.

Nước trên sao Hỏa - từ viễn tưởng đến thực tế

.

Ngày 21-9 vừa qua, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ NASA đã khiến cả thế giới bất ngờ khi công bố phát hiện có nước lỏng chảy trên bề mặt sao Hỏa.

Điều này đồng nghĩa với việc loài người có thể sinh sống được trên hành tinh đỏ. Nguồn nước được đánh giá là tài nguyên quan trọng, đặc biệt cho những chuyến thám hiểm của các nhà du hành vũ trụ.

Tin tức này của NASA, trùng hợp thay, lại được phản ánh trong bộ phim giả tưởng “The Martian” - Người về từ sao Hỏa - của đạo diễn gạo cội Ridley Scott. Bộ phim dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Andy Weir, kể về hành trình sống sót không tưởng của phi hành gia Mark Watney. Do một cơn bão dữ dội, NASA đã rút ngắn hơn dự kiến chuyến thám hiểm vũ trụ của các phi hành gia.

Đồng nghiệp tin rằng Mark đã chết nên từ bỏ hành trình tìm kiếm để kịp quay về trái đất. Tuy nhiên, Mark may mắn thoát chết và bị mắc kẹt trên hành tinh không sự sống, cách xa trái đất đến 145 triệu dặm. Anh sử dụng toàn bộ kinh nghiệm, kiến thức, sự lạc quan, hóm hỉnh và hy vọng về một ngày được đoàn tụ cùng gia đình để tồn tại.

Trong phim, Mark đã làm ra nước bằng cách tạo ra độ ẩm, nhiệt năng lớn và hứng từng giọt nước ngưng đọng, rơi xuống trên một tấm bạt nhựa. Mark không chỉ sử dụng nguồn nước này để uống mà còn để trồng khoai tây, giúp anh duy trì sự sống trên hành tinh đỏ trong hơn 1 năm.

Trả lời phỏng vấn của tờ The Times, đạo diễn Scott cho biết, trước khi bộ phim công chiếu tại rạp khoảng 2 tháng, ông đã được một thành viên của NASA cho thấy những bức ảnh phỏng đoán về việc có nước trên sao Hỏa. Nếu đây là sự thật, NASA và những cơ quan vũ trụ khác sẽ giải được bài toán làm sao cung cấp đủ nước cho các phi hành gia trong hành trình thám hiểm hành tinh đỏ. Bởi việc vận chuyển nước không chỉ khó khăn mà còn ngốn đến 10.000 USD chi phí để vận chuyển 0,45kg nước lên vũ trụ.

Bộ phim đã vinh dự được trình chiếu cho các nhân viên NASA và cả phi hành đoàn của Trạm vũ trụ quốc tế. Thế nhưng, sau tất cả, đạo diễn Scott vẫn bất ngờ và xúc động khi nhận ra, phỏng đoán có nước trên sao Hỏa là sự thật. Đặc biệt hơn nữa, tuần công chiếu rộng rãi tác phẩm điện ảnh này tại thị trường Bắc Mỹ được đánh dấu bằng thông báo chính thức của người đứng đầu NASA: “Nước – yếu tố thiết yếu nhất cho sự sống trên sao Hỏa đã không còn là ước mơ viễn tưởng, huyền hoặc của con người nữa, đó giờ đây đã là sự thật”.

Tuy nhiên, điều ấn tượng nhất ở bộ phim không chỉ dừng lại ở thông điệp giờ đây sự sống có thể tồn tại trên sao Hỏa. “The Martian” ghi dấu trong lòng người xem bởi nỗ lực sống và cách Mark đối diện nỗi cô đơn; hành trình của các phi hành gia “giải quyết vấn đề bằng trí khôn của họ”; cách NASA hợp lực để giải cứu người đồng nghiệp của mình đang mắc kẹt lại hành tinh đỏ; cách người thân và cả những người xa lạ tụ tập tại quảng trường để chứng kiến trực tiếp và hy vọng cho sự trở về bình an của Mark. Bộ phim đã gửi đi thông điệp đến trẻ em – thế hệ công dân tương lai và các chính trị gia rằng: khoa học là khó khăn, gian khổ, đôi khi cả sai lầm. Tuy nhiên, sau tất cả, khoa học vẫn có thể kết nối và cứu sống con người.

NHẬT XUÂN

;
.
.
.
.
.