.

Nhạc sĩ Diệp Chí Huy: Theo đuổi con đường âm nhạc "tử tế"

.

Đêm nhạc “Nghêu ngao 2” của nhạc sĩ Diệp Chí Huy vừa diễn ra tại Đà Nẵng trong không gian khiêm tốn của phòng trà ca nhạc Le Paris. Dường như ai cũng tìm thấy ở đó một sự đồng cảm, gần gũi, sẻ chia và trân trọng trước sự chọn lựa cho con đường âm nhạc của mình, một dòng nhạc “tử tế” mà Diệp Chí Huy đã nhiều năm theo đuổi, kiếm tìm.

Nhạc sĩ Diệp Chí Huy trình bày ca khúc Những li ti, phổ thơ của Võ Kim Ngân. 
Nhạc sĩ Diệp Chí Huy trình bày ca khúc Những li ti, phổ thơ của Võ Kim Ngân. 

Bạn bè và công chúng yêu âm nhạc Đà Nẵng gặp lại một Diệp Chí Huy đằm thắm hơn với những nỗi niềm khắc khoải mà từ trong tâm niệm của anh cứ đau đáu khao khát kiếm tìm; cá tính và phong cách diễn đạt trong giai điệu của anh tự nhiên như hơi thở và người nghe như cùng đồng điệu sẻ chia những nỗi buồn lắng sâu, khắc khoải của kiếp người với tâm hồn người nghệ sĩ. Nó thuần khiết, vụng dại như những nét chạm trổ khuôn mặt những thổ dân châu Phi trên chiếc mặt nạ bám bụi thời gian với tiết tấu mang âm hưởng nhẹ nhàng hoang dã, mà anh đã từng theo đuổi nhiều năm trời lang bạt.

Ngoài những ca khúc sáng tác gần đây của mình, Diệp Chí Huy đã dành cho đêm nhạc này một sự trân trọng đặc biệt là công bố lần đầu 5 ca khúc phổ thơ của bạn bè mà anh đã viết trong những năm gần đây. Tình yêu vẫn là chủ đề bất tận trong âm nhạc của Diệp Chí Huy.

Những “Hoa thương muộng” thơ của nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng, “Tiếng lá vàng rơi”, thơ của Nguyễn Ngọc Hạnh, “Đợi gió sang mùa”, thơ của Nguyễn Đức Nam, “Những li ti” của Võ Kim Ngân, “Ngày tôi buồn”… của Trần Trình Lãm. Tất cả được bềnh bồng trong một không gian âm nhạc, vừa huyền ảo sắc màu lại vừa lắng sâu trong tiếng đàn violon của nhạc sĩ Nguyễn Đức, với dàn trống DJEMBE D.F.OLA của matnachauphi.com, mà cũng chính anh là ông chủ cung cấp các loại nhạc cụ này.

Tất cả đắm chìm trong ký ức của tình yêu, từ những li ti, bé nhỏ em mang theo và lưu giữ suốt cả đời mình đã vang lên thành những giai điệu ngọt ngào, da diết nhớ mong trong âm nhạc Diệp Chí Huy: “Em gom từng li ti/ Rải tháng ngày xa cách/ Bắc vòng qua nỗi nhớ/ Ta lại về bên nhau/” (Võ Kim Ngân – Những li ti)…

Hay “Có một cành hoa/ Sinh ra từ đất/ Được ban tặng từ Người/ Được ươm mùi da thịt” của Phạm Văn Hạng lại nẩy mầm, thành hoa muộng trong âm nhạc Diệp Chí Huy. Anh đưa cả chữ “muộng” kéo dài trong tình yêu của nhà điêu khắc vào âm nhạc, theo anh Phạm Văn Hạng, chữ muộng này còn hơn cả sự muộn màng, đó cũng là tên một loài hoa mà anh yêu thắm thiết!

Trần Trình Lãm trong “Ngày tôi buồn”, thì “Mây chiều xanh cứ bay/ Mưa chiều xuân cứ rơi/ Em chừ năm tháng trôi/ Tôi chừ men nồng say”, nhưng khi đi vào âm nhạc của Diệp Chí Huy, câu thơ bỗng trở nên “ríu rít như lời chim”, dạt dào sâu lắng như là tình yêu đang bay lên, như là đang nồng say! Còn những câu thơ trong “Đợi gió sang mùa” của Nguyễn Đức Nam, theo nhạc sĩ Diệp Chí Huy, thì nó cứ đến chầm chậm đến như tình yêu, như cơn gió nhẹ “Yêu thương lắm người ơi/ Nhưng không thể/ Mắt môi xinh/ Thầm thì giấc mơ về/ Ngày tháng cứ dặm dài nỗi nhớ/ Để đời ta cô quạnh giữa muôn người”…

Khi nghe ca khúc “Tiếng lá vàng rơi”, thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, một không gian trầm lắng. Chiều đang trôi và, em đang rơi: “Ai như vừa đi qua heo may/ Có nghe chăng mùa thu xa rồi/ Chút nắng hanh vàng còn sót lại/ Em bềnh bồng hay thu đang trôi”. Và giai điệu ấy càng trào dâng dồn dập, khi nhạc sĩ Diệp Chí Huy vỡ òa cảm xúc ở cao trào, như chính tác giả đang rơi: “Thu xa rồi, hay em xa tôi/ Biết còn ai nâng niu bên đời/ Một chiếc lá vàng rơi rất thấp/ Rơi theo chiều tôi đang rơi”.

Sự giao thoa giữa thơ ca và âm nhạc như là duyên nợ, nó đến với người này nhưng lại bạc bẽo với người kia. Có rất nhiều nhạc sĩ đã phổ thơ thành ca khúc, nhưng đâu phải ai cũng được chung sống với tác phẩm ấy trọn đời, nó chết yểu, tội nghiệp. Đâu dễ có một “Quê hương” của Giáp Văn Thạch, thơ Đỗ Trung Quân, hay “Chị tôi” của Trọng Đài, thơ Đoàn Thị Tảo…

Nhắc đến Đỗ Trung Quân, tôi mới nhớ, trong live show Tôi về đếm lại ca dao của Diệp Chí Huy cách đây mấy năm, anh đã nhận xét rằng: “Những ca khúc của Diệp Chí Huy là một thứ âm nhạc tử tế đang còn nằm trong bóng tối, rất cần sự chia sẻ”. Đó là một thứ âm nhạc còn ẩn nấp và lấp khuất.

Nhạc sĩ Diệp Chí Huy thường tâm sự, “Tôi có một giấc mơ và một bài hát để nghêu ngao”, có phải chính vì thế mà câu chuyện “nghêu ngao” này của anh đã bắt đầu có số thứ tự: Nghêu ngao 2. Cả một đời nghệ sĩ lang bạt, từ quê nghèo Bình Định ra đi khắp cùng, đến cả châu Phi xa xôi.

Cha anh là một nghệ sĩ violon và guitar đã mất từ khi anh còn nhỏ, thế mà nguồn cảm hứng vô tận đó dẫn truyền cho đến bây giờ để một Diệp Chí Huy với phong cách âm nhạc tử tế, mới mẻ, sang trọng. Trong tình hình rối rắm của âm nhạc hiện nay; trên các sân khấu ca nhạc, người lớn thì quay về dòng nhạc xưa để chia sẻ nỗi niềm dĩ vãng, giới trẻ thì lao vào một thứ âm nhạc điện tử hỗn loạn, ca từ mù mịt… thì việc hướng đến một sự sạch sẽ và sang trọng cho âm nhạc như Diệp Chí Huy thật đáng trân trọng.

SƠN TÙNG

;
.
.
.
.
.