.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên: Tôi được như ngày hôm nay là nhờ có niềm tin

.

“Cụ Phạm là người của lịch sử, hãy để cho lịch sử phán xét, các con cháu cứ yên tâm mà đi theo cách mạng”. Nhạc sĩ Phạm Tuyên chưa được trực tiếp gặp Bác Hồ nhưng ông được nghe nhà thơ Huy Cận, thành viên phái đoàn của Chính phủ lâm thời từ Hà Nội vào Huế nhận ấn kiếm của Bảo Đại sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, truyền lại lời nhắn gửi ấy.

Thân hữu của gia đình nhạc sĩ Phạm Tuyên và văn nghệ sĩ Huế đến dự lễ tưởng niệm nhân 70 năm ngày mất của cụ Thượng Chi Phạm Quỳnh.
Thân hữu của gia đình nhạc sĩ Phạm Tuyên và văn nghệ sĩ Huế đến dự lễ tưởng niệm nhân 70 năm ngày mất của cụ Thượng Chi Phạm Quỳnh.

Con cháu cụ Thượng Chi Phạm Quỳnh đã thực hiện tốt lời khuyên của Bác, tiêu biểu là nhạc sĩ Phạm Tuyên. Năm 2001, nhạc sĩ Phạm Tuyên được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, 12 năm sau, năm 2012 ông vinh dự được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên nổi tiếng với khá nhiều ca khúc thuộc nhiều đề tài, và viết cho nhiều lứa tuổi. Tuổi thanh xuân ông đã say sưa ca ngợi Đảng và đã để lại những ca khúc hay nhất về Đảng. Ông có ba ca khúc viết về Đảng ở từng giai đoạn cách mạng: Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng, Đảng đã cho ta cả mùa xuân, Màu cờ tôi yêu. Năm 2000, trong tốp 10 ca khúc viết về Đảng được bình chọn là hay nhất có hai bài của Phạm Tuyên là Đảng cho ta cả mùa xuân Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng. Những ca khúc viết về Đảng chiếm một vị trí quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của Phạm Tuyên, là những mốc son trên con đường sáng tác nghệ thuật của ông. Với ba ca khúc này Phạm Tuyên được đánh giá là một trong những người viết Đảng ca hay nhất.

Cảm hứng về Đảng là nguồn sáng tạo phong phú của rất nhiều nhạc sĩ nhưng có được một giọng ca ngợi Đảng vừa sâu sắc vừa chân thành và đầy ấn tượng như Phạm Tuyên thì không phải là nhiều. Các tác phẩm đều giàu chất chính luận nhưng giai điệu lại rất nhẹ nhàng, ca từ bình dị, chân thành, tạo ra sự gần gũi giữa Đảng và dân, dễ thuộc lời, dễ hát. Sự cộng hưởng giữa người nghệ sĩ và quần chúng tạo ra sức sống lâu bền của ca khúc.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác rất nhanh, trong đó có những ca khúc đánh dấu một thời điểm lịch sử, một thời khắc thiêng liêng, một sự kiện trọng đại, một chiến dịch như: Từ làng Sen, viết ngay sau khi Bác vừa đi xa; Như có Bác trong ngày đại thắng, viết trước khi kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử hai ngày; Gửi nắng cho em, viết “khi hai miền cùng vào một vụ chiêm… Cùng vào mùa một ngày vui thống nhất…”; Con kênh ta đào, “khi trên công trường ta đã mến yêu nhau”... Ca khúc Chiến đấu vì độc lập tự do được ông sáng tác ngay trong đêm đầu tiên của ngày xảy ra cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, đêm 17-2-1979 (thường được gọi bằng cái tên không chính thức là Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới). Vì thế có người nói rằng các ca khúc Phạm Tuyên là một biên niên sử bằng âm nhạc. Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét: “Cuộc đời Phạm Tuyên là một pho tiểu thuyết bề bộn với rất nhiều cung bậc”.  

Trong buổi ra mắt cuốn Phạm Quỳnh - Góc nhìn từ Huế (NXB Thuận Hóa, 2015), được tổ chức tại nhà khách chùa Vạn Phước, nhân lễ giỗ lần thứ 70 của cụ Phạm, nhạc sĩ Phạm Tuyên tâm sự với thân hữu của gia đình và bạn bè văn nghệ sĩ ở Huế: Tôi đứng vững và có được như ngày hôm nay là nhờ vào niềm tin, nhờ vào sự ủng hộ của thính giả, của nhân dân. Tôi có niềm tin từ lời của Bác Hồ. Đến cuối cuộc đời tôi chỉ có một mong muốn duy nhất là lịch sử sẽ giải tỏa những góc khuất của gia đình mình. Tôi được nhân dân yêu mến, cổ vũ.

Ông dẫn hai câu chuyện làm ví dụ. Chuyện thứ nhất, đầu năm nay Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến nhà riêng thăm tôi. Tổng Bí thư không nói gì về cụ thân sinh nhưng khi xem bức ảnh ông tặng hoa, rất nhiều người bạn đã gọi điện đến chúc mừng, chia sẻ, và xem đó như là một sự giải tỏa.

Chuyện thứ hai, có lần lên Việt Bắc dự một lễ hội, kết thúc đêm hội đồng bào dân tộc thiểu số hát say sưa bài Như có Bác trong ngày đại thắng. Một vị lãnh đạo tỉnh ngồi cạnh ông hỏi các “diễn viên” quần chúng: Các bạn có biết bài này do ai sáng tác không? Họ trả lời: Không biết. Chúng tôi chỉ biết bài này là bài “giã bạn” thôi! Chí lý! Như có Bác trong ngày đại thắng đã vượt ra khỏi biên giới nước nhà, lan tỏa đến nhiều nước trên khắp các châu lục.

40 năm qua những điệp khúc “Việt Nam Hồ Chí Minh, Việt Nam Hồ Chí Minh” vẫn vang lên bừng bừng khí thế, rộn ràng niềm vui trong những cuộc giao lưu quốc tế, và là bài hát giã bạn của bạn bè quốc tế dành cho các đoàn Việt Nam trước giờ chia tay. Đó chính là những lá phiếu bình chọn của số đông khán, thính giả cho những tác phẩm của người nghệ sĩ. Mới đây, nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập, cả hai ngành Công an và Giao thông vận tải đều vinh danh, tri ân nhạc sĩ Phạm Tuyên với bài Từ một ngã tư đường phố.

Nghe nhạc sĩ Phạm Tuyên trải lòng, tôi chợt nhớ hai câu thơ xuất thần của Phạm Tiến Duật. Hai câu thơ khái quát cuộc đời của ông: Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng / Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay!.

THANH TÙNG

;
.
.
.
.
.