.

Hai lần đoạt huy chương bạc Olympic Sinh học quốc tế

.

Trong kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế lần thứ 26 năm 2015 (IBO 2015) tổ chức tại Đan Mạch, cô học trò Lê Thị Nguyệt Hằng, học sinh lớp 12B2 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng đã xuất sắc giành huy chương bạc - huy chương cao nhất của đoàn học sinh Việt Nam dự thi.

Nguyệt Hằng nhận huy chương bạc trong đêm trao giải Olympic Sinh học quốc tế lần thứ 26 tại Đan Mạch. (Ảnh nhân vật chung cấp)
Nguyệt Hằng nhận huy chương bạc trong đêm trao giải Olympic Sinh học quốc tế lần thứ 26 tại Đan Mạch. (Ảnh nhân vật chung cấp)

Duyên nợ với môn sinh học

Cô nữ sinh 18 tuổi với mái tóc ngắn, đeo kính trông rất thông minh và cá tính chia sẻ về “duyên nợ” của mình đối với môn Sinh học. Những năm đầu THCS, Hằng học chuyên Toán và Văn. Đến năm lớp 9, Hằng chuyển sang học Sinh vật, một phần vì yêu thích các chương trình thế giới động vật trên ti-vi, một phần vì muốn thử sức mình ở một môn học mới.

Sau khi đoạt giải nhất trong kỳ thi học sinh giỏi (HSG) thành phố năm lớp 9, Hằng đậu vào lớp chuyên Sinh của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Hai năm lớp 10 và 11,  bạn giành được 2 chiếc huy chương vàng trong kỳ thi Olympic 30-4 môn Sinh học. Năm lớp 11, Hằng được chọn đi thi HSG môn Sinh học cấp quốc gia cùng với các anh chị lớp 12 và giành được giải nhì. Đây có lẽ là một năm “tràn ngập” huy chương của Nguyệt Hằng, vì cũng trong năm ấy, bạn lại được chọn để dự thi Olympic quốc tế môn Sinh học (IBO 25) tổ chức tại Bali, Indonesia và giật ngay chiếc huy chương bạc quốc tế đầu tiên. Một năm sau, trong kỳ thi IBO 26 tại Đan Mạch, chiếc huy chương bạc quốc tế thứ hai đã được Nguyệt Hằng “rinh” về bộ sưu tập của mình.

Bản danh sách dài kể về những chiếc huy chương kia đều do người viết tự tìm hiểu trước, còn trong buổi nói chuyện hôm ấy, Nguyệt Hằng rất ít nói về thành tích của mình. Có vẻ như đối với cô học trò 18 tuổi này, chuyện nỗ lực học hành, đi thi và “giật” giải là một chuyện bình thường của học sinh, đặc biệt là học sinh trường chuyên.

Dù chuyên về môn Sinh học nhưng Hằng không bị rơi vào “cái bẫy” học lệch. Có lẽ nhiều người sẽ tròn mắt khi biết ngay từ đầu năm lớp 12, Hằng  đã giành được 7.5 IELTS, với mức điểm tuyệt đối 9/9 ở kỹ năng reading. Điều đặc biệt là Nguyệt Hằng chỉ ôn thi trong vòng 3 tháng giữa 2 kỳ tập trung đội tuyển thi quốc tế của năm học lớp 11 và 12.

Năm thi IBO đầu tiên đoạt huy chương bạc, Nguyệt Hằng thành thật chia sẻ lý do vì “mình chưa đủ để đạt được huy chương vàng”. Hằng là người không thích đổ lỗi, đối với cô nữ sinh này, “chưa đạt” nghĩa là bản thân “chưa đủ”. Với tâm niệm đó, Nguyệt Hằng lại tiếp tục trau dồi kiến thức để một năm sau lại “mang chuông đi đánh xứ người”. Lần thứ 2 dự thi, cô bạn tiếp tục giật thêm một chiếc huy chương bạc.

Lần này, Hằng lại cười to chia sẻ, bài thi thực hành, em được phát cho một con cá tuyết nặng 1kg với nhiệm vụ xác định các bộ phận bên ngoài, xác định nội quan, giải phẫu tim và não. Hằng đã hoàn thành 3 bước đầu tiên, đến bước giải phẫu não, vì tay yếu, em không xử lý được phần xương cá thành ra não bị nát. Thêm một lần nữa, Hằng cười bảo “cũng tại vì mình chưa đủ thôi”.

“Học không chơi đánh rơi tuổi trẻ”

Nguyệt Hằng rất thích đọc truyện. Cô bạn là fan của những tác phẩm khoa học viễn tưởng kinh điển của Jules Verne như “Hai vạn dặm dưới đáy biển”, “80 ngày vòng quanh thế giới”… và bộ truyện nổi tiếng “Harry Potter” của tác giả J.K.Rowling.

Khác với vẻ ít nói, trầm tĩnh lúc nói về chuyện thi cử, Nguyệt Hằng trở nên lém lỉnh hẳn khi nói về… đội bóng đá yêu thích của mình. Thì ra, cô bạn là fan của đội bóng Chelsea và Đức. Không chỉ vậy, Hằng còn có sở thích mày mò đồ điện tử. Cô bạn chia sẻ, ở nhà thích nhất là tháo ra lắp vào các loại ti-vi,  radio… Cũng giống như giải phẫu trong môn Sinh học, việc tháo lắp đồ điện tử giúp em tận mắt thấy được cơ chế hoạt động của chúng. Hằng “bật mí”, ngoài môn Sinh học, thì môn em thích nhất là Vật lý, vì nó rất gắn bó với đời sống hằng ngày.

Trước khi chia tay, cô nữ sinh chia sẻ về ước mơ được đi học ngành Công nghệ sinh học ở Mỹ, một quốc gia có nền khoa học kỹ thuật phát triển bậc nhất thế giới. Và cô nữ sinh 18 tuổi lại hồn nhiên tâm sự về… những món ăn mình sẽ nấu ở nơi đất khách quê người, ắt phải có nem, gỏi cuốn và cả các món ăn vặt của học trò xứ Quảng nữa. Đối với em, không cần nói quá nhiều về việc học hành, thi cử, dù thành tích của em không mấy ai đạt được. Em vẫn là cô thiếu nữ 18 tuổi, thích nấu ăn, mê coi đá banh với ba, mê đọc truyện, ham tháo lắp dụng cụ trong nhà mà thôi…

KHANG NINH

;
.
.
.
.
.