Công tác nhân sự luôn là tâm điểm chú ý ở các mùa đại hội Đảng và chính vì thế mà cứ đến thời điểm đại hội, trưởng ban tổ chức cấp ủy là người phải chịu áp lực lớn về công tác quan trọng này, không chỉ với cấp mình mà còn với cấp dưới trực tiếp.
Tại sao nói công tác nhân sự là quan trọng và luôn trở thành tâm điểm chú ý? Đó là bởi đại hội Đảng là thời điểm chuyển giao quyền lực, không chỉ trong Đảng mà còn trong cả hệ thống chính trị, cũng là thời điểm bùng nổ những tham vọng quyền lực như cảnh báo của Hội nghị Trung ương 11 (khóa XI).
Là người đứng đầu cơ quan tham mưu giúp việc của cấp ủy về tổ chức xây dựng Đảng, trưởng ban tổ chức cấp ủy chịu nhiều áp lực vào thời điểm này là chuyện dễ hiểu, có điều vẫn còn không ít áp lực là sản phẩm của một cách nghĩ đã lỗi thời, chẳng hạn như thiên hạ dễ đánh giá thấp năng lực của trưởng ban tổ chức cấp ủy khi tại đại hội xảy ra vài thay đổi được gọi là “bất ngờ” trong kết quả bầu cử, so với dự kiến/tính toán/sắp xếp ban đầu của cấp ủy khóa trước.
Qua lâu rồi cái thời mà những ứng viên nằm trong danh sách do cấp ủy khóa trước trình đại hội được xem như đã chính thức đặt chân vào cấp ủy khóa mới - cá biệt ai đó không trúng cử thì chắc chắn là người ấy “có vấn đề” và trong nhiệm kỳ sẽ không thể được chỉ định bổ sung vào cấp ủy.
Cũng không phải vào đại hội không có một số ứng viên được đưa thêm vào danh sách - do được các đoàn đại biểu đề cử hoặc tự ứng cử - nhưng hầu như khó mà… trúng cử.
Giờ đây khi dân chủ trong Đảng được mở rộng, danh sách trình đại hội buộc phải có số dư - nghĩa là đương nhiên phải có người không trúng cử, và theo phương châm ai trúng cử cũng được, không có hiện tượng “quân xanh quân đỏ”, nên cũng có thể xảy ra điều được xem là “bất ngờ”, thậm chí được xem là “sự cố” trong đại hội, khi có ứng viên thuộc “cơ cấu cứng” mà không trúng cử.
Thực ra đấy cũng là việc bình thường, bởi đại hội mới là cơ quan quyền lực cao nhất, mọi dự kiến/tính toán/sắp xếp trước khi bầu cử chỉ có ý nghĩa phục vụ đại biểu đại hội tham khảo…
Việc đánh giá thấp năng lực của trưởng ban tổ chức cấp ủy trong trường hợp này bắt nguồn từ một cách nghĩ đã lỗi thời luôn cho rằng mọi dự kiến/tính toán/sắp xếp của cấp ủy khóa trước là tuyệt đối đúng - nếu quả như vậy thì đại hội cần gì phải bầu cử, chỉ cần nghe thông báo kết quả dự kiến/tính toán/sắp xếp ấy là đủ.
Có điều cần nói thêm rằng khi một trưởng ban tổ chức cấp ủy có năng lực và giàu kinh nghiệm tham mưu cho cấp ủy khóa trước dự kiến/tính toán/sắp xếp hoàn toàn trùng hợp với sự lựa chọn của đại biểu đại hội khi bầu cử, thì không có nghĩa là dân chủ trong Đảng/trong đại hội không được mở rộng; ngược lại, nếu sự lựa chọn của đại biểu đại hội khi bầu cử không trùng hợp, thậm chí thay đổi “bất ngờ” so với dự kiến/tính toán/sắp xếp ấy, thì cũng chưa hẳn do dân chủ trong Đảng/trong đại hội đã được mở rộng, càng chưa hẳn do trưởng ban tổ chức cấp ủy kém năng lực và kinh nghiệm - ở đây cùng lắm chỉ có thể chê trách trưởng ban tổ chức cấp ủy không tính hết sự bùng nổ của những tham vọng quyền lực.
