Khi Nghị định 67/2014/NĐ-CP (Nghị định 67) ra đời, nhiều ngư dân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng ấp ủ giấc mơ được sở hữu con tàu công suất lớn với đầy đủ trang thiết bị hiện đại.
Hơn 20 ngày nữa, tàu của ông Lê Văn Nhắn sẽ hạ thủy. Ảnh: T.Y |
Thế nhưng, sau một năm triển khai, giấc mơ ấy càng trở nên xa vời bởi không mấy ai có đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay. Chưa kể, những quy định chặt chẽ từ nghị định này cũng khiến ngư dân chán nản, bỏ cuộc giữa chừng.
Nhiều ngư dân bỏ cuộc giữa chừng
Đi biển ngày càng khó khăn nên khi nghe phổ biến về Nghị định 67, ngư dân phường biển ai nấy mừng thầm. Bởi lâu nay, việc đóng, sửa tàu thuyền, mua sắm trang thiết bị gặp muôn phần khó khăn vì đầu tiên vẫn là kinh phí. Từng có thời gian dài đi “bạn” cho nhiều chủ tàu, chật vật lắm ông Nguyễn Văn Bảy, tổ 158, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà mới sắm cho mình chiếc tàu có công suất 280 CV. Tàu nhỏ giữa biển rộng tứ bề, mỗi chuyến ra khơi ông đều mang nỗi thắc thỏm “được ăn cả, ngã về không”. Bao lần biển động, nhìn về hướng những con tàu công suất lớn tăng tốc vào bờ, ông Bảy thầm ao ước ngày nào đó mình đủ tiền sẽ đóng con tàu đánh bắt xa bờ tận ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.
Ước mơ ấy càng trở nên mạnh mẽ khi ông Bảy hay tin Chính phủ ban hành Nghị định 67, hỗ trợ nguồn vốn vay giúp ngư dân đóng mới tàu công suất lớn. Vợ con mấy lần ngăn cản, đang làm ăn nhỏ lẻ, nay phải vay ngân hàng gần chục tỷ đồng, biết chừng nào trả xong. Lo là lo vậy, nhưng cứ nghĩ đến con tàu mới, lừng lững trên 800 CV, ông Bảy quyết định làm liều, đặt bút viết hồ sơ gửi UBND thành phố xem xét. Ông tính, mỗi chuyến ra khơi thuận buồm xuôi gió, ông sẽ dành dụm để trả dần.
Nhưng chuyện vay vốn không dễ như ông nghĩ. Hôm cán bộ địa phương đến nhà tìm hiểu, hỏi một câu khiến ông giật nảy mình: “Giả sử, ông vay 7 tỷ đồng đóng tàu vỏ gỗ theo chương trình Nghị định 67, thì phải có sẵn nguồn vốn đối ứng 3 tỷ đồng. Ông lo được không?”. Gần một đời bám biển, có chút của nả ông Bảy dành sửa sang nhà cửa, mua thêm ngư lưới cụ tiếp tục ra khơi, lấy đâu ra một số tiền lớn như thế. Bất lực, ông đành lặng lẽ rút hồ sơ về, quyết định bán tàu cũ, vay vốn từ nhiều nguồn mua lại vỏ tàu ĐNa 90493, nâng cấp lên máy 400 CV trị giá 1 tỷ đồng.
Không mấy ngư dân đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay. Bằng chứng là thời điểm tháng 11 năm 2014, thành phố Đà Nẵng có 157 tổ chức, cá nhân đăng ký đóng mới 182 tàu, trong đó 93 tàu vỏ gỗ, 80 tàu vỏ thép, 8 tàu vật liệu khác, nhưng đến nay chỉ có 14 hồ sơ đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn.
Ngay cả những con người có đủ tiềm lực kinh tế và rất tâm huyết với nghề biển như ông Cao Văn Minh, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà cũng không còn thiết tha với nghị định này. Từng sốt sắng tổ chức nhiều cuộc họp - kể cả lúc “trà dư tửu hậu” - kêu gọi bà con phường biển làm hồ sơ gửi thành phố xét duyệt; thế nhưng, khi đi sâu vào tìm hiểu, ông nhận thấy bên cạnh nguồn vốn đối ứng 30%, ngư dân phải chịu khá nhiều khoản tiền cho bản vẽ thiết kế, giám sát, hóa đơn thuế giá trị gia tăng, hoàn công… Thấy không có lợi, ông quyết định rút hồ sơ về.
Ông nhẩm tính, thời hạn vay 11 năm cho một con tàu vỏ gỗ 7 tỷ đồng, thì trung bình, mỗi năm ông phải trả cả gốc lẫn lãi khoảng 800 triệu đồng. Nếu thuận buồm xuôi gió, mỗi năm tàu phải thu về 4 đến 5 tỷ đồng mới có được 1,2 tỷ lãi ròng để xoay sở. “Nói thì dễ nhưng biển giã khó lường. Năm này được, năm khác mất là lẽ thường tình. Chưa biết đánh bắt hiệu quả tới đâu nhưng nếu thành công thì sau 11 năm cật lực trên biển chỉ mới hoàn vốn”, ông Minh cho biết.
Dù không vay vốn từ nguồn Nghị định 67, nhưng mới đây, nhờ những chính sách đúng đắn, kịp thời từ Quyết định 47/2014/QĐ-UBND của UBND thành phố Đà Nẵng, gia đình ông Cao Văn Minh đã quyết định đóng mới, hạ thủy liên tiếp 3 con tàu công suất trên 800 CV, mang ký hiệu ĐNa 90684, ĐNa 90685, ĐNa 90686.
Đối với mỗi con tàu đóng mới, thành phố sẽ hỗ trợ không hoàn lại 800 triệu đồng tiền mặt trong vòng 2 năm. Nếu không phải mua máy mới và ngư lưới cụ, ngư dân chỉ cần bỏ ra 2,5 tỷ đồng sẽ có một con tàu mới ra khơi. Vốn bỏ ra ít, đồng nghĩa với việc hoàn vốn nhanh, mau sinh lãi. Sau khi phân tích thiệt hơn, nhiều ngư dân như ông Minh đã chuyển hướng từ Nghị định 67 sang Quyết định 47 của thành phố để theo đuổi giấc mơ tàu mới.
Chật vật chạy theo những quy định
Những ngày này, tại xưởng đóng tàu của Công ty CP Kỹ thuật biển S.Tech, công nhân đang khẩn trương hoàn thành 2 “con tàu 67” của ông Lê Văn Nhắn (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) và ông Trần Văn Mười (phường Mân Thái, quận Sơn Trà). Đây là 2 trong 4 chủ tàu, đến thời điểm này, được UBND thành phố phê duyệt hồ sơ và giải ngân một phần kinh phí.
Hầu như ngày nào, ông Lê Văn Nhắn cũng ra xưởng đóng tàu đốc thúc anh em làm việc, cùng ăn, cùng ngủ với “con tàu 67”. Hơn 40 năm đi biển, từng vẽ bản thiết kế 4 con tàu công suất lớn, ông Nhắn phân tích, trụ cẩu kéo lưới cho tàu 830 CV có diện tích theo bản thiết kế 25x25 là quá yếu, không đủ lực, cần phải nâng lên 35x40; bộ phận đà máy 25x40 không an toàn đặt máy công suất lớn, độ rung trong lúc vận hành dễ dẫn đến sai lệch vị trí đầu máy, khi thi công cần tăng lên 40x45… Sau nhiều lần tranh luận không thành công, ông chấp nhận bỏ ra 40 triệu đồng để thay đổi bản vẽ thiết kế cho phù hợp với ngư trường đánh bắt.
Bên cạnh đó, theo Nghị định 67, ngư dân muốn đóng tàu mới phải mua máy mới, không được sử dụng máy cũ. Điều này vô tình làm khó cho ngư dân. Theo ông Nhắn, trong quá trình đóng “tàu 67”, ông phải bỏ ra 2,9 tỷ đồng để mua máy mới. Trong khi đó, cũng máy này, nếu mua cũ, ngư dân chỉ mất khoảng 700 triệu đồng. Ngoài ra, việc mất từ 3% đến 5% chi phí hóa đơn cho mỗi lần mua hàng cũng là gánh nặng đối với ngư dân ở thời điểm này.
Sau nhiều tháng trời ngược xuôi cùng Nghị định 67, ông Lê Văn Nhắn trăn trở: “Đã ném lao thì phải theo lao chứ nói thiệt, những quy định nghiêm ngặt từ phía ngân hàng khiến chúng tôi mệt mỏi. Trước mắt, ngư dân phải bỏ “tiền tươi” mua hóa đơn, còn 10% thuế giá trị gia tăng (VAT) Nhà nước nói hoàn lại vẫn chưa thấy đâu, 700 triệu chứ ít ỏi gì. Số tiền đó đủ để chúng tôi sắm thêm ngư lưới cụ và những trang thiết bị cần thiết”.
Cùng quan điểm trên, ông Lê Văn Giắng, chủ 2 con tàu ĐNa 90277 và ĐNa 90266 công suất trên 600 CV cho rằng, Nghị định 67 có sự hỗ trợ rất lớn từ phía Nhà nước về chính sách hoàn thuế VAT, gánh vác một phần lớn lãi suất trả ngân hàng. Dù vậy, quan hệ giữa ngư dân và ngân hàng vẫn là quan hệ vay – trả, có lãi suất trong thời hạn cho phép. Do đó, để đảm bảo mục tiêu thu hồi vốn, tránh nợ xấu, phía ngân hàng đề ra rất nhiều quy định nghiêm ngặt về hóa đơn chứng từ, vô tình làm khó ngư dân vốn không quen với các thủ tục, giấy tờ.
Khi mới ra đời, Nghị định 67 của Chính phủ kỳ vọng sẽ tạo ra hàng ngàn con tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ, khai thác tốt vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Riêng thành phố Đà Nẵng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt chỉ tiêu đóng mới 47 phương tiện, trong đó có 39 tàu đánh bắt và 8 tàu hậu cần. Tuy nhiên, đến thời điểm này, với số lượng ít ỏi 14 hồ sơ được phê duyệt, có thể thấy, Nghị định 67 chưa thật sự đi vào cuộc sống của bà con ngư dân. Bởi, ngoài những đối tượng không đủ tiêu chuẩn vay vốn, rất nhiều ngư dân đã chủ động rút hồ sơ sau khi phân tích thiệt, hơn và vượt ngoài tầm với.
TIỂU YẾN