nhà trung tâm ba tầng với tổng 1.272 phòng, dự kiến đáp ứng chỗ ở cho gần 11.000 sinh viên. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Đà Nẵng chỉ mới tiếp nhận khoảng 200 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ. Do nguồn vốn không đảm bảo, công trình tiếp tục dừng lại chờ chủ trương mới của thành phố.

Nhiều dự án giẫm chân tại chỗ

Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 66/2009/QĐ-TTg về phát triển nhà ở cho công nhân lao động các KCN, mục tiêu tới năm 2015 sẽ có khoảng 50% công nhân được giải quyết chỗ ở. Nhiều doanh nghiệp trong cả nước đăng ký triển khai dự án nhưng sau khi khởi công đã tạm dừng do không tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam.  

Theo ông Bùi Huy Trí, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch thuộc Sở Xây dựng Đà Nẵng, trước đây, UBND thành phố giao Sở Xây dựng chủ trì, triển khai quy hoạch phát triển nhà ở cho công nhân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Trên cơ sở đề xuất của Sở Xây dựng, UBND thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt 2 dự án tại một số địa điểm dọc tuyến đường Hòa Thọ (Hòa Nhơn), khu đất B3-2 (Khu đô thị Công nghiệp Hòa Khánh), khu đất B4-1, B4-2 (Khu tái định cư Hòa Hiệp 4) nhưng đến nay, vẫn chưa có khu nhà nào hoàn thành để bố trí cho công nhân.

Năm 2012, thành phố phê duyệt Dự án “Khu chung cư dành cho công nhân và người có thu nhập thấp” tại trục đường ĐT 602 và KCN Hòa Khánh do Công ty CP Địa ốc Xanh Sài Gòn – Thuận Phước làm chủ đầu tư. Công trình dự kiến đến năm 2015 sẽ hoàn thành. Trong quá trình triển khai, dự án đã đổi tên thành “Khu chung cư Nhà ở xã hội KCN Hòa Khánh” theo đề nghị của chủ đầu tư để có thể tiếp cận nguồn vay vốn ưu đãi. Hiện, dự án này mới hoàn thành phần san nền mặt bằng.

Ngoài khó khăn từ phía doanh nghiệp, thì nhu cầu về nhà của công nhân vẫn chưa thật sự rõ nét. Đơn cử, Công ty Mabuchi Motor (Nhật Bản) từng được UBND thành phố giao đất để xây dựng nhà ở cho người lao động. Thế nhưng, khi lãnh đạo công ty tiến hành trưng cầu ý kiến công nhân, đưa ra mức giá cho thuê 500.000 đồng/tháng/người, công nhân đã không đồng ý nên doanh nghiệp quyết định trả lại đất cho thành phố.

Bà Mai Thị Hà An, Chánh văn phòng Ban Quản lý các KCN và Chế xuất Đà Nẵng cho biết, qua khảo sát, nhiều công nhân nói rằng ngoài giá cho thuê cao, việc bố trí 5-7 người một phòng – trong khi họ không làm cùng công ty – khiến họ dè dặt và không thật sự thoải mái trong sinh hoạt. Mặt khác, sự quản lý về giờ giấc cũng gây khó khăn trong việc tăng ca, đi chơi về trễ hay khi có bạn bè tới chơi. Do đó, một dãy phòng trọ có lối đi độc lập, giá rẻ, có thể ở chung vài người bạn cùng quê, cùng công ty vẫn là sự lựa chọn ưu tiên hiện nay.

Có thể nói rằng, sau rất nhiều nỗ lực, thị trường nhà ở cho công nhân tại Đà Nẵng vẫn dẫm chân tại chỗ. Một phần do diện tích đất công nghiệp còn lại tại các KCN trên địa bàn thành phố không còn nhiều, nhỏ lẻ, tỷ lệ lấp đầy đạt 84,75% (trong đó có 03 KCN đã lấp đầy 100% là Hòa Khánh, Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng và Đà Nẵng). Ngoài ra, các KCN còn lại như Hòa Cầm, Liên Chiểu, Hòa Khánh mở rộng do tư nhân đầu tư nên việc điều chỉnh quy hoạch để dành một phần đất cho việc xây dựng nhà ở cho người lao động khó có cơ sở  thực hiện.

Hiện chủ trương của UBND thành phố vẫn là kêu gọi xã hội hóa theo lộ trình thành phố cấp đất, ưu đãi thuế, doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư. Ông Phan Văn Kiện, Trưởng phòng Quản lý Xây dựng, Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng khẳng định: “Nếu doanh nghiệp làm được thì họ đã làm từ lâu rồi. Câu chuyện đầu tư ngoài nhiệm vụ xã hội, doanh nghiệp còn hướng đến lợi nhuận nên không mấy mặn mà vì lợi ích thu lại rất “mỏng”, thậm chí đối mặt với rủi ro cao. Bên cạnh đó, khi hoàn thành, nếu doanh nghiệp cho thuê với mức giá cao hơn giá phòng trọ bình dân hiện nay, sẽ khó thu hút công nhân, dù họ thật sự có nhu cầu”.

Thông tin từ Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng, hiện nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 6 KCN với tổng diện tích theo quy hoạch 1.055,13ha, diện tích đất công nghiệp 748,95ha. Các KCN đang thu hút khoảng 74.000 lao động, với 68% lao động nữ, khoảng 60% lao động ngoại tỉnh. Có 40.120 người có nhu cầu về nhà ở. Trong đó 10.400 người có nhu cầu thuê; 6.420 người có nhu cầu mua; 23.300 người có nhu cầu mua nhà ở xã hội theo hình thức trả góp (22.500 người), trả ngay (800 người). Hiện có 3 doanh nghiệp tự xây dựng nhà ở bố trí cho công nhân thuê trọ, với diện tích 480m2, đáp ứng nhu cầu khoảng 60 người lao động.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.