.

Họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận: Giấc mơ tràn ngập sắc màu

.

Nhiều người sinh ra trong khoảng thập niên 40 của thế kỷ XX nói Hoàng Đăng Nhuận vì mê vẽ tranh mà bỏ nghề thợ vàng, lang thang theo người bạn họa sĩ là Lê Văn Tài để học vẽ từ cuối thập niên 60.

Cổ thành.
Cổ thành.

Câu chuyện Hoàng Đăng Nhuận trở thành họa sĩ nổi tiếng cũng có nhiều ẩn khuất được truyền miệng từ các thế hệ cùng thời ông. Nhà phê bình mỹ thuật Huỳnh Hữu Ủy nhận xét: “Mê thế giới của giá vẽ và màu sắc, nên thời còn rất trẻ, trước năm 1968, Nhuận rời gia đình và sống trong cảnh phiêu lãng với họa sĩ Lê Văn Tài ở Huế, rồi khi Lê Văn Tài trở thành người lính của Mặt trận Giải phóng, đi lên rừng, rồi đi ra miền Bắc, thì Hoàng Đăng Nhuận đã trở thành họa sĩ lúc nào mà cũng chẳng hay. Tự học vẽ, không vào trường Mỹ thuật, vậy mà bước đầu triển lãm thì lại bày tranh với hai họa sĩ rất danh tiếng thời bấy giờ là Đinh Cường và Rừng”.

Chân dung họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận do họa sĩ Bửu Chỉ vẽ.
Chân dung họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận do họa sĩ Bửu Chỉ vẽ.

Cho dù dư luận truyền miệng thế nào đi chăng thì Hoàng Đăng Nhuận cũng là một họa sĩ đã thành danh ở đất Cố đô và khắp cả nước, điều đặc biệt là ông không học trường Mỹ thuật, cũng như danh họa Bửu Chỉ vậy (tự học vẽ, nghiên cứu rất sâu về hội họa đặc biệt là hình họa để làm nên một tên tuổi Bửu Chỉ vượt tầm quốc gia). Tôi đã xem tranh của Hoàng Đăng Nhuận vào cuối những năm 1980, dạo đó ông treo tranh cùng họa sĩ Bửu Chỉ và một số người khác ở địa chỉ 15A Lê Lợi (Liễu Quán bây giờ).

Một số tác phẩm của ông thời đó mang dáng vẻ dã thú, với sắc màu mạnh, rất nhiều nét đen sổ dọc sổ xéo tạo nên nhiều ô cửa làm nền tôn vinh cho những đốm vàng lóe lên trên nền toan tối mịt mù. Tranh của Hoàng Đăng Nhuận giai đoạn này đã định hình phong cách sáng tác, không còn trên con đường tìm kiếm cách biểu hiện, nhưng ông luôn tìm tòi ý tưởng sáng tạo từ cuộc sống quanh mình. Các bức phố của ông bàng bạc chất thơ trong từng nét cọ thật thà, với vệt loang của các sắc màu chồng lên nhau tạo nên sự cuốn hút người xem chỉ có ở Hoàng Đăng Nhuận.

Sau một khoảng thời gian dài mò mẫm trên con đường nghệ thuật, chủ yếu là học từ bạn bè, từ cuộc sống, Hoàng Đăng Nhuận đã tạo cho mình con đường riêng trong hội họa. Hầu hết tác phẩm của ông diễn đạt những cảm xúc nhẹ nhàng, không có sự táo bạo trong ý tưởng. Quá trình sáng tác của ông có thể tóm lược như sau: Dòng tranh đồng dao: Chợ Gia Lạc, Cá mặt trăng, Con mèo trèo cây cau, Chơi ô làng. Dòng tranh vẽ phố: Phố chờ, Phố mùa đông, Địa chỉ của những cô gái đa tình. Dòng tranh dã thú, dòng tranh bán trừu tượng: Nhà có hoa Tigôn, Những ổ khóa, Con bù nhìn. Dòng tranh thiếu nữ, dòng tranh tĩnh vật: Sân thượng (ông vẽ hai tách cà-phê ẩn trong màu đỏ cam cô đặc cả không gian), Của một người đã tới, Những người đi mua không khí,...; và dòng tranh mini sau khi ông bạo bệnh.

