.

Nét xưa nơi phố nay

.

Cùng với sự phát triển sôi động của phố thị Đà Nẵng, những công trình kiến trúc hiện đại đua nhau vươn cao. Chấm phá giữa không gian tươi mới ấy là những công trình kiến trúc cổ vẫn còn lưu giữ hồn xưa, nếp cũ…

Chấm phá giữa không gian đô thị hiện đại là những công trình kiến trúc cổ vẫn còn lưu giữ hồn xưa, nếp cũ của các thời kỳ lịch sử đã qua. TRONG ẢNH: Đình làng Hải Châu. Ảnh: T.A
Chấm phá giữa không gian đô thị hiện đại là những công trình kiến trúc cổ vẫn còn lưu giữ hồn xưa, nếp cũ của các thời kỳ lịch sử đã qua. TRONG ẢNH: Đình làng Hải Châu. Ảnh: T.A

Gương mặt của lịch sử

Dạo quanh khu vực trung tâm thành phố mang đậm nét mới mẻ và hiện đại, thảng hoặc, người đi đường dừng lại, ngẩn ngơ hồi lâu trước những mảnh quá khứ đan xen đâu đó trong các công trình công cộng cổ. Cái cũ và mới đã cùng nhau hiện diện ở mảnh đất này

Nét xưa thấp thoáng nơi từng là trụ sở HĐND và UBND thành phố Đà Nẵng (trước đây là trụ sở Công ty Shell và Tòa Thị chính thời Pháp thuộc) in đậm phong cách kiến trúc phương Tây. Nét xưa vương vít nơi những cây cổ thụ nằm tĩnh lặng trên mô đất cao sẽ được giữ lại trong khuôn viên Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng (trước đây là Trung tâm Văn hóa Pháp) đang được xây dựng mới. Nét xưa đong đầy trong kiểu kiến trúc Gothie với những đường nét cao vút, những vòng cửa quả trám, những hoa văn được chạm trổ tinh tế cùng mái vòm lồng lộng của Nhà thờ Chính tòa Đà Nẵng (hay còn được người dân xứ biển thân thương gọi là Nhà thờ Con Gà). Nét xưa trầm mặc trong sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc Chămpa và kiến trúc Pháp của Bảo tàng Điêu khắc Chăm (hay còn có tên gọi khác là Cổ viện Chàm).

Trải bao sương gió thời gian, những nơi chốn ấy không chỉ là nơi hoài niệm quá khứ của người dân Đà Nẵng, là điểm nhấn thu hút khách du lịch, mà còn góp phần giúp kiến trúc Pháp ở Đà Nẵng trở thành quỹ di sản kiến trúc mang ý nghĩa lịch sử to lớn.

Bên cạnh các công trình mang nét kiến trúc Pháp, nét xưa lịch sử còn được lưu dấu trong nhiều công trình mang đậm nét kiến trúc cổ Việt Nam, điển hình như kiến trúc các đình làng. Là cụm di tích
kiến trúc tín ngưỡng được xây dựng sớm ở một làng nội thành Đà Nẵng, khu di tích đình làng Hải Châu phản ánh quá trình xây dựng và phát triển của làng từ xưa đến nay theo những chặng đường lịch sử dân tộc.

Trong khi đó, đình làng Túy Loan là một công trình có giá trị điển hình về mặt kiến trúc, bao gồm tiền đường, chính điện và hậu tẩm được nối liền liên tục từ trước ra sau với kết cấu hỗn hợp độc đáo, vừa có liên kết rường, vừa có liên kết kèo. Nét kiến trúc đặc sắc riêng của đình làng Bồ Bản lại là họa tiết tứ thời, tứ quý, cầm kỳ thi tửu… được trang trí thêm ở các thanh trính, kèo bên cạnh đầu rồng thường được chạm khắc.

Không chỉ lưu giữ nhiều vẻ đẹp văn hóa và nghệ thuật truyền thống dân tộc, đình làng Đà Nẵng còn ghi dấu ấn vẻ vang trên những trang sử vàng chống giặc ngoại xâm khi trở thành căn cứ hoạt động cách mạng.

Lưu giữ nếp cũ

Bên cạnh các công trình công cộng cổ, những ngôi nhà cổ lẩn khuất, rải rác trong nội thành đang là những nơi mà các chủ nhân luôn cẩn trọng với từng dấu xưa, nâng niu từng nếp cũ.

Tọa lạc ở số 52 Trần Bình Trọng là căn nhà cổ đã hơn 300 tuổi với vết tích xưa cũ in hằn trong từng thớ gỗ, dàn kèo, cột, xiên, trính… Bên tách trà chiều mỏng manh làn khói, chủ nhân của căn nhà, ông Nguyễn Văn Châu (gần 75 tuổi), hồi tưởng: “Ngôi nhà này có từ đời ông cố của tôi, được xây dựng theo kiểu kiến trúc tam gian, tứ hạ ngày xưa. Trước đây, mái phần tiền đường được lợp bằng ngói mũi hài, mái phần hậu tẩm được lợp bằng ngói âm dương…”.

Trong ngôi nhà này, ông được thế hệ đi trước kể cho nghe về những ngày ông nội góp sức cho phong trào Đông Du, về nghĩa tình thắm thiết mà cụ Phan Bội Châu, cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Ngô Đức Kế dành cho gia đình mình. Trong ngôi nhà này, ông được nhắc nhớ về tinh thần yêu nước khi nơi đây trở thành cơ quan liên lạc hoạt động cách mạng, là nơi một Chi bộ Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội được thành lập vào năm 1927. Trong ngôi nhà này, ông còn được thế hệ đi trước truyền tình yêu đối với các giá trị truyền thống.

Chiến tranh, ông theo gia đình rời nhà đi, đến năm 1954 thì trở về. Đứng trước căn nhà trống huơ trống hoác, chỉ còn lại phần sườn, ông thẫn thờ, bật khóc. Tìm kiếm mãi, ông chỉ lấy về lại được duy nhất một bức hoành. Trong nỗi day dứt quá khứ, ông tìm cách phục dựng lại không gian xưa với bàn thờ gia tiên, hương án, sập gụ, tủ chè, bộ tràng kỷ, bộ tranh gỗ mai, tùng, cúc, trúc…

Cũng như ông Châu, nếp cũ nhà xưa trong ngôi nhà số 56 Trần Quốc Toản được gìn giữ cho đến hôm nay là bởi niềm nhung nhớ hồi ức của gia đình bà Võ Thị Oanh (SN 1959). Ngôi nhà không chỉ là nơi ở, chốn về mà trở thành nơi chốn kỷ niệm, nơi chốn nghĩa tình trong tim mỗi thành viên.

Chỗ này trước kia có đặt một cái ghế, là nơi ông nội chị thường ngồi và kể cho con cháu về những trải nghiệm thú vị của bản thân. Chỗ kia trước đây có một cái bàn học, mười mấy anh chị em cùng học tập, nô đùa bên nhau. Chỗ nọ ngày trước là nơi ăn cơm, sum họp, quây quần cả gia đình 3 thế hệ…

Gần một trăm năm trôi qua, nhiều đồ đạc dần hư hại theo thời gian nhưng những ký ức tốt đẹp vẫn in hằn nơi tâm trí mỗi người. Bà tâm sự: “Ông nội tôi, cụ Võ Hồ Kiệm, quê gốc ở Kim Bồng, mười tám, đôi mươi đã bắt đầu với nghiệp xây dựng. Tầm 22, 23 tuổi, ông đã nhận thầu các công trình lớn từ Bắc vào Nam rồi dành dụm xây dựng căn nhà này. Nghe nội tôi kể, vật liệu để xây nhà gần như tất cả được chở từ Pháp qua trên các chuyến tàu. Chi phí xây nhà lúc bấy giờ là khoảng 20 ngàn bạc Đông Dương. Đến nay, ngôi nhà không bị hư hại gì, chỉ bị bong tróc vài mảng tường vôi sau mùa bão lũ…”.

Tuy vậy, bà Oanh vẫn nuối tiếc: “Có điều, đồ đạc cổ xưa trong căn nhà đến nay chỉ còn lại các bức hoành, cái tủ, hai chiếc ghế dài, đèn trần… Những vật dụng sau này tuy cũng mang phong cách cổ xưa nhưng là do chúng tôi mua đặt vào để tưởng nhớ những ngày đã qua. Anh em chúng tôi vẫn luôn tâm niệm sẽ cố gắng gìn giữ ngôi nhà vì đó là kỷ niệm với ông bà, cha mẹ...”.

Trong khi đó, mặc dù không phải là ngôi nhà do ông bà truyền lại, nhưng gia đình bà Phan Thị Khánh Hòa (SN 1955) vẫn duy trì nét xưa của ngôi nhà số 36 Hoàng Văn Thụ. Ngôi nhà này trước đây gia đình bà thuê để ở. Kiến trúc thoáng mát, khuôn viên rộng rãi của ngôi nhà đã khiến cho gia đình bà nhiều lần đề nghị được mua lại, nhưng chủ nhà không đồng ý. Đến khi chủ nhà đi Pháp gấp, gia đình bà mới may mắn được biến ước mong thành hiện thực. Bà Hòa nghe nói, ngôi nhà được xây chừng hơn 100 năm.

Cùng với nhịp phát triển của đô thị, ngôi nhà từng nhiều lần đứng trước nguy cơ được xây mới. “Khi cha tôi sắp mất, ông tính chia ngôi nhà thành 9 phần cho 9 đứa con. Giấy tờ đã xong xuôi, lệ phí đều đã đóng đầy đủ, cuối cùng, anh em chúng tôi vẫn không nỡ đập bỏ nơi ghi dấu nhiều kỷ niệm. Cuối cùng, chúng tôi đồng lòng giữ lại nét cổ xưa của ngôi nhà, giữ lại nơi tụ họp, sum vầy gia đình…”, chị Hòa kể.

Lần khác, gia đình chị Hòa quyết định xây thêm mấy ki-ốt phía trước mặt tiền để cho thuê, kiếm thêm thu nhập. Vật liệu đã mua xong nhưng kế hoạch cuối cùng cũng dang dở vì mọi người đều nuối tiếc, không nỡ phá vỡ không gian kiến trúc cũ. Nhờ vậy, đến nay, ngôi nhà vẫn còn vẹn nguyên phong cách kiến trúc Pháp, từ mái vòm cong cong đến nền gạch hoa, từ khung cửa gỗ đến ngọn đèn trần nhà…
Rõ ràng, không chỉ mang giá trị về kiến trúc, nét xưa nơi phố nay mà còn là gạch nối giữa quá khứ và hiện tại, ghi khắc hồn xưa, nếp cũ với những giá trị văn hóa-lịch sử độc đáo…

Hiện nay, trên địa bàn Đà Nẵng còn khoảng 64 ngôi nhà cổ và 55 công trình công cộng cổ, hầu hết đều tập trung tại khu vực trung tâm thành phố. Những công trình này gắn bó với người Đà Nẵng từ những năm đầu thế kỷ XX và lưu giữ rất nhiều dấu ấn kiến trúc cổ đặc sắc.

(Nguồn: Sở xây dựng)

TRÂM ANH

;
.
.
.
.
.