Khi cầm bút để bỏ phiếu kín bầu cấp ủy khóa mới, đại biểu đại hội thường cân nhắc về ba mối quan hệ: già-trẻ, nam-nữ, chức vụ cao-chức vụ thấp, nhưng chủ yếu là quan tâm về mối quan hệ chức vụ cao-chức vụ thấp. Quan tâm như vậy là đúng, bởi trong công tác nhân sự, nhân luôn đi đôi với sự - bầu vào cấp ủy để sau đại hội sẽ bố trí giữ chức danh chủ chốt nào đó trong hệ thống chính trị.
Do chưa thấy hết thực tế này nên tại Đại hội lần thứ XX Đảng bộ thành phố Đà Nẵng vào năm 2010, tôi đã không thành công trong việc tham mưu thực hiện chỉ tiêu ít nhất có 15% thành ủy viên là nữ. Được bầu 55 người, danh sách trình đại hội 67 người, đại hội chốt danh sách 68 người, trong đó có 9 ứng viên là nữ, song kết quả chỉ được 4 nữ thành ủy viên. Tôi nghĩ ở đây không có hiện tượng bất bình đẳng giới, cũng không phải do cấp ủy khóa trước tiến cử nữ ứng viên không bảo đảm tiêu chuẩn: tất cả ứng viên không trúng cử đều giỏi giang, trẻ đẹp - họ chỉ có một thất thế duy nhất: mới là cán bộ lãnh đạo/quản lý cấp… phó!
Chính tâm lý tôn lão kính trưởng - chứ không phải tâm lý trọng nam khinh nữ - đã dẫn đến năm đó Đà Nẵng không đạt chỉ tiêu ít nhất có 15% thành ủy viên là nữ. May cho tôi là hồi ấy Trung ương chưa chỉ đạo áp dụng biện pháp chế tài đối với các đảng bộ trực thuộc không đạt chỉ tiêu về cấp ủy viên là nữ/cấp ủy viên dưới 40 tuổi/cấp ủy viên mới tham gia lần đầu…
Tuy nhiên chỗ bất cập của tôi - với tư cách Trưởng ban Tổ chức Thành ủy - không nằm ở đại hội này mà là nằm ở nhiệm kỳ trước, nhất là trong nửa sau của nhiệm kỳ trước. Lẽ ra tôi phải sớm đề xuất với Thành ủy chọn đưa thêm một số cán bộ lãnh đạo/quản lý cấp phó là nữ giỏi giang, trẻ đẹp vào vị trí người đứng đầu các địa phương/cơ quan/đơn vị phù hợp sở trường, tạo điều kiện để họ cùng lúc đáp ứng hai - thậm chí ba - mối quan hệ mà đại biểu đại hội thường quan tâm khi lựa chọn để bầu bằng phiếu kín: chức vụ cao-chức vụ thấp, nam-nữ và có khi là già-trẻ nữa. Tôi tin rằng phần đông đại biểu đại hội sẽ chọn bầu những ứng viên “hai trong một” hoặc “ba trong một” ấy.
Làm trưởng ban tổ chức cấp ủy là được giao một số quyền lực về việc tham mưu trong công tác cán bộ, nhưng cái quyền lực này rất hữu hạn, không phải toàn năng/toàn quyền. Quyền quyết định đề bạt/bổ nhiệm cán bộ là của tập thể thường trực cấp ủy, của ban thường vụ cấp ủy và có khi là của tập thể cấp ủy. Ban tổ chức cấp ủy dẫu quan trọng đến mấy cũng chỉ là một công đoạn trong cái dây chuyền quyền lực đó, trưởng ban dẫu chuyên nghiệp đến mấy cũng chỉ một… phiếu.
Đương nhiên, nói người làm nghề tổ chức không phải toàn năng/toàn quyền trong công tác cán bộ, tôi hoàn toàn không có ý phủ nhận trách nhiệm rất lớn của bản thân khi thẩm định từng trường hợp đề bạt/bổ nhiệm cán bộ. Tôi ý thức rõ sức nặng lá phiếu của chính mình.