Thành công nhất trong sự nghiệp sáng tác của họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận là loạt tranh phố. Chất hoang dã của những con phố chiều được ông vẽ bằng màu tro lạnh, lác đác những khoảng sáng phía xa mờ, ẩn bên dưới bầu trời ảm đạm đó là những ngôi nhà tĩnh lặng, chúng ta có thể nhận ra vài bóng dáng thiếu phụ thấp thoáng trong tranh của ông. Không ngả nghiêng, ảo diệu như Phố Phái, Hoàng Đăng Nhuận đã biến những dãy phố thành giấc mơ của mình, nơi đó là một thế giới hồn nhiên, ngơ ngác. Những tác phẩm khác gây ấn tượng của ông, là loạt tranh dã thú, trong những khoảng tối người xem tinh ý sẽ nhận ra những bộ mặt loài cú, những cánh dơi phiêu diêu và tiếng gầm gừ của loài sói lạc bầy hay ánh mắt của linh miêu sáng lên trong đêm đen.

Đá cuội.
Đá cuội.

Trong tranh của Hoàng Đăng Nhuận luôn xuất hiện những vệt màu đỏ tươi mà họa sĩ Đinh Cường gọi là màu son tươi, màu đỏ vermillon. Thật ra, điểm giàu (rich point) là khái niệm cơ bản trong hội họa, người vẽ tranh thường sử dụng những điểm giàu để hướng ánh nhìn của người xem vào tâm điểm của tác phẩm.

Còn nhớ lần ra mắt Gác Trịnh vào ngày 1-4-2013, Hoàng Đăng Nhuận đã gửi đến ba tác phẩm cũ để tham gia ra mắt, trước hôm đó có lẽ vì quá thần tượng và yêu quý nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ông đã vẽ thêm chân dung Trịnh Công Sơn trong bức tranh chủ đề Phố, tựa bức Cỏ lau bên thành cổ (1997), viết thêm mấy câu nhạc của Trịnh Công Sơn trong bức Đá cuội, ký và sửa lại năm sáng tác là 2013 ngay trước mắt tôi và nhà thơ Phạm Tấn Hầu.

Những bức tranh này được một nhà báo gán cho Hoàng Đăng Nhuận một liều thuốc kích thích rất mạnh “Khi nghe hình thành Gác Trịnh, Hoàng Đăng Nhuận chợt “vươn vai” vẽ liền ba bức tranh về Trịnh cùng một gam màu tươi tắn, giàu cảm xúc đến lạ lùng...”, và chàng phóng viên nhiều trí tưởng tượng này còn đặt tên bức tranh Thành cổ và Trịnh rất ăn nhập với ngày ra mắt Gác Trịnh.

Về chất liệu của Hoàng Đăng Nhuận, một thời ông vẽ bằng màu bột, sơn dầu rồi acrylic, ông vẽ trên giấy roki, trên thảm (bố sợi to) và bây giờ là trên toan. Trong các tác phẩm của họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận, cái tài sử dụng màu trong tranh của ông đã khiến giới có học trường lớp mỹ thuật phải kinh ngạc.

Ông đã sử dụng rất nhiều màu sắc; các sắc màu đó quyện vào nhau một cách kỳ lạ để vượt ra ngoài sự thật, hướng người xem đến một không gian khác của cuộc sống, nơi đó có thể là một giấc mộng, một cơn hoang tưởng, một phút xuất thần và cả sự thăng hoa của tâm hồn đã dẫn đưa người xem tranh rơi vào thế giới tinh thần của tác giả. Điều này, gợi lên từ những bức vẽ phố, tĩnh vật, phong cảnh và dã thú của họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận. Xem tranh của ông chúng ta như bước vào cánh rừng của giấc mơ tràn ngập sắc màu, nơi đó bóng dáng cô độc của người nghệ sĩ đang khuất dần phía ánh hoàng hôn.

LÊ HUỲNH LÂM

;
.
.
.
.
.