Chào bạn trẻ vừa nhận được bài viết của một bạn công nhân đã tốt nghiệp đại học. Bạn phải giấu tấm bằng cử nhân của mình để chọn một công việc có thể nuôi sống bản thân và không cần đến kiến thức chuyên môn bạn học suốt 4 năm qua.
Từ câu chuyện này, có thể thấy tình trạng cử nhân ra trường làm không đúng nghề, phải làm công nhân khá nhiều và có thể là một lời gợi ý cho các bạn trẻ hiện nay chọn lựa giữa việc học ở các trường nghề hay trường đại học, vì mục tiêu cuối cùng là tìm được việc làm phù hợp với năng lực và nhu cầu thị trường nhân lực.
Chuẩn bị đủ hồ sơ xin việc, từ cử nhân Sử học tôi đã nhập vai là một cô gái chỉ có trình độ học vấn trung học phổ thông (THPT) tìm đến một công ty ở khu công nghiệp (KCN) Hòa Cầm. Khu vực tuyển dụng có cả trăm người đứng dưới cái nắng chói chang, những ánh mắt chăm chú dõi theo dòng chữ tuyển dụng lao động với mức lương 2,5 đến 3 triệu đồng/tháng. Tôi hỏi chuyện nhiều người, phần lớn họ cùng độ tuổi của tôi, có năm sinh ghi ngoài bìa hồ sơ: 1991, 1992, 1993. Không khó để nhận biết đây là những tân sinh viên vừa mới tốt nghiệp đại học, cao đẳng.
Công ty đang tuyển dụng lao động quy định rõ điều kiện tuyển dụng là không tuyển lao động có trình độ đại học, cao đẳng, chỉ tuyển lao động tốt nghiệp THPT. Đơn vị tuyển dụng cũng chủ động sàng lọc lao động có trình độ đại học, cao đẳng vì nhóm lao động này thường nhảy việc, bỏ việc khi có cơ hội tìm việc mới. Những cử nhân như chúng tôi căng thẳng vượt qua vòng phỏng vấn của nhà tuyển dụng với các câu hỏi: “Học lực cấp 3 của em tốt, sao không học đại học hay cao đẳng?”; “Từng làm ở công ty nào chưa?”. Tôi chuẩn bị sẵn câu trả lời : “Dạ, chưa đi làm ở đâu, do gia đình khó khăn nên không học tiếp lên đại học” và tôi đã vượt qua vòng phỏng vấn để vào làm công nhân ở Công ty F, KCN Hòa Cầm.
Vào làm công nhân, những lúc nghỉ ngơi tôi có dịp làm quen, kết thân với những bạn mới. Trong số này có Hoa, cử nhân kinh tế, tốt nghiệp loại giỏi ngành kế toán, tại một Trường ĐH Kinh tế ở Đà Nẵng. Hoa từng nộp hồ sơ xin việc nhiều nơi ở Đà Nẵng nhưng vẫn không xin được việc. Rời Đà Nẵng, Hoa về quê ở Quảng Nam phụ gia đình làm nông. Thời gian chờ việc cứ kéo dài đằng đẵng. Hoa giấu gia đình quay ra Đà Nẵng tìm nhà trọ và tiếp tục tìm việc. Thời gian đầu, Hoa kiếm việc tạm bợ ở các nhà hàng, quán nhậu sau chuyển sang bán hàng tiếp thị. Công việc nào cũng không quen và thường bị trêu ghẹo, đối diện với nhiều cám dỗ với tình- tiền. Hoa lân la làm quen với mấy nữ công nhân gần xóm trọ và được hướng dẫn nộp hồ sơ làm công nhân tại KCN Hòa Cầm.
Kết bạn với Hoa, tôi được bạn rủ về ở cùng phòng trọ, vừa chia sẻ tiền trọ, vừa có bạn hàn huyên mỗi tối cho vơi nỗi nhớ nhà, vơi bớt nỗi tủi hổ với đèn sách suốt 4 năm học và những lo lắng về tương lai.
Đi làm công nhân, chúng tôi phải dậy từ 5 giờ sáng và giờ vào làm của công ty F là 6 giờ. Công việc chúng tôi làm là sản xuất dây cho thiết bị điện thoại, làm theo công đoạn, theo chuyền. Vì phải phấn đấu đạt sản lượng, tăng thu nhập nên công nhân nào cũng làm việc cật lực. Mỗi ngày phải làm việc 12 tiếng đồng hồ trong khi chỉ được nghỉ trưa 30 phút. Chúng tôi dành 30 phút ít ỏi đó để xếp hàng lấy cơm. Lần đầu tiên ăn cơm tập thể ở nhà máy, tôi không quen bởi không phải vì món ăn mà ở cách ăn. Ăn nhanh đối với chúng tôi là việc khó khăn hơn cả việc lắp ghép linh kiện trong xưởng. Những ngày đầu chưa ăn hết phần cơm đã vội buông đũa vào ca làm việc. Đến chiều bụng đói, chân run.
Làm công nhân, tôi gặp thêm nhiều bạn mới. Trong phân xưởng có 300 công nhân thì có đến cả trăm người từng là sinh viên đại học, cao đẳng, trung cấp nghề. Trong hồ sơ xin việc của tất cả mọi người chỉ có bằng chứng nhận tốt nghiệp THPT.
Chuyện cử nhân đi làm công nhân đã trở nên phổ biến ở nhiều KCN. Nguyên do là ngay sau khi ra trường, họ đều không xin được việc làm đúng ngành nghề được học nên đi làm công nhân với mục đích kiếm tiền trang trải cuộc sống và chờ đợi cơ hội được xin việc phù hợp hơn, làm đúng chuyên ngành. Hiện mỗi công nhân có mức lương 2,7 triệu đồng/tháng. Tháng nào tăng ca thu nhập tăng lên 3,5 đến 4 triệu đồng. Bạn Trần Thị H. – một công nhân may tại KCN Hòa Khánh chia sẻ: Ra trường, ai cũng cầm trên tay cả chục bộ hồ sơ, đi “ rải” khắp nơi nhưng không xin được việc. Mất gần cả năm lận đận tìm kiếm, mình nộp hồ sơ vào làm công nhân may ở KCN Hòa Khánh.
Thời gian đầu đi làm công nhân sợ người quen bắt gặp nên lúc nào cũng bịt kín khẩu trang”. H. chia sẻ thêm, ban đầu chưa quen với công việc nặng nhọc lại phải đua sản lượng, có lúc không đủ sản lượng thì bị tổ trưởng, quản đốc phân xưởng quát mắng. Những lúc như vậy về nhà nước mắt ứa ra. Vất vả ban đầu rồi thành quen tay làm việc; nhiều tân cử nhân sáng dạ, tiếp thu kỹ thuật nhanh, sản xuất vượt sản lượng nên không ít bạn được cất nhắc lên làm tổ trưởng, quản lý phân xưởng… Rồi nghề chọn người, họ dần dần quên tấm bằng cử nhân đã học.
Một tháng trải nghiệm trong môi trường công nhân, tôi thực sự thấy mình trưởng thành, cứng rắn hơn trong cuộc sống. Nhưng niềm ước ao được làm cô giáo dạy sử vẫn đeo đuổi tôi qua từng đêm. Một tháng làm công nhân thực sự đơn điệu, ít tiếp xúc với cuộc sống bên ngoài. Mỗi ngày như mọi ngày, sáng đi thật sớm đến tối mới về lại phòng trọ, trên đường về tạt vào quán ăn dĩa cơm. Về đến phòng trọ tắm gội xong là lăn ra giường ngủ. Mỗi khi chủ nhật được nghỉ, chúng tôi liên hệ tìm việc theo ngành nghề đã học, nuôi hi vọng tìm được công việc để thoát cảnh làm công nhân. Thời gian đầu, Hoa có quyết tâm lắm nhưng tìm không ra công việc phù hợp với mình, thấy Hoa nản dần. Hằng đêm, tôi vẫn thấy Hoa khóc thầm. Còn tôi, gia đình ở huyện Hòa Vang nên ba mẹ động viên quay về nhà để tìm việc mới. Nhưng việc mới là gì vẫn còn là hy vọng phía trước.
NGUYỄN DUNG