Cũng là một phiếu thôi nhưng lá phiếu của trưởng ban tổ chức cấp ủy phải là sự tích tụ của cả quá trình đánh giá và lựa chọn cán bộ theo hướng vì việc xếp người chứ không phải vì người xếp việc, đảm bảo không để xảy ra tình trạng đáng buồn là người làm được thì không được làm, còn người được làm thì làm không được. Đánh giá và lựa chọn cán bộ là việc khó, nhiều lúc danh không đi đôi với thực - trong khi đó người hữu danh vô thực thì dễ gặp/dễ thấy hơn là người hữu thực vô danh…
Chính vì vậy người làm tổ chức phải cất công đi tìm những người hữu thực vô danh ấy. Tôi nhớ trong một cuộc họp Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh - nay đã quá cố - giao cho tôi một nhiệm vụ: “Chiều chiều, khi mọi người vào quán uống bia thì Trưởng ban Tổ chức Thành ủy phải chịu khó đi lang thang ngoài đường để tìm cán bộ”.
Lúc đó tôi ngồi cuối phòng họp, nghe vậy liền quay sang nói nhỏ với Bí thư Quận ủy Hải Châu Nguyễn Mạnh Hùng: “Thiên hạ đã vào hết trong quán thì còn ai đi ngoài đường để mà tìm, một mình Trưởng ban Tổ chức Thành ủy lang thang không khéo người ta lại tưởng tôi… không bình thường”. Tôi nói khẽ thế mà Bí thư Thành ủy vẫn nghe được.
Rồi anh gằn giọng bảo tôi: “Đúng là đi một lần hay một vài lần thì ông chưa tìm được ai, nhưng đi nhiều lần ông sẽ tìm được một người lúc đó cũng lang thang như ông và trông có vẻ… không bình thường, có điều chính cái người trông không bình thường ấy lại là người mà chúng ta cần tìm, cần phát hiện hơn cả, bởi đàng sau dáng vẻ… ngơ ngơ đó là những ý tưởng đầy sáng tạo và đầy trăn trở nhằm góp phần làm thay đổi diện mạo của thành phố này, đưa thành phố này đi lên đi tới”.
Tất nhiên ở đây tôi hiểu anh chỉ mượn chuyện tìm người để nhắc nhở tôi rằng làm tổ chức không được hời hợt, mặc dầu hời hợt mấy rồi cũng xong việc - bởi lúc nào mà chẳng đúng quy trình: phiếu thăm dò tín nhiệm cao, tập thể lãnh đạo rất đồng thuận…
Càng ngày tôi càng thấm thía câu nói gan ruột chiều hôm ấy của người đứng đầu Đảng bộ thành phố về nghề tổ chức, càng thấy làm tổ chức đúng nghĩa thì công phu lắm/tinh tế lắm. Thật vậy, nếu chỉ thực hiện đúng quy trình mà không chọn đúng người để giao đúng việc vào đúng lúc thì đấy mới chỉ là làm hành chính tổ chức chứ chưa phải làm tổ chức.
Làm hành chính tổ chức cho chỉn chu/chuyên nghiệp không dễ - chẳng hạn soạn thảo và trình ký một quyết định bổ nhiệm không đúng thể thức văn bản hoặc sai sót về nội dung thì khó mà được chấp nhận. Nhưng nếu chỉ thế thôi thì hoàn toàn có thể sáp nhập ban tổ chức cấp ủy vào văn phòng cấp ủy! Làm tổ chức đúng nghĩa là phải biết lựa chọn cán bộ để tiến cử với cấp có thẩm quyền…
Hồi mới nghe tin tôi được điều động về Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng, thầy Lê Ngọc Trà - người hướng dẫn tôi làm luận văn cao học vào năm 1990 - từ Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh có gọi điện dặn dò: “Nếu em chưa tham mưu cho Đảng dùng được những người tốt thì ít nhất cũng tham mưu cho Đảng đừng dùng những kẻ xấu chỉ muốn làm lớn chứ không muốn làm việc lớn”.
Thầy tôi là một trong những chuyên gia hàng đầu của đất nước về lý luận văn chương, nhưng với riêng tôi thầy còn là người mà tôi được thụ giáo bài vỡ lòng hay nhất về nghề tổ chức. Suốt hai mươi năm trong nghề, tôi luôn tâm niệm rằng bản thân phải hết sức cố gắng để làm đúng như lời thầy dặn… Đương nhiên đôi khi tôi vẫn phải giật mình!
BÙI VĂN TIẾNG
(*) Nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng.