.

Thú chơi không biên giới

.

Những con tem nhỏ bé, mang nhiều màu sắc cùng các quốc tịch khác nhau vừa là ký ức, vừa là nguồn cảm hứng, khơi gợi sự sáng tạo, tính kiên nhẫn trong mỗi con người.

T.S Huỳnh Minh Sơn với thế giới tem của riêng mình.
T.S Huỳnh Minh Sơn với thế giới tem của riêng mình.

1. Nhìn hàng ngàn con tem nằm ngay ngắn trong những cuốn album, chẳng mấy ai đoán được Tiến sĩ Huỳnh Minh Sơn, Trưởng ban Công tác sinh viên Đại học Đà Nẵng, phải tốn bao nhiêu thời gian, tiền bạc sưu tầm về. Ngay bản thân anh, cũng không biết mình đang sở hữu chính xác bao nhiêu tem. Anh bảo, số lượng đôi khi không quan trọng bằng chất lượng, độ quý hiếm hay tem phù hợp với chủ đề của các bộ sưu tập.

Anh Sơn có hơn ba mươi năm trải nghiệm, vui buồn cùng tem. Những ngày đầu chỉ là thói quen giữ lại những lá thư do bố – làm việc tại Viện Nghiên cứu Khoa học kỹ thuật, Bảo hộ lao động – đi công tác ở nước ngoài gửi về. Từ thú vui rất trẻ con ban đầu, những lá thư dẫn lối Sơn vào thế giới tem đầy mê hoặc với hoa, quả, phong cảnh, danh nhân thế giới..., mở ra trong anh những xứ sở diệu kỳ. Kể từ đó, cậu bé 10 tuổi bắt đầu hình thành giấc mơ có một bộ sưu tập tem cho riêng mình, bắt đầu trao đổi tem với bạn bè hoặc xin lại từ người thân.

Tuổi thơ vụng về, nên mỗi lần nhận được thư, Sơn cắt phần tem dán nhúng vào nước sôi cho lớp hồ giãn nở để việc lấy tem dễ dàng. Lên đến cấp 2, Sơn đã biết sưu tập tem không chỉ là lấy tem ra khỏi bì mà còn giữ nguyên con tem trên bì thư, như thế mới giá trị.

Từ ngày hòa mình vào thú chơi này, đến nay, anh Sơn lưu giữ khoảng mười mấy ngàn con tem của gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, hơn 2.000 bì thư thực gửi các loại, do hơn 200 nước phát hành. Quý nhất đối với anh ở thời điểm này phải kể đến các phong bì tem thực gửi về Bác Hồ từ thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát hành và đầy đủ các bộ tem về Bác Hồ do các nước như Cuba, Liên Xô (cũ), Triều Tiên, Algerie, Đức, Sri Lanka, Lào, Rwanda, Malacca, Trung Quốc, Ấn Độ… phát hành.

Ngoài ra, anh còn là chủ sở hữu của các bộ sưu tập tem chuyên đề “Hồ Chí Minh – Con người của thời đại” (Giải Bạc tại Triển lãm tem bưu chính quốc gia Viestampex 2010, Giải Vàng tại Triển lãm tem bưu chính khu vực miền Trung-Tây nguyên 2010); “Lịch sử phát triển vũ trụ” (Giải Đồng, Triển lãm Viestampex 2005); “Hoa hồng, Bà chúa của muôn hoa” (Giải Đồng, Triển lãm Viestampex 2010)… Bên cạnh đó, anh còn có các bộ sưu tập chuyên đề phong phú như “Cuộc đời và sự nghiệp của lãnh tụ V.I.Lê Nin”, “Những cây cầu nổi tiếng thế giới” hay “Bảo tồn động vật hoang dã”. Mỗi bộ sưu tập gồm 5 khung tem (mỗi khung gồm 16 phơi, mỗi phơi có tem, bao thư thực gửi và ngày phát hành đầu tiên…).

Với Huỳnh Minh Sơn, tem mang lại giá trị tinh thần lớn lao. Không chỉ lưu giữ, anh còn cất công tìm hiểu tất cả thông tin, hình ảnh số tem mình có. Tem mở ra không gian rộng lớn với bao điều thú vị, lưu lại đó tất cả tinh túy mỗi vùng đất trên thế giới. Anh chia sẻ, chơi tem giúp chúng ta rèn luyện, phát triển phương pháp tư duy, làm việc logic, cẩn thận, khoa học và tính kiên nhẫn. Hơn thế nữa, chơi tem là làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần, đem lại niềm vui, thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng. Mỗi con tem gắn liền với những kỷ niệm về câu chuyện sưu tầm, góp nhặt cho bộ sưu tập của mình thêm phong phú.

Với những người chơi như anh Sơn, chơi tem cũng cần có điều kiện đầu tư về thời gian và cả tiền bạc mới có thể sở hữu được những vật phẩm bưu chính có giá trị. Tuy nhiên, không phải cứ có tiền là có thể mua được tem quý, điều quan trọng là sự tìm tòi, sáng tạo và niềm đam mê sẽ dẫn lối mọi người đến “duyên may” được sở hữu những bộ tem giá trị.

Chùm tem về di tích Chăm của bà Kim Thanh. Ảnh: T.Y
Chùm tem về di tích Chăm của bà Kim Thanh. Ảnh: T.Y

2. Ban đầu đến với tem, không ai nghĩ có lúc mình trở thành nhà sưu tập. Đơn giản, chỉ là cần phải giữ lại một phần quá khứ của cuộc đời, giữ lại lá thư của ba, của mẹ, của bạn bè, người thân hay một nửa yêu thương trao gửi cho mình. Chỉ khi sự lưu trữ đó bắt đầu lớn về số lượng, phong phú về nội dung, họ thấy mình cần phải chia sẻ với mọi người, tìm kiếm những tâm hồn đồng điệu qua các cuộc triển lãm.

Thuật ngữ “tem chơi” xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1865 trên tờ tạp chí “Người sưu tập tem bưu chính” của Pháp. Từ việc lưu lại, nhiều người nghĩ đến việc sắp xếp, trình bày nó một cách có hệ thống nhằm tránh lãng phí thời gian, tiền bạc. Đã là người chơi, dù là ai cũng đều mong muốn mình sở hữu thật nhiều tem, nhất là những tem quý, hiếm.

Tem quý hiếm thường rơi vào các trường hợp ít người có, số lượng in và phát hành hạn chế, có nội dung gắn liền với một sự kiện lịch sử - văn hóa nào đó, hay tem đã phát hành nhưng cơ quan thẩm quyền đã thu hồi và tiêu hủy. Thậm chí, người chơi còn tìm kiếm những loại tem in lỗi hoặc dị bản, mang yếu tố độc và lạ để tránh “đụng hàng”.

Từ trước năm 1975, bà Nguyễn Thị Kim Thanh (62 tuổi) ở địa chỉ 2/4 Đinh Tiên Hoàng, TP. Đà Nẵng đã dành cho tem một tình yêu đặc biệt. “Cái thời ti-vi chưa có, điện thoại còn hiếm, mỗi con tem, mỗi lá thư như chứa đựng cả thế giới mà chúng tôi muốn tìm hiểu. Mỗi lần chuyển thư đi là một lần mong ngóng sự hồi âm và ngóng luôn cả con tem dán trên thư với sự tò mò không biết mình đã có con tem đó chưa, hình dáng nó như thế nào. Cảm giác đó thật sự thú vị và đầy mê hoặc”, bà chia sẻ.

Gần như cả cuộc đời gắn bó cùng hàng ngàn con tem đủ thể loại, gia tài của bà Thanh bây giờ là 16 khung tem về các chủ đề tôn giáo, hoa, thú, con giáp, phong tục các nước được bảo quản, trình bày có hệ thống, đúng theo ý tưởng đã định sẵn.

Sống bằng đồng lương eo hẹp của nghề giáo, để có tiền mua tem, bà Thanh phải dè sẻn, chắt bóp các khoản lương, thưởng của mình. Lúc lật từng cuốn album chia sẻ với người viết, bà dừng lại trước bản phác thảo (bản thiết kế trước khi được chọn in tem) to bằng mặt giấy A4 mang hình ảnh bức tượng Bát bộ Kim Cương chùa Thạch Thất (Hà Nội). Bà nói, bức phác thảo này bà mua năm 2002 với giá 200 USD, tính ra cũng gần 4 chỉ vàng, cả gia tài thời điểm đó.

Ở Việt Nam hiện nay, cách chơi tem truyền thống – là hình thức sưu tập tem từng quốc gia và sắp xếp theo thời gian – ít được ưa chuộng bởi thời gian, khả năng tài chính không cho phép. Để thỏa sức sáng tạo với tem, người ta chọn cách sưu tập theo chuyên đề, cô đọng về nội dung thể hiện, tự do lựa chọn đề tài mình hứng thú mà không ràng buộc về quốc gia phát hành.

Một bộ tem giá trị phải bảo đảm yếu tố có tem đóng dấu ngày phát hành đầu tiên, bì thực gửi, tem chủ đề. Với hình thức sưu tập này, tính kiên nhẫn và khả năng sáng tạo luôn được đánh giá cao. Đơn cử, bộ sưu tập “Hoa hồng, bà chúa của muôn hoa” của Huỳnh Minh Sơn, đoạt giải Đồng tại Triển lãm Tem bưu chính quốc gia 2010 được anh xây dựng bằng biểu tượng tình yêu của loài hoa này. Từ ý tưởng ban đầu, anh tìm kiếm những con tem thể hiện đầy đủ thông điệp về hoa, nước hoa, thiệp tình yêu, cách trồng và tặng hoa hồng…, hướng đến sự phong phú và trọn vẹn về thông tin chuyển tải. Nhìn những con tem đầy màu sắc, nghe những câu chuyện anh chia sẻ, mới thấy rằng, bất kỳ cuộc chơi nào cũng đòi hỏi người chơi sự công phu, tỉ mẩn đến từng chi tiết.

3. Trong cuốn Sổ tay Sưu tập tem do Công ty Tem phát hành viết: “Con tem đầu tiên trên thế giới mang hình Nữ hoàng Anh, giá mặt 1 penny, màu đen, ra đời tại nước Anh vào ngày 6-5-1840. Sau đó 2 ngày, con tem 2 penny màu xanh cũng chính thức được phát hành. Từ tháng 5-1840 tới tháng 1-1841, đã có 72 triệu mẫu tem 1 penny đen được phát hành. Mẫu tem này được liên tục sử dụng trong 61 năm, khi Nữ hoàng băng hà mới bị thu hồi”. Kể từ khi tem bưu chính ra đời, ngành bưu điện nước Anh có những bước phát triển nhảy vọt, từ khoảng 76 triệu bức thư năm 1830 tăng lên 642 triệu bức năm 1863.

Ở Việt Nam, phải đến kỷ niệm lần thứ nhất Cách mạng Tháng Tám thành công, con tem bưu chính cách mạng Việt Nam mới chính thức ra đời. Bộ tem gồm 5 mẫu thể hiện chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh do họa sĩ Nguyễn Sáng thiết kế. Đến nay, Việt Nam đã phát hành 1.055 bộ tem mang nhiều chủ đề khác nhau.

Công tác trong ngành Bưu điện từ năm 1993 đến nay, chị Lê Thị Anh Đào, thành viên Hội Tem Đà Nẵng cho biết, khi mới ra đời, con tem chỉ làm nhiệm vụ thanh toán cước phí bưu chính. Phần lớn là tem phổ thông với số lượng in lớn, màu sắc không đẹp. Theo thời gian, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, ngành bưu chính in thêm tem sự vụ, tem thiếu cước, tem phụ thu để phù hợp với giá cước các phương tiện vận tải.

Làm việc trong ngành bưu chính giúp chị Đào có điều kiện tiếp cận những thông tin mới nhất về tem thư. Với chị, mỗi con tem là một tuyệt tác về hội họa, là công trình nghệ thuật tinh tế, là tấm danh thiếp của mỗi quốc gia mà mình cần tìm hiểu, giữ gìn. Trong bộ sưu tập hàng ngàn con tem của mình, điều tự hào trong chị là được sở hữu bộ tem đầu tiên về Bác Hồ, có giá trị thực gửi thời điểm đó khoảng 10, 50 hay 150 đồng. Hình ảnh thân thuộc, gần gũi mà cao cả của Người trở thành động lực để chị tiếp tục dành tình yêu cho những con tem nhỏ bé. Đó còn là hình ảnh về chiến thắng Điện Biên Phủ, về cầu Sông Hàn nơi chị đang sinh sống và làm việc.

Trò chuyện với những người chơi, nghe họ nói về tem, về tuổi thơ của mình, mới thấy, mỗi con tem là một câu chuyện, một ký ức về cuộc đời mỗi con người. Ở thế giới đẹp, thuần khiết và nhiều màu sắc đó, tem giúp họ chạm đến sự hồn nhiên, trong sáng của tâm hồn, mở vòng tay kết nối với bạn bè thế giới.

Ghi chép của Tiểu Yến

;
.
.
.
.